“Sứ mệnh” trên sông Cửa Lớn
Trên bờ sông Cửa Lớn (Năm Căn, Cà Mau) hàng chục ánh mắt dõi theo dòng nước. Không có tiếng kêu từ sông. Vậy là chưa tìm được người. Những chiếc đầu lại biến nhanh vào lòng sông, mang theo hy vọng tìm gặp người mất tích. Một giờ. Hai giờ. Ba giờ... thườn thượt kéo qua. Lúc mọi người trở nên mệt mỏi thì màn đêm lại bị xé toang kèm theo tiếng thét: “Gặp rồi!”. Những tiếng khóc lại vỡ òa. Có người lịm đi theo tiếng nấc. Người thanh niên lôi sợi dây buộc chặt vào người xấu số, thả phao “làm dấu” rồi lặng lẽ bơi vào bờ. Giữa dòng người dâng trào xúc động, không ai để ý anh chàng nhiều lần lặng lẽ kéo chiếc áo khô lau mặt.
Ngô Văn Tâm (31 tuổi, ở ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh, H.Năm Căn, Cà Mau) vừa bị vợ bỏ mấy tháng trước. Những người phụ nữ rỗi việc ở Xóm Miễu nói rằng thời gian gần đây, Tâm hay nhúng mình trong men rượu. Có người lại nói vợ Tâm bỏ đi, “không dám” ở với anh vì sợ cái nghề “cõng xác chết”. Chuyện không hạnh phúc của gia đình chàng trai trẻ này dường như cả xóm đều biết. Nhất là mỗi khi anh đi lặn về đều bị vợ “cấm vận” không cho tới gần vì sợ “ma ám”.
|
Sông Cửa Lớn không có thượng nguồn và hạ nguồn. Sông vắt qua những xóm làng, rừng rậm, chợ búa... từ biển Đông kéo một vệt lớn sang biển Tây. Sông mang theo niềm tự hào với nhiều sản vật, nhưng cũng là nỗi ám ảnh của người qua lại, sinh sống bên sông. Không một số liệu nào thống kê đã có bao nhiêu tàu bè bị nhấn chìm, bao nhiêu nhà cửa bị “lôi” xuống lòng sông này. Có một điều người am hiểu vùng đất Cà Mau từ thời những dòng người lưu xứ đến khẩn hoang đều biết, nếu như vùng rừng rậm U Minh nhiều rắn rít, thì quanh đó có những ông thầy thuốc rắn, còn ven những con sông lớn dữ dằn luôn có những thợ lặn lão luyện. Họ không chỉ làm nghề này để mưu sinh, mà còn gánh trọng trách cứu người, vớt người...
Ven sông Cửa Lớn không thiếu những thợ lặn trứ danh. Một thời những thợ lặn này kiếm sống bằng nghề lặn trục vớt xác tàu chiến cho nhà nước; lặn tìm vỏ đạn để bán phế liệu. Khi hàng chục chiếc tiểu pháo hạm, tàu đổ bộ... được trục vớt lên, thì nguồn vỏ đạn ở những cửa sông, căn cứ quân đội cũ tiếp tục được các thợ lặn vét sạch. Những thợ lặn dọc theo sông Cửa Lớn còn giữ nhiệm vụ cứu hộ cho tàu, xuồng gặp nạn. Tuy nhiên, những thợ lặn “chuyên” tìm người xấu số dưới đáy sông thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Dọc theo con sông này, hữu sự người ta lại nhớ ngay ông Ngô Văn Quang (Tư Lặn). Nhiều thợ lặn lão luyện mỗi khi phải truy tìm người dưới đáy sông đều chạy đến nhờ ông. Một thợ lặn ở Năm Căn nói ông Quang có lẽ đã đưa hàng trăm người từ đáy sông lên bờ. Hôm chúng tôi tới nhà, ông Quang nói ông không nhớ nổi đã từng làm việc này bao nhiêu lần. Thậm chí ông không nhớ cụ thể lần nào, chỉ khắc ghi một lần đích thân ẵm một đồng nghiệp tên Hạnh “đi lạc” trong tàu chiến Mỹ rồi vĩnh viễn không lên được. Khi tuổi đời đã tước đi của ông Quang sự linh hoạt thì người cháu ruột của ông cũng dần thay thế trong việc tìm người dưới đáy sông.
|
Nghĩa cử cuối cùng
Ngô Văn Tâm theo nghề lặn từ năm 16 tuổi. Tâm nói anh rất... sợ ma, lại có tánh hay nhẹ dạ. Một lần có người đến nhờ anh lặn vớt chiếc vỏ lãi bị chìm ở Vàm Cây Me. Đến nơi thì mới biết người ta cần tìm cậu bé 13 tuổi, lúc chạy vỏ lãi đi đổi nước ngọt đã gặp nạn lật úp xuống sông. Ban đầu Tâm từ chối. Nhưng người nhà cứ khóc lóc, van nài. Cầm lòng không đặng, anh làm thinh nhảy ùm xuống sông mà không dám chắc có tìm gặp cậu bé hay không. Tâm nói, khi mang được cậu bé xấu số từ dưới sông lên, thay cho nỗi sợ hãi lúc đầu là cảm giác mãn nguyện vì đã giúp người không may về lại với gia đình. Đó cũng coi như giúp người ta được đoàn viên, dù chẳng ai mong đợi có sự đoàn viên như thế.
