Đánh đố người học tiếng Anh

28/08/2012 18:44 GMT+7

(TNO) Bộ GD-ĐT yêu cầu trong 4 kỹ năng khi học tiếng Anh thì kỹ năng nghe được chú trọng nhất trong bài kiểm tra, đánh giá. Thế nhưng, thiết bị để phục vụ cho việc này lại chưa được quan tâm.

(TNO) Bộ GD-ĐT yêu cầu trong 4 kỹ năng khi học tiếng Anh thì kỹ năng nghe được chú trọng nhất  trong bài kiểm tra, đánh giá. Thế nhưng, thiết bị để phục vụ cho việc này lại chưa được quan tâm.

Kiểm tra nghe mà không có... máy

Trong hai ngày 28-29.8, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo-tập huấn cho cán bộ, giáo viên cốt cán môn tiếng Anh tiểu học năm học 2012-2013.

Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, chỉ những trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; có giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ châu u (trình độ B1-B2) và đã được tham gia các khóa tập huấn mới được tham gia giảng dạy chương trình tiếng Anh mới.

Về việc kiểm tra, đánh giá, theo hướng dẫn của Bộ, phải kiểm tra được cả 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết của học sinh. Trong đó, kỹ năng nghe chiếm 50%, đọc 20%, viết 20% và nói là 10% tổng số điểm. “Chỉ kiểm tra những gì đã dạy, không đánh đố học sinh nhưng phải có những câu hỏi phân loại học sinh khá giỏi”, Bộ GD-ĐT nêu rõ.

Tuy nhiên, nhiều giáo viên cũng tỏ ra băn khoăn với yêu cầu này khi mà những trang thiết bị đi kèm chưa đáp ứng được yêu cầu.

Một giáo viên ở Đà Nẵng nói: Bộ yêu cầu bài kiểm tra phải có 50% câu hỏi để đánh giá kỹ năng nghe của học sinh nhưng hiện nay lại chưa có CD nghe phục vụ cho việc kiểm tra này.

Giáo viên của đoàn Lai Châu cho hay: Trong khi CD kèm sách giáo khoa tiếng Anh lớp 3 có từng phần ứng với từng bài thì CD của lớp 4 lại không tách ra như vậy khiến cho mỗi lần giáo viên muốn cho học sinh nghe lại bài nào thì lại phải nghe lại từ đầu... rất mất thời gian.

Đại diện đoàn Điện Biên cũng phàn nàn, mặc dù đã thực hiện chương trình tiếng Anh mới được 2 năm nhưng vẫn chưa có CD chuẩn theo sách giáo khoa, nội dung của CD không phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh tiểu học.

Nhiều giáo viên ở các tỉnh khó khăn cũng tỏ ra lo lắng vì có nhiều trường không có cả một chiếc đài để phục vụ cho giờ học tiếng Anh thì việc kiểm tra kỹ năng nghe là rất khó khả thi.

Ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng bộ phận thường trực Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 (Bộ GD-ĐT) cho rằng, sở dĩ những địa phương thiếu thiết bị dạy học vì chưa lập được kế hoạch dạy học ngoại ngữ cho tỉnh/thành phố nên chưa được cấp ngân sách chi thường xuyên của Đề án. Ví dụ, trong khi Hà Giang năm nay được cấp 4,5 tỉ đồng cho việc dạy học ngoại ngữ theo chương trình mới thì Cao Bằng chỉ được cấp 1,2 tỉ vì chưa xây dựng xong kế hoạch.

Có cũng như... không

Còn giáo viên của đoàn Phú Thọ thì phản ánh: Thiết bị dạy học bắt buộc của môn tiếng Anh là robot teacher (một loại bút chấm đọc-PV), tuy nhiên thiết bị thì có rồi nhưng sách giáo khoa đi kèm chưa được mã hóa nên robot teacher này cũng không có tác dụng gì.

Theo báo cáo của nhiều tỉnh gửi lên ban thường trực Đề án, sách giáo khoa tiếng Anh thí điểm được mã hóa đã đáp ứng tốt nhu cầu của các giáo viên và học sinh, nhưng khi triển khai đại trà có một số phản hồi. Cụ thể, sách mẫu cũng được in số hóa đầy đủ như khi thí điểm nhưng khi sách đến tay học sinh thì số lượng mã hóa rất ít, nơi có sách số hóa nơi không, có nhiều địa phương thông báo là hoàn toàn không có...

Trong khi đó, ông Quốc Khánh, đại diện NXB Giáo dục giải thích: Khi robot teacher là một thiết bị dạy học bắt buộc thì đã có tới 8 đơn vị đăng ký sản xuất. Sau khi điểm định, NXB Giáo dục loại ra 3 công ty không đạt tiêu chuẩn, hiện nay còn 5 loại thiết bị này được đang được lưu hành trên thị trường.

Tuy nhiên, ông  này cũng thừa nhận, mặc dù sách giáo khoa tiếng Anh tiểu học mới do NXB Giáo dục phát hành nhưng NXB vẫn chưa thực hiện được việc mã hóa một mã chung nên mỗi một đơn vị sản xuất có một mã riêng, nhà trường mua robot teacher của công ty nào thì phải dùng sách giáo khoa mà đơn vị đó đã mã hóa.

Cách giải thích này khiến giáo viên không đồng tình, không ít người cho rằng, đã là thiết bị dạy học bắt buộc thì phải thống nhất làm sao để giáo viên và học sinh dễ sử dụng. NXB Giáo dục là nơi phát hành sách giáo khoa thì cũng phải chịu trách nhiệm về việc mã hóa bộ sách của mình để mọi thiết bị được cấp phép trên thị trường đều dùng được, không thể “thả nổi” cho các công ty như hiện nay.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.