"Nỗi lòng chôn kín" - Truyện ngắn Trương Điện Thắng

09/09/2012 03:15 GMT+7

1. Sáng thứ bảy, tôi về làng nghỉ cuối tuần như thường lệ. Hôm ấy lại đúng vào ngày Huy khởi công tôn tạo khu mộ của chú Năm Lân, ông thân sinh của Huy.

1. Sáng thứ bảy, tôi về làng nghỉ cuối tuần như thường lệ. Hôm ấy lại đúng vào ngày Huy khởi công tôn tạo khu mộ của chú Năm Lân, ông thân sinh của Huy.

Chú Năm Lân là em cùng chi họ của ông cụ nhà tôi, sinh thời chú ấy cũng rất quan tâm đến chuyện ông bà, dòng tộc, nhưng chỉ cái tội nghèo, nên đến lúc nhắm mắt còn ân hận vì chưa làm được gì. “Con Sáu Dưa nó đừng hại tôi, thì đâu đến mạt rệp như ngày nay, đến nỗi anh em mình không xây được chỗ thờ cúng tổ tiên, anh!”, chú thường nói với ông thân sinh tôi như vậy, kể cả trước lúc chú ấy qua đời năm vừa 70 tuổi, khi chỉ còn hai người bên nhau. Ông cụ tôi cũng nghèo, cũng đông con và thường tổng kết về chi tộc mỗi lần giỗ chạp bằng một câu đơn giản: “Chi mình có ba cái nhất. Nghèo nhất, đông nhất và dốt nhất!”. Các ông chú họ, kể cả chú Năm Lân, dù tự ái đến đâu cũng không ai hé môi, vì câu nói ấy vừa đúng, vừa tàn nhẫn quá!

Huy ghé vào chỗ tôi, cũng là nơi có ngôi nhà thờ mà đến đời chúng tôi mới góp sức làm nên:

- Chiều nay mời anh em mình quây quần ở nhà thờ uống với em ly bia…

- Huy cứ lo công việc đi, chiều hẵng hay!

Tôi định  nói cho qua chuyện vì biết tính Huy hay quên. Nhiều lần chú nó hẹn hò như đinh đóng cột, nhưng đến lúc bao nhiêu người ngồi chờ thì nó biến đi đâu mất tiêu. Sau, ai trách, nó cười trừ: Ờ hỉ, đầu óc em ra sao rồi!

 "Nỗi lòng chôn kín" - Truyện ngắn Trương Điện Thắng
Minh họa: Văn Nguyễn

Không ngờ chiều đó, nó lù lù chở về con vịt và thùng bia. Chẳng nói với ai một câu, Huy lọ mọ trong bếp một mình và bưng ra nào tiết canh, thịt luộc, cháo lòng, rau cỏ, ly chén rồi gọi điện chí chóe.

Mấy phút sau, trước sân nhà thờ, đã có đông đủ anh em ngồi quanh một mâm…

Trước khi khai cuộc, tôi hỏi:

- Sao không thấy thím Năm Lân về, Huy?

- Thôi, nhậu đi anh, mừng cho ông già em. Chuyện đó dài lắm, em kể sau…

Trời tháng 5 nóng như đổ lửa. Đã gần tối vẫn còn oi. Chúng tôi cởi phăng hết áo quần, chỉ may ô, quần đùi, lại còn kéo thêm cái quạt máy ra giữa sân. Hôm nay anh em khá đông vì vừa sạ xong lúa vụ hè thu cách đó mấy ngày, công việc nhà nông cũng chưa có gì gấp gáp.

Món tiết canh do chính tay Huy làm, đông cứng. Huy tự hào với tay bếp của mình lắm. Nó nói với cả bàn:

- Các anh, các chú thử lấy hạt đậu phộng thả từ trên cao xuống vẫn không thủng mặt đĩa tiết đã đông! Ông già em truyền nghề lại đó…

- Sao chú không mở tiệm thịt vịt tiết canh, có khi hốt bạc!

- May đó anh ơi, nhà em mấy đời nhiều người từng cầm dao cầm thớt, mà có ai khá đâu. Chỉ làm thuê. Đến đời cha em, dành dụm được chút ít thì cũng không cánh mà bay, lại gặp chiến tranh, ra phố chỉ còn biết đạp xích lô nên mạt tiếp đến giờ. Con cái giỏi lắm cũng chỉ học đến trung học rồi đi học nghề, làm thợ…

- Mình là nhà trưởng nam của cả chi đây, cũng đâu có hơn gì mấy chú! Đất đai hương hỏa không có, mấy đời đều đi thuê đất cày cuốc. Ra phố, để khỏi chết vì bom đạn. May học được vài chữ, ra làm công chức nhưng giờ về nghỉ hưu, thì cũng như không. Đang định mua lại đám ruộng, cấy vài sào lúa đây… - tôi nói.

