Bó tay với cát tặc đất cảng

04/09/2012 08:00 GMT+7

Thời gian gần đây, nhiều khu đất ven sông Văn Úc, sông Lạch Tray, thuộc hai xã Quang Hưng và Bát Trang, H.An Lão, TP.Hải Phòng bị sạt lở nghiêm trọng vì tình trạng hút cát trái phép trên sông.

Có mặt ven sông Văn Úc, khu vực thôn Câu Thượng, xã Quang Hưng, trước mắt chúng tôi là những hàm ếch ăn sâu vào bờ sông dựng đứng, đất vẫn rơi lõm bõm xuống sông, những rặng tre trước kia được trồng để chắn sóng giờ chỉ còn vài khóm lập lờ bên mép nước.

Ông Lê Minh Tuyến, 56 tuổi, ở thôn Câu Thượng cho biết, từ năm 2010, một ngày có khoảng 20 trọng tải từ 300 đến 500 tấn, hút cát cả ngày lẫn đêm tại khu vực này, làm nhiều đồng bãi của người dân bị sạt lở nặng nề, nhà ông có 1 ha đất trồng màu, nay đo lại chỉ còn khoảng một nửa.

Ông Lê Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng cho hay, năm 2012, xã đã ba lần đưa lực lượng truy quét, nhưng khi chuẩn bị xuống xuồng ra bắt, các chủ tàu đã nhanh chóng tẩu thoát. Ông Hải xác nhận, chiều dài của bãi ven sông bị sạt lở khoảng 500 m, ảnh hưởng trực tiếp 20 hộ dân, diện tích bị sạt lở khoảng 5 ha.

Đi theo đê Văn Úc chừng 3 km, chúng tôi sang thôn Quán Trang, xã Bát Trang. Tại đây, bãi sông Lạch Tray sạt lở khoảng 2 km, thôn Quán Trang có gần 20 hộ dân có đất hoa màu sạt lở với diện tích khoảng 6 ha. Ông Nguyễn Văn Lục, 47 tuổi, ở thôn này bức xúc: “Một ngày có đến 10 con tàu thay nhau hút cát. Tiếng máy cứ ầm ầm suốt ngày, cả làng tôi không ngủ được, nhưng đau nhất là 2 ha đất hoa màu ngoài bãi của gia đình nay bị sạt lở, chỉ còn 1 ha”.

Cát lậu đổ lên đường cao tốc?

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ông Đào Văn Tần, Trưởng phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn H.An Lão cho biết, trước nạn cát tặc đang hoạt động mạnh ở các khu vực sông bị cấm, đầu năm 2012, huyện đã thành lập một tổ công tác gồm 17 người thường xuyên phối hợp với lãnh đạo các xã để kiểm tra, bắt giữ các tàu hút cát trái phép trên sông.

Theo đó, từ năm 2009 đến 2011, huyện đã lập biên bản, xử lý gần 40 tàu, phạt với tổng số tiền là 385 triệu đồng. Riêng từ đầu năm 2012 đến nay, đã bắt giữ, xử lý 16 tàu, phạt tổng số tiền 133 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Tần, hiện nay, phương tiện và lực lượng của huyện còn mỏng, cả huyện mới chỉ có một xuồng cao tốc mượn từ ban chỉ huy quân sự huyện nên việc kiểm tra, bắt giữ tàu cát vi phạm hết sức khó khăn.

Đáng nói là, theo nhiều người dân trong khu vực, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "cát tặc" hoạt động rầm rộ như hiện nay chính là nhu cầu lớn về cát trong việc thi công tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Được biết, khi thi công đường, cần có một lượng cát rất lớn để san lấp mặt bằng. Do đó, các chủ tàu cát trái phép đã tăng cường hút cát để bán cho đơn vị thi công, bất chấp những nguy hiểm gây ra cho đê điều và đồng bãi của nông dân.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Lục, ở thôn Quán Trang nêu ý kiến: “Chính quyền địa phương cần kiến nghị với thành phố và cơ quan chức năng để buộc các chủ thầu muốn vào thi công đường phải có hợp đồng cung cấp cát từ các mỏ chính quy, được cấp phép. Có như vậy mới giảm được tình trạng mua cát bừa bãi, hút cát vô tội vạ, cuối cùng, chỉ có những người nông dân ven sông như chúng tôi là gánh hậu quả”.

Nguyễn Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.