Ngày thứ hai xét xử phúc thẩm vụ Vinashin: Các bị cáo xin giảm tiền bồi thường

30/08/2012 03:25 GMT+7

Bản án sơ thẩm đánh giá, tổng mức thiệt hại trong 5 dự án mà các bị cáo gây ra tại Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (Vinashin) lên đến gần 1.000 tỉ đồng, nhưng hôm qua, tại phiên tòa phúc thẩm, một số bị cáo lại "cò kè" xin giảm mức tiền bồi thường.

Bản án sơ thẩm đánh giá, tổng mức thiệt hại trong 5 dự án mà các bị cáo gây ra tại Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (Vinashin) lên đến gần 1.000 tỉ đồng, nhưng hôm qua, tại phiên tòa phúc thẩm, một số bị cáo lại "cò kè" xin giảm mức tiền bồi thường.

>> Xét xử phúc thẩm vụ tham nhũng tại Vinashin: Phạm Thanh Bình đổ tội làm trái cho “bối cảnh”
>> Xét xử phúc thẩm vụ Vinashin
>> Đề nghị truy tố thêm trong vụ tiêu cực tại Vinashin

Theo bản án sơ thẩm, bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Vinashin ngoài hình phạt 20 năm tù giam còn phải bồi thường tổng số tiền lên tới hơn 500 tỉ đồng (cao nhất trong 9 bị cáo) bởi bị cáo Bình liên quan đến cả 5 dự án sai phạm gồm: mua tàu Hoa Sen, xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng,  xây dựng Nhà máy nhiệt điện Cái Lân, bán tàu Bạch Đằng Giang và dự án đầu tư tàu Bình Định Star.

Hôm qua, bị cáo Bình không chỉ luôn miệng đổ lỗi cho việc phạm tội là do bối cảnh, do trọng trách quá lớn, do tình thế cấp bách… để xin giảm nhẹ hình phạt mà còn liên tục xin giảm trách nhiệm dân sự, cụ thể là giảm số tiền bồi thường. Bị cáo Bình cho rằng, với tổng số tiền bồi thường lớn như vậy, cộng thêm với số tiền án phí hơn 600 triệu đồng thì gia đình bị cáo không có đủ khả năng bồi thường. Bị cáo Bình đề nghị HĐXX xem xét lại khi tòa sơ thẩm áp dụng lãi suất để tính vào tiền bồi thường cho các bị cáo. Theo trình bày của bị cáo, chỉ tính từ khi bị khởi tố (ngày 4.8.2010) đến phiên tòa sơ thẩm (27.3.2012) bị cáo đã phải chịu số tiền lãi lên đến hàng chục tỉ đồng.

Tương tự, bị cáo Trần Quang Vũ, nguyên Tổng giám đốc Công ty CNTT Nam Triệu (bản án sơ thẩm tuyên bồi thường 25 tỉ đồng) mong muốn HĐXX bỏ lãi suất áp dụng với số tiền bồi thường của bị cáo. Bị cáo Vũ cũng cho rằng việc bán tàu Bạch Đằng Giang vào thời điểm đó là cần thiết, nếu để lại, chi phí cho con tàu này lên tới 12 tỉ/năm.

Bị cáo Tô Nghiêm, nguyên Giám đốc Công ty CNTT Cái Lân (mức bồi thường tại bản án sơ thẩm là hơn 16 tỉ đồng) trong kháng cáo cũng đề nghị xin được giảm tiền bồi thường. Lý do bị cáo đưa ra là, trước khi bị cáo bị khởi tố và bắt giam, nhà máy vẫn đang hoạt động, mục đích đầu tư của nhà máy chủ yếu phục vụ cho nhà máy cán thép, nếu nhà máy thép không tiêu thụ hết lượng điện thì bán cho lưới điện quốc gia, nghĩa là không phải kinh doanh điện, nếu tiêu hao nhiên liệu cao hơn thì đưa vào cơ cấu giá thành sản phẩm. Vì thế không thể coi là thiệt hại.

Tuy nhiên, đáp lại những đề nghị của các bị cáo, đại diện VKS kết luận: “…Tòa sơ thẩm trong quá trình xét xử đã xem xét hành vi phạm tội, xét các tình tiết giảm nhẹ để cá thể hóa hình phạt của các bị cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo không có căn cứ gì mới, vì vậy không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên hình phạt tòa sơ thẩm đã tuyên cũng như các quyết định khác”.

Sáng nay, tòa tiếp tục với phần tranh luận và dự kiến chiều sẽ tuyên án.

Phạm Hải Sâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.