Chúng tôi gọi đó là “chiếc bàn ma thuật” bởi chỉ cần áp nhẹ bàn tay lên mặt bàn, trong một thời gian ngắn, mặt chiếc bàn tự chuyển động tròn đều với tốc độ tăng dần một cách kỳ bí. Câu chuyện về chiếc bàn này có nhiều “dị bản”, tuy nhiên chỉ ông - người làm ra nó - kể mới thực sự chính xác.
Chiếc bàn tự hành
Tên khai sinh là Đinh Thạch nhưng người dân địa phương thường gọi ông là Thẩm, một lão thợ mộc giàu kinh nghiệm, thầy của không biết bao thế hệ thợ mộc thành danh. Ông năm nay đã 93 tuổi nhưng tay đục, tay cưa vẫn rắn rỏi. Nói về “chiếc bàn ma thuật”, ông bỗng hào hứng bởi khi lùi về quá khứ, ông được gặp lại mình của thời trai trẻ. Thời mà tự tay mình, ông có thể làm ra những bàn có mặt tự thân nó có thể quay được mà đến nay khoa học vẫn chưa có sự giải thích nào thỏa đáng.
Chiếc bàn tự xoay khởi nguyên tại làng mộc Văn Hà. Và chỉ có người Văn Hà mới biết cách làm nên những chiếc bàn đó. Nhưng trải qua nhiều biến cố của lịch sử, đến thời điểm những năm 30 thế kỷ trước, người Văn Hà cũng không còn nhớ cách làm chiếc bàn này. Năm đó ông Thẩm hơn 20 tuổi, đã có 3 năm tuổi nghề. Bàn tay ông khéo léo đến mức chạm trổ hình thù thế nào trên gỗ cũng y như thật. Thế nên ông được cha và các bác cho đi theo dựng nhà gỗ cho người ta tại H.Tiên Phước (Quảng Nam). Như một sự tình cờ thiên định, ông được một ông lão cho xem chiếc bàn này.
“Hồi đó, tôi được nhiều người kể về chiếc bàn tự xoay nhưng tìm mãi khắp làng cũng không thấy. Nhiều người bảo những chiếc bàn tại H.Tiên Phước là do thợ mộc làng tôi làm ra nhưng hỏi cách làm thì không ai biết. Mãi đến khi tôi được một cụ ông cho xem, tôi mới hình dung được cách làm như thế nào. Làm được bàn và để bàn tự xoay phải có một bí quyết”, ông Thẩm nói.
Mày mò tự làm với tâm niệm, ngôi làng nơi khai sinh chiếc bàn thì ít ra cũng có một cái để “nói chuyện với con cháu”, ông Thẩm ngày đêm nghiên cứu. Rã từng chi tiết để nắm nguyên lý, cuối cùng ông đã làm nên chiếc bàn có mặt tròn y như cái ông đã nhìn thấy. Nhưng bàn vẫn không thể tự xoay, bởi theo ông Thẩm dù chiếc bàn đã được hoàn thiện, nhưng cái cốt lõi là khung giá đỡ không phải là gỗ mít. Ông Thẩm phải tháo ra đóng lại thì chiếc bàn mới có thể tự quay.
“Bí quyết rồi một ngày tôi sẽ tiết lộ. Còn vật liệu để làm nên chiếc bàn này tiên quyết phải là lõi gỗ mít. Lõi gỗ phải già, trên 40 năm càng tốt hoặc gỗ mít chưa già lắm nhưng lại cũ, để lâu. Nguyên cả bàn là gỗ mít hoặc lẫn lộn các loại gỗ khác nhau đều được, tuy nhiên để bàn xoay, mặt bàn, gọng đỡ, giá đỡ phải là gỗ mít”, ông Thẩm cho biết.
|
Từ phát hiện tình cờ
Theo ông Thẩm, “chiếc bàn ma thuật” được người làng Văn Hà làm ra với mục đích để đựng đồ cúng bái. Trong các dịp giỗ tổ tiên hay lễ tết, người làng ông thường dùng chiếc bàn này để đựng lễ vật biểu thị sự trang nghiêm và tôn kính. Để thuận tiện cho việc bài trí các món ăn, người ta thiết kế mặt bàn gắn chân đế thông qua một trục cố định. Khi cúng, người ta có thể dùng tay xoay tròn mặt bàn. Nhưng rồi nhiều lần dùng bàn để cúng bái, người ta đã vô tình phát hiện tính năng tự xoay hết sức đặc biệt.
Hiện tại làng Văn Hà chỉ còn một chiếc bàn tại nhà anh Trần Ngọc Tuấn (39 tuổi). Đã nhiều người đến xem chiếc bàn tự xoay và ngỏ ý mua nhưng anh quyết không bán. Anh Tuấn cho biết: “Chiếc bàn có cấu trúc 3 phần. Trong đó, phần chân đế là gỗ mun có đầu gọt hình trụ tròn để tạo thành khớp nối với mặt bàn. Giữa khớp nối này, người ta còn thiết kế một khung tạo thành khối hình chữ nhật, gồm 8 trụ nhỏ bằng gỗ mun”.
Theo ông Thẩm, khi chế tác phải tuân theo nguyên mẫu với kích thước định sẵn. Tổng chiều cao của bàn là 80 cm, trong đó, khung khối hình chữ nhật gắn liền mặt bàn với chân đế cao khoảng 20 cm. Quan trọng nhất là mặt bàn phải rộng 65 cm và nhất thiết đúng với quy định này.
Để “khởi động” vòng xoay của bàn, người sử dụng cần phải đi chân trần tiếp xúc trực tiếp với mặt đất. Tùy vào số người đặt tay lên mặt bàn mà thời gian để mặt bàn chuyển động có thể nhanh hay chậm. Vậy nên, hôm chúng tôi đến, vợ anh Tuấn là chị Nguyễn Thị Thôi (35 tuổi) đã nhờ thêm 3 đứa cháu trai đến cùng đặt tay vào mặt bàn để bàn tự quay nhanh hơn.
Sắp xếp mọi thứ, ba người cùng úp tay vào mặt bàn. Quả nhiên, sau khoảng ba phút, phía dưới mặt bàn bắt đầu phát tiếng kêu rắc rắc, rồi dần xoay theo chiều kim đồng hồ. Điều khiến những người chứng kiến kinh ngạc là mặc dù chiếc bàn đã rất cũ và giữa khớp nối này khá chắc, có vẻ như đã lâu chưa được xoay nhưng khi úp hờ bàn tay thì mặt bàn lại tự chuyển động. Khi rút bàn tay ra, mặt bàn dừng lại đột ngột. Tiếp tục theo sự hướng dẫn của ông Thẩm, chúng tôi đặt ngửa bàn tay lên mặt bàn. Và cũng chỉ sau ba phút, mặt bàn lại tự xoay, lần này theo chiều ngược kim đồng hồ.
Hỏi về nguyên tắc tự xoay của chiếc bàn, ông Thẩm thật bụng: “Tôi cho rằng, chiếc bàn hoạt động theo nguyên tắc cấu khí âm - dương nào đó rất đặc biệt. Tôi có bí quyết để làm chiếc bàn nhưng để giải thích tại sao mặt bàn tự xoay thì tôi chưa làm được”. Ông Thẩm năm nay tuổi cũng đã cao và chỉ còn ông nắm giữ bí quyết làm chiếc bàn này. Tuy nhiên, chị Thôi (vợ anh Tuấn) tâm sự, ông sẽ truyền lại bí mật này cho chồng chị.
Hoàng Sơn
>> Điều kỳ diệu từ chiếc bàn tính gẩy
Bình luận (0)