Tâm nói, những lần đầu tiên khi tiếp cận với người xấu số, cứ rờn rợn như có cảm giác “người ta níu lấy mình”. Có thợ lặn khi chạm phải người dưới đáy sâu đã lập tức nổi lên và... ngất xỉu. Sau những lần đầu sợ hãi, Tâm trở nên dạn dĩ hơn. Qua 15 năm, sau hàng trăm vụ lặn tìm người dưới đáy sông, Tâm nói anh đã coi đó như là một nghĩa cử phải làm. Mà nếu không làm, anh “cảm giác như có lỗi” vậy.
|
Một lần cách đây vài tháng, khi đi làm ở đảo Hòn Chuối, nhận được điện thoại anh tức tốc đón tàu về đất liền. Tới cửa Cái Đôi Vàm, anh lại đón xe chạy bổ về Vàm Cái Ngây, nơi các thợ lặn đang lặn tìm 3 ông cháu bị tai nạn mất tích. Những người ở đây kể lại, lúc ông cụ chở theo 2 cháu, đứa 9 tuổi, đứa 12 tuổi trên sông Cửa Lớn thì chân vịt máy tàu bị dính rác. Ông cụ lo gỡ rác mà không hay xuồng đã trôi dạt vào hàng đáy bè, cả 3 ông cháu chìm xuống sông. Các thợ lặn ở gần đó được huy động. Nhưng lặn 1 ngày, 1 đêm cũng không tìm được xác 2 cháu nhỏ. Lần đó, Tâm đã tìm gặp hai cháu bé bị mắc vào lưới đáy, chìm cách xa hàng đáy 700 m. Nhắc đến, anh thợ lặn kéo vạt áo lau mắt: “Lúc tui gặp, 2 đứa nằm lọt thỏm trong lưới đáy, ở tư thế ôm chặt lấy nhau...”. Đưa được 2 bé lên bờ, Tâm bỏ chạy ra phía xa mà đứng khóc. Tâm nói, tới giờ hình ảnh đó ám ảnh anh không lúc nào nguôi.
Thợ lặn Tâm cho rằng lặn tìm người dưới lòng sông nếu không “có duyên” thì anh cũng tin vào may mắn. Nhiều vụ các thợ lặn hì hục cả ngày lẫn đêm cũng không gặp, nhưng thợ lặn khác chỉ xuống nước một hơi đã tìm thấy. Không ai nhớ hết bao nhiêu biến cố xảy ra dọc theo tuyến sông này. Quá nhiều, quá nhiều những chuyện khiến những thợ lặn tìm người không đi xa lâu được.
Không đặt vấn đề thù lao Thợ lặn Nguyễn Hữu Phước nói anh có một mong muốn duy nhất là... không ai nhờ cậy tới mình đi tìm người dưới đáy sông. Có bận hai, ba năm, các thợ lặn ở đây rất thảnh thơi, không ai gọi đi tìm người xấu số. Qua mỗi năm họ đều mừng thầm. Nhưng cũng có khi một ngày xảy ra hai, ba vụ. Vừa lặn tìm người ở điểm này thì lại có điện thoại gọi tìm ở điểm khác. Trong những lần tìm người xấu số, phần lớn các thợ lặn đều không đặt vấn đề thù lao. Nhưng không phải ai cũng thế. Các thợ lặn ở Xóm Miễu nhắc đến một thợ lặn tên Đ. cách đó vài cây số. Trước khi lặn, ông này hay ra giá trước. Cứ 1 hơi lặn thì khổ chủ phải trả 500.000 đồng. Mỗi hơi như thế có thể là 1 giờ, có thể tìm gặp nạn nhân. Nhưng cũng có thể chỉ kéo dài 5 phút. Không tìm được người thì vẫn phải trả tiền. Một lần lặn tìm được nạn nhân bị tàu cao tốc đâm chết ở Kinh 17, ông Đ. ăn 4,5 triệu đồng. Không hiểu chuyện gì xảy ra sau đó mà ông này đã trở nên hoảng sợ khi nhắc đến lặn tìm người, rồi tuyên bố bỏ luôn nghề xuống đáy (!?). Đôi khi trong lúc đau lòng, người nhà nạn nhân còn không có lấy lời cảm ơn người đã hì hục hằng giờ, mang xác người thân từ đáy sông lạnh lẽo trở về trong vòng tay của họ. Hay gặp cảnh nạn nhân ở xa xứ, các anh phải đưa người không may về quê an táng, coi như đó là nghĩa tận. |
Tiến Trình
Bình luận (0)