- Vậy là trở lại điệp khúc: Đông nhất, nghèo nhất và dốt nhất như bác Hai vẫn nói hả anh?

- Ừ, chắc vậy!

Lúc đó, Huy đã uống vào mấy ly, mặt đỏ bừng. Nó cầm miếng bánh tráng cứ bẻ nhỏ ra từng mảnh, dí xuống mặt bàn, ra vẻ đăm chiêu. Nhưng nghe tôi “Ừ, chắc vậy!” thì nó ngẩng lên, nói xẵng giọng:

- Nghèo dốt thì nghèo dốt, nhưng không được bội bạc!

- Sao chú lại nói vậy! Anh em mình đầy đủ cả mà!

Huy tự tay rót bia đầy một ly và đưa lên uống hết, không mời ai:

- Tôi sẽ kể cho anh và mấy chú biết chuyện của tôi…

2. Tôi không phải là con của mẹ tôi, của thím Năm Lân mà hồi nãy anh Hai hỏi đâu các anh em ạ. Tôi là con riêng của cha tôi…

Mấy anh em tôi chưng hửng và bất ngờ với câu nói vừa rồi của Huy. Năm nay chú ấy đã ngoài 50 tuổi rồi. Chúng tôi biết nhau từ nhỏ, nên làm sao có chuyện lạ lùng ấy. Vài người cãi lại Huy, nhưng chú ấy không giận, trái lại rất điềm đạm, và bắt đầu câu chuyện…

“Từ nhỏ đến giờ mẹ Năm tôi luôn luôn ghét bỏ tôi, kể cả vợ con tôi, bà cũng ghét ra mặt. Bà còn tuyên bố là yêu quý mấy chú em rể hơn tôi nữa kia. Vì sao vậy? Câu hỏi ấy luôn ám ảnh tôi. Các con tôi cũng hỏi sao bà nội không thương ba, nhưng tôi không tìm được câu trả lời thỏa đáng. Phải chăng do tính tôi nóng nảy, hay trái ý bà? Không phải! Bà ghét tôi, nhưng mỗi lần có việc nhà, lúc đau yếu phải đi khám bệnh hay sửa chữa lại cái hiên, chái bếp đều phải gọi cho được tôi về... Có lần tôi hỏi: Mẹ ghét con mà sao có chuyện gì vẫn đòi gọi con? Lúc đó mẹ nói: “Thằng này cứ nhớ dai!”, rồi thôi. Và sau đó bà càng tỏ ra lạnh nhạt hơn. Không tài nào tôi hiểu được…”.

Huy lại rót bia đều ra các ly và mời cả bàn. Vẫn ực một hơi, như để cho cuốn trôi đi cái gì đó đang mắc trong cuống họng…

“Các cô, các chú bác ruột tôi ai cũng đã biết từ mấy chục năm nay, nhưng không ai nói với tôi một lời, vì tôi chưa một lần hỏi ý kiến họ. Tôi vẫn yên chí tôi là con trai trưởng của cha mẹ. Cũng có râu quai nón, cũng to xác và ăn to nói lớn như mấy anh em. Có khác gì đâu. Chỉ có khác là vì sao mẹ lại ghét tôi và cả vợ con tôi ra mặt, làm cái gì, nói chuyện gì cũng bị la mắng, mà tôi không biết…”.

- Vô lý hết sức! - một chú em thúc bá của Huy lên tiếng.

- Không vô lý đâu, chú! Chú có nhớ hồi mẹ nằm bệnh viện ba tháng vì xuất huyết dạ dày, phải mổ không? Hồi đó còn bao cấp, không có máu để mua, phải tìm người thân có cùng nhóm máu. Trong mấy anh em, chỉ có tôi và đứa em dâu có cùng nhóm máu với mẹ, nhưng cô em từng bị sốt rét hồi đi thanh niên xung phong, nên bác sĩ khuyên lấy máu tôi để truyền cho mẹ. Nhưng các anh em có biết không? Bà từ chối, vì bà ghét tôi. “Thà chết chớ tôi không nhận máu của nó! Tôi không muốn trong người tôi có một chút máu nào của nó!”, bà nói công khai với bác sĩ, trong lúc mấy anh em tôi ôm nhau khóc nức nở…

Sau một hồi sấm chớp, bầu trời lại sáng ra. Ánh trăng rằm tháng 5 thỉnh thoảng thoát ra khỏi những vạt mây mỏng, rọi xuống sân nhà thờ, không khí không còn oi nồng như lúc chạng vạng. Vậy mà câu chuyện của Huy khiến chúng tôi ai cũng thấy nóng trong người, bởi những chi tiết vô lý cứ mỗi lúc một xuất hiện theo lời kể từ chính miệng chú Huy.

