Song hành cùng Ấn Độ Dương

09/09/2012 09:56 GMT+7

Nếu nước Mỹ có tuyến đường 66 thì ở Úc có quốc lộ 100 nổi tiếng thế giới với hàng loạt bãi biển đẹp và cảnh tượng huy hoàng của các núi đá sa thạch tên gọi Great Ocean Road chạy ven Ấn Độ Dương. Du khách nào cũng muốn được chạy xe trên đó một lần trong đời.

Khoảng cách gần 400km từ Melbourne - thủ phủ bang Victoria - đến Warrnambool có thể đi về trong ngày. Không muốn tự lái xe nên chúng tôi mua tour đi xe buýt chung với một nhóm khách. Giá tour khá thống nhất, 130 AUD (khoảng 3 triệu đồng)/người/ngày.


Một phần của rặng núi đá “12 vị tông đồ” - Ảnh: Nam Vinh 

Cung đường trong mơ

Mọi người đến chỗ hẹn đón tour tại một khách sạn ở trung tâm Melbourne từ sớm. Chờ một chút thì chị hướng dẫn nhanh nhẹn, sôi nổi kiêm luôn lái xe và cả phục vụ đồ ăn nhẹ cho khách tới. Rời khỏi Melbourne chừng 60km thì đến Torquay ở Geelong, cánh cổng mở ra quốc lộ 100 và chuyến du ngoạn trên một trong những tuyến đường ven biển đẹp nhất thế giới bắt đầu.

 

- Vietnam Airlines có nhiều chuyến bay thẳng Melbourne từ TP.HCM trong tuần, giá luôn rất cạnh tranh.

- Mua tour một ngày hoặc hai ngày đi Great Ocean Road từ Melbourne rất đơn giản, chọn hãng phù hợp trên Internet với từ khóa “great ocean road”.

- Có thể ngắm cảnh “12 vị tông đồ” bằng trực thăng giá khoảng 1,8 triệu đồng (75 AUD)/10 phút/người.

Con đường không rộng lắm, chỉ hai làn xe, uốn lượn vòng vèo nhiều đèo dốc, đi qua những bãi biển đẹp như tranh, thiên đường cho giới mê lướt ván, vách đá dựng đứng, rừng bạch đàn lao xao lá, các khu bảo tồn quốc gia, những điểm dừng chân nhìn toàn cảnh vịnh và các thị trấn nhỏ xinh. Trên đường đi, liên tục là các biển báo “Tại Úc lái xe bên trái”. Mật độ biển báo rất dày, khoảng vài trăm mét lại có một cái nhưng có lẽ không thừa vì mỗi ngày có hàng nghìn lượt người nước ngoài chạy xe trên tuyến đường này để ngắm cảnh.

Với nhiều người Úc, tuyến đường tuyệt đẹp từ Torquay đến Warrnambool dài 320km này luôn là biểu tượng của sự đấu tranh sinh tồn chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Do chuyển động của lục địa tạo ra độ dốc cao vùng bờ biển khiến sóng và thủy triều “nuốt” không ít đất đai, gây tổn thất cho hệ sinh thái động thực vật hoang dã, nguy hiểm với con người. Trong suốt thời gian từ 1919-1932 những người lính sau khi tham gia Thế chiến I đã cần cù phá núi, phạt đá chỉ bằng xẻng và cuốc chim tạo ra con đường nổi tiếng ngày nay. Còn trước đó chỉ có thể đến vùng này bằng tàu thủy.

Hòa cùng thiên nhiên

Đang đi tour trên xe buýt nhưng mọi người vẫn không bỏ qua “nghi lễ” uống trà, cà phê buổi sáng (xuất phát từ tục lệ “morning tea” của người Anh). Dừng xe ở trạm nghỉ ngay cạnh bãi lướt sóng đẹp tuyệt, vừa nhấm nháp trà nóng vừa ăn bánh quy và thỏa mắt nhìn cảnh những con người bé xíu đang đùa giỡn với đại dương.

 
Cổng chào bắt đầu tuyến đường nổi tiếng Great Ocean Road - Ảnh: N.V.

Quãng gần trưa, xe rẽ vào một khu bảo tồn quốc gia. Rừng bạch đàn thơm nồng nàn, tiếng chim véo von, đám vẹt sặc sỡ dạn người sà xuống đòi ăn. Hạt mạch được phát không cho khách thăm để rắc cho chim. Lũ chim ùa đến mổ tới tấp và đậu cả trên tay người thản nhiên chén. Bỗng có tiếng ồ lên phấn khích vì nhìn thấy mấy con koala đang ôm cành bạch đàn ngủ say bí tỉ khiến cả nhóm tụm lại say sưa ngắm nhìn.

Sau bữa trưa, mọi người rủ nhau đi dạo ở vịnh Apollo - một vịnh đẹp có tiếng trên cung đường. Sau đó chạy xe vào sâu trong một cánh rừng mưa đặc trưng của Úc thuộc công viên quốc gia Otway. Khu rừng ẩm ướt là môi trường thuận lợi cho loài dương xỉ khổng lồ, tán cây rộng như cọ, đến cả cành non mới vừa nhú cũng dài bằng cả cánh tay người.

Với những người thích đi trekking trên đường mòn thì có thể ngủ đêm ở vịnh Apollo và tản bộ theo tuyến Great Ocean Walk (dài 92km) đến tận điểm hấp dẫn nhất có tên gọi “12 vị tông đồ”.

Hoàng hôn ở “12 vị tông đồ”

Công viên quốc gia Port Campbell với cả dãy núi đá sa thạch sừng sững trên biển là điểm đến thu hút đông khách thăm nhiều thứ hai ở Úc (chỉ sau núi đá thiêng Ayers Rock biểu tượng quốc gia). Những cột núi cao đến 45m, vốn có 12 cột nên có tên “12 vị tông đồ” được sóng gió hàng triệu năm bào mòn, tạo hình thù độc đáo, nay thực tế chỉ còn lại tám.

Sa thạch không phải là loại đá cứng và kết cấu chắc nên không chịu nổi sức mạnh bền bỉ của thời gian. Năm 1990, phần nối vào đất liền của “cây cầu London” - hòn núi đá gần đó - cũng bất ngờ đổ sụp xuống biển. May mắn chỉ có hai du khách đang đứng ở ngoài mé biển và họ được đưa vào bờ bằng trực thăng.

Trời chiều phủ ánh dương đỏ rực xuống dãy núi đá vốn màu cam pha hồng càng lên sắc. Tựa người ở lan can cũng được nhuộm bởi ráng chiều và đón gió đại dương thổi bồng mái tóc - niềm xúc cảm của kẻ lữ khách dạt dào hơn bao giờ hết.

Theo Nam Vinh - Vi Bằng / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.