Doanh nghiệp yếu vì thuế và phí

06/09/2012 03:20 GMT+7

Báo cáo kinh tế vĩ mô 2012 “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” của Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKTQH) đã chỉ ra tỷ lệ thu thuế, phí tại Việt Nam quá cao.

Thuế cao

Bình luận về nhận định thuế và phí của UBKTQH trong bản báo cáo, một cán bộ thuế nói: “Thuế, phí tại Việt Nam không phải cao mà là... quá cao. Điều này khiến các doanh nghiệp (DN) chỉ có nước tìm cách lách thuế”. Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn, nhận định của UBKTQH cũng không phải mới về tình trạng thuế và phí. Đa số ở nhiều nước, tỷ lệ thu thuế/GDP đều dưới 20% còn Việt Nam lên gần 25% là quá cao.

Theo báo cáo của UBKTQH, trung bình trong giai đoạn 2007-2011, tổng thu ngân sách nhà nước của Việt Nam khá ổn định và vào khoảng 29% GDP. Nếu chỉ tính thu từ thuế và phí thì con số này là 26,3% GDP. Trong khi trung bình trong 5 năm gần đây, tỷ lệ thu từ thuế và phí/GDP của Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là xấp xỉ 15,5%, Philippines là 13,0%, Indonesia là 12,1% và của Ấn Độ chỉ là 7,8%.

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) tại Việt Nam với mức 25% được áp dụng cố định cho mọi DN trong khi các nước áp dụng thuế suất từ 2 - 30%. Tình trạng thuế cao trong bối cảnh khó khăn hiện nay - theo GS-TS Trần Ngọc Thơ - Trưởng khoa Tài chính doanh nghiệp Trường đại học Kinh tế TP.HCM - khiến các DN làm ăn khó khăn, không tích lũy, đầu tư được. Theo ông, thuế suất thuế TNDN cần nhanh chóng giảm xuống mức 20% để từ đó DN có thể tích lũy, đầu tư. Việc giảm thuế suất thuế TNDN phần nào làm cho ngân sách nhà nước giảm, nhưng về lâu dài, chính sách này sẽ làm tăng nguồn thu ngân sách.

Ông Mai Thanh Tòng - Phó chủ tịch Hội Kế toán TP.HCM - kiến nghị thuế suất thuế TNDN cần sớm giảm xuống 22 - 23%, không chỉ để DN trong nước phát triển mà còn góp phần thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào. Từ phía DN, ông Hồ Đức Lam - Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam - cho rằng nên áp dụng mức 20% là hợp lý.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, mức thuế TNDN bình quân của nhiều nước chỉ ở mức 17%/năm. Vì vậy mức thuế TNDN hiện hành của Việt Nam đến 25%/năm là quá cao. Trên thực tế, nếu tính đủ các khoản chi phí DN phải nộp thì lên đến 28%. Bà Phạm Chi Lan cho rằng: “Đã có nhiều ý kiến đề xuất giảm thuế TNDN về mức 20% và theo tôi đây là mức hợp lý. Điều vui mừng là thông qua báo cáo của UBKTQH, đây cũng là cơ quan quyết định các chính sách về thuế, hy vọng sắp tới Quốc hội mạnh dạn thay đổi lại các chính sách thuế cho phù hợp”.

Doanh nghiệp yếu vì thuế và phí
Làm thủ tục cấp mã số thuế tại cơ quan thuế - Ảnh: Diệp Đức Minh

Phí nặng

Ngoài các khoản thuế, các DN Việt Nam còn phải trả các chi phí, đặc biệt chi phí không chính thức ở mức khá cao. Báo cáo của UBKTQH trích dẫn kết quả điều tra Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 cho thấy hơn 52% số DN được hỏi cho biết họ phải chi trả dưới dạng tiền lót tay cho các cán bộ hành chính địa phương, 7% số DN phải chi trả tới hơn 10% tổng thu nhập của họ cho các khoản chi phí không chính thức.

Đại diện một DN may tại Bình Chánh (TP.HCM) ví dụ trong lĩnh vực vận tải, bên cạnh việc phí vận chuyển tại cảng Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực từ 10-15%, còn có rất nhiều loại chi phí không tên. Một container hàng lưu tại cảng phải chịu đủ loại phí từ 200.000 - 300.000 đồng. Một tháng chỉ cần DN có vài trăm container là số phí này tính ra 40 - 50 triệu đồng. Theo ông Mai Thanh Tòng, vấn đề mà các DN quan tâm hiện nay đó là cho phép họ được khấu trừ các chi phí khi quyết toán thuế. Hiện các DN phải chi phí các khoản như quảng cáo, lễ tân, tiếp khách... khá nhiều nhưng cơ quan thuế chỉ chấp nhận rất ít. Chính vì vậy mà DN có khi lỗ nhưng không được ghi nhận mà phải nộp thuế. Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lưu ý thêm khía cạnh lãi vay ngân hàng. Theo ông, đây là một loại chi phí mà DN đang chịu đựng ở mức cao nhất nhì thế giới.

Kinh tế sụt giảm, sức khỏe của DN đang xuống rất thấp. Trong bối cảnh này - theo nhiều chuyên gia kinh tế - việc nhà nước cần nhanh chóng rà soát, giảm thuế và phí giúp DN tồn tại, nâng sức cạnh tranh là rất cần thiết. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, để giảm thiểu các chi phí không chính thức, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó cần rà soát lại ngay từ khâu chi tiêu công, trong đó cần giảm ngay những khoản chi ngân sách nào không đạt hiệu quả, nhất là các khoản chi đầu tư cho các tập đoàn, công ty nhà nước.

Thanh Xuân - Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.