“Mẹ tôi được cứu sống là nhờ máu của tôi sau đó. Nhưng bà vẫn yên tâm là máu của cô em dâu. Đó là kế của chú Bảy. Thấy không thuyết phục được người bệnh, chú Bảy đã ngầm thỏa thuận dùng máu của cô em dâu cho vừa ý bà, nếu có di chứng sốt rét cũng dễ chữa thôi. Vậy là bà đồng ý. Nhưng thực tế sau đó, chú đề nghị bác sĩ lấy máu tôi truyền cho mẹ…”.

Đến lúc đó, lần đầu tiên tôi thấy Huy - râu - quai - nón khóc. Những giọt nước mắt lăn trên má của một người đàn ông đã “ngũ thập tri thiên mệnh” dễ làm người ta mềm lòng… 

3. Đêm ấy, Huy và vài anh em nữa quyết định ngủ lại nhà thờ với tôi. Chúng tôi trải chiếu ra hàng hiên, vừa ngắm trăng, vừa nghe Huy kể chuyện…

- Anh với mấy chú cứ tin tôi đi. Trước nơi thờ tự ông bà, không ai có thể nói dối điều gì cả! Tôi cũng vậy.

- Chú kể hết đi, chúng tôi tin chú. Kể cho nhẹ người… - tôi khuyến khích.

Giọng Huy chùng xuống:

- Cách đây hơn 5 năm, toàn bộ sự thật về sự ghét bỏ của mẹ đối với tôi mới sáng tỏ. Vì là con trai trưởng, nên khi cha chết, tôi phải lo mọi thủ tục về hộ tịch. Tôi mở cái va li bằng thiếc đựng giấy tờ của ông ra và bất ngờ đọc được một tờ giấy có nhiều chữ ký của cha, mẹ lẫn mấy người làm chứng, là các cô chú, bác trong gia đình. Nội dung liên quan đến số phận của tôi…

Dưới ánh trăng, chúng tôi ngồi cả dậy nghe Huy kể tiếp câu chuyện, vì chính tờ giấy đó là nút mở của mọi sự nửa tin nửa ngờ vực từ chiều đến giờ…

Thì ra, chú Năm Lân của chúng tôi đã từng có vợ và sinh được đứa con trai đầu lòng. Khi tản cư ra thành phố để tránh bom đạn, người đàn bà một con kia đã bỏ theo trai và lấy đi tất cả tiền bạc của chồng dành dụm bấy lâu. Năm Lân ôm con, ngóng vợ đến cả năm trời vẫn không có một tin tức. Hằng ngày ông vẫn đạp xích lô để nuôi con và thầm trách người đàn bà bội bạc. Đến năm thứ hai, ông gặp thím Năm bây giờ. Người phụ nữ trẻ chịu làm vợ ông và đòi hỏi gia đình bên chồng phải ký giấy công nhận thằng bé trai hai tuổi là con chung của họ để tránh mọi sự rắc rối về sau. Hơn năm chục năm trôi qua, trong giấy tờ hộ tịch của Huy vẫn ghi tên cha mẹ đẻ là vợ chồng chú thím Năm Lân…

Tờ giấy đã úa màu trong chiếc va li thiếc mà Huy đọc được ngày chú Năm Lân qua đời đã nói hết sự thật đó.

- Vậy thì tại sao thím Năm cứ ghét anh Huy cho đến bây giờ? - một chú em hỏi.

- Tờ giấy chú tìm thấy đó bây giờ để đâu?

- Vậy thì mẹ đẻ của anh Huy bây giờ ra sao rồi?

- Anh có tìm ra bà con bên ngoại anh chưa?

Những câu hỏi dồn dập được đặt ra khi Huy kể vừa hết câu chuyện của mình. Nhưng Huy không trả lời ai cả. Chú ấy ngả lưng nặng nề xuống chiếu, kéo tấm chăn đắp và nói lớn: Thôi, tôi ngủ đây! Tiếp đó là những tiếng ngáy như máy cưa.

Hôm sau, chú Huy dậy sớm nhất để ra nghĩa trang coi ngó công trình. Trước khi đi, chú nói nhỏ với tôi: Bà Sáu Dưa, mẹ đẻ của em đã chết từ lâu. Còn tờ giấy đó, sau khi kiểm tra lại sự thật với mấy cô chú, em đã đốt nó đi rồi.

Nhìn Huy đi khuất khỏi ngõ, tôi chợt nghĩ đến thím Năm Lân và mang máng hiểu ra vì sao thím ấy không về nhân ngày trùng tu lại mộ chồng…

Tháng 5.2012

Trương Điện Thắng

>> Mảnh ghép cuối cùng - Truyện ngắn của Vũ Thị Hạnh
>> Tình phố núi" - Truyện ngắn của Bùi Thanh Minh
>> Ươn - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Giấc mơ bay - Truyện ngắn của Nguyên Hương
>> Đợi tàu ngược - Truyện ngắn của Ý Nhi
>> Người cũ - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.