“Cách đào tạo sân khấu của ta quá cũ”

09/09/2012 04:03 GMT+7

Vừa trở về từ Liên hoan các trường kịch nghệ và sân khấu khu vực châu Á -Thái Bình Dương (từ ngày 31.8 - 6.9) tại TP.Đài Bắc, Đài Loan, nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, Phó chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam đã chia sẻ với Thanh Niên những điều ông tâm đắc.

Thưa ông, so với các liên hoan sân khấu quốc tế, liên hoan này có gì khác biệt?

Lê Duy Hạnh
Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh - Ảnh: N.B

Khác nhiều chứ. Liên hoan này tập trung bàn bạc công tác đào tạo, giao lưu và hội nhập trong thế kỷ 21. Bên cạnh các vở diễn thì thú vị nhất là các hội thảo bởi đó là kết quả đào tạo của từng trường kịch nghệ ở các quốc gia. Tôi ấn tượng nhất hội thảo của trường ở Úc hướng dẫn đào tạo về tiếng nói sân khấu, hội thảo của trường ở Singapore hướng dẫn đào tạo về kịch bản…

Các chương trình biểu diễn minh chứng cho việc đào tạo, và để xác lập chương trình đào tạo của từng trường. Vì vậy ở liên hoan này không hề có rào cản về ngôn ngữ. Người ta khai thác những nguyên lý giúp cho các diễn viên, sinh viên của từng trường được trở về với bản thể của chính mình, giải phóng được cơ thể, các năng lượng được đưa về cái chung, để rồi từ đó họ đưa quan niệm và cách đào tạo vào.

Ông có so sánh gì về cách đào tạo ở Việt Nam với những gì ông thấy ở liên hoan?

Cách đào tạo sân khấu của Việt Nam đã quá cũ so với khu vực và phải thay đổi từ gốc. Ví dụ khi đào tạo về tiếng nói, ở nước ngoài họ không luyện thanh như cách làm truyền thống, mà họ giải quyết từ vấn đề sinh học là các cơ. Thư giãn thả lỏng toàn bộ cơ rồi tập luyện tập trung vào những cơ cần thiết cho thanh đới. Cơ nào không giúp ích cho thanh đới thì không cần tập trung lực vào đó…

Nghe nói Hội Sân khấu Việt Nam có ý định đăng cai tổ chức lần liên hoan tiếp theo ở nước ta? Điều này liệu có khả thi và sẽ cần chuẩn bị những gì?

Đúng vậy, vì chúng tôi nhận thấy liên hoan như vậy đóng góp rất nhiều về phương pháp đào tạo và mở ra một dạng liên hoan mới: không chỉ là các vở diễn và trao huy chương, mà đa dạng về nội dung, trao đổi được với nhau nhiều thứ như kinh nghiệm trong đào tạo, trong cách dựng vở diễn. Tới tham gia liên hoan như vậy không chỉ xem mà còn được thực hành luôn trong các hội thảo. Cách làm như vậy rất năng động, giải phóng được sức sáng tạo, khiến quan niệm của các liên hoan hội diễn phải thay đổi. Từ đó từng thành viên tham gia cũng thay đổi quan niệm của mình. Từng sinh viên, từng hội thảo sẽ tự thấy mình được cái gì và chưa được cái gì để tự hoàn thiện mình.

“Cách đào tạo sân khấu của ta quá cũ”
Vở diễn ''Lanka Sip Ho'' của Trường Sân khấu Thái Lan tại liên hoan - Ảnh: Công ty Lê Quý Dương cung cấp

Việt Nam cần chuẩn bị phương pháp tiếp cận mới để cách đào tạo của mình có tiếng nói chung với người ta, để các sinh viên có khả năng hội nhập được.

Chỉ có các trường đào tạo sân khấu của nhà nước hay cả các sân khấu tư nhân có hoạt động giảng dạy đào tạo được mời tham gia?

Không cứ nhà nước hay tư nhân. Cứ trường đào tạo sân khấu nào có quá trình hoạt động hiệu quả, có khả năng hội nhập thì mời tham gia liên hoan quốc tế thôi. Tuy nhiên tôi cũng phải nhấn mạnh rằng đào tạo sân khấu ở nước ta trong thời gian qua có nhược điểm là: ở các trường nhà nước thì cách đào tạo quá cũ kỹ, truyền thống; ở các sân khấu tư nhân thì cách đào tạo quá tắt, chỉ nhằm để biểu diễn được ngay nhưng không có nền tảng gốc.

Liên hoan các trường kịch nghệ châu Á - Thái Bình Dương năm nay có sự tham gia của 11 nước trong khu vực.

Đây là hoạt động thường niên do Ủy ban Các trung tâm đào tạo sân khấu châu Á - Thái Bình Dương (trực thuộc Viện Sân khấu quốc tế của UNESCO) tổ chức. Phó chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam Lê Duy Hạnh và đạo diễn Lê Quý Dương đã tham dự festival.

Ngọc Bi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.