|
Đoạn chất vấn trên gây lo lắng trong dư luận bởi nếu đơn vị quản lý ngành NH mà không rõ đường đi nước bước dòng tiền ra - vào trong các NH thì làm sao kiểm soát được sự thâu tóm, lũng đoạn của các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm và thiết yếu của nền kinh tế? Đây là lỗ hổng của cơ chế, chính sách hay sự yếu kém, buông lỏng của cơ quan quản lý là vấn đề cần được làm rõ.
Vốn chảy qua "khe" luật
Theo quy định của NHNN, vốn điều lệ của các NH thương mại phải từ 3.000 tỉ đồng trở lên. Ở thời điểm bị thâu tóm, vốn điều lệ của NH Sacombank khoảng trên 10.000 tỉ đồng. Với các con số trên, câu hỏi "tiền ở đâu để đi thâu tóm NH" đã có thể "khoanh vùng" một cách chắc chắn, chỉ có thể là từ các NH. Bởi trong bối cảnh hiện nay, rất khó ai có đủ một lượng tiền mặt lớn đến như vậy để thực hiện việc thâu tóm NH. Các cá nhân, tổ chức thâu tóm cũng đều có liên quan và đang hoạt động trong ngành NH. Vấn đề là tiền từ các NH đi ra như thế và liệu NHNN có kiểm soát được không ? Câu trả lời là, chúng ta có thể nắm rõ việc "ra - vào" của dòng tiền trong hệ thống NH nếu quản lý và giám sát chặt chẽ theo đúng luật.
Cụ thể, luật Doanh nghiệp (DN) năm 2005 quy định rất rõ ràng và chi tiết về công khai lợi ích liên quan của các cá nhân. Theo đó, thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, giám đốc hoặc tổng giám đốc, người quản lý khác và những người có liên quan (anh chị em, con nuôi, con ruột...) phải kê khai các lợi ích liên quan của họ với công ty. Họ phải kê khai cổ phần sở hữu, phần vốn góp, tỷ lệ, thời điểm góp vốn hoặc cổ phần ở các DN mà họ có lợi ích. Điều này với ngành NH lại càng quan trọng vì chúng ta đều biết, tiền trong hệ thống là tiền huy động từ người dân rồi cho vay ra nền kinh tế. Nên tiền đi đâu, về đâu phải rõ ràng, minh bạch để bảo đảm sự an toàn cho hệ thống cũng như quyền lợi của người dân.
Vụ thâu tóm NH Sacombank qua trả lời của Thống đốc cho thấy quy định này đã chưa được thực hiện. Đây cũng chính là điều kiện để sở hữu chéo chằng chịt, vốn ảo và tỷ lệ nợ xấu cao trong ngành NH của ta. Cũng là điều kiện để một số người lách luật "tuồn" vốn NH ra ngoài. Luật các Tổ chức tín dụng quy định, NH không được cấp tín dụng cho những thành viên HĐQT, ban tổng giám đốc... nhưng luật không cấm cấp tín dụng cho những công ty mà các thành viên HĐQT là cổ đông lớn. Nên NH cứ cho các công ty của họ vay mà không hề vi phạm. Đó chính là đường đi ra "sân sau" của dòng vốn NH. Nó giúp các cá nhân có đủ lượng tiền mặt khổng lồ để thực hiện thâu tóm NH hay thực hiện các thương vụ với số vốn lớn.
Như vậy, vốn từ NH đã "thoát" ra ngoài qua khe hở giữa 2 luật nói trên.
Khó kiểm soát thao túng
|
Được ví như "mạch máu" của nền kinh tế nên việc kiểm soát nguồn gốc cũng như việc lưu thông nội - ngoại của dòng tiền trong hệ thống NH là vấn đề cực kỳ quan trọng. Đó là lý do, ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, việc này được thực hiện cực kỳ chặt chẽ và nghiêm nhặt. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, người thành lập NH Việt đầu tiên tại Mỹ, cho biết ở Mỹ - một cá nhân có thể sở hữu 10% và DN là 5% cổ phần của một NH. Tỉ lệ sở hữu của cá nhân cao gấp đôi so với tổ chức vì theo quan điểm của nước này, khả năng lũng đoạn NH của cá nhân là khó hơn so với DN.
Với quy định như vậy, bất cứ cá nhân hay DN nào muốn sở hữu tỷ lệ vượt quy định phải xin phép và NH mà họ muốn tăng thêm tỷ lệ sở hữu chính là đầu mối thực hiện việc xin phép này với NH trung ương. Khi nhận được yêu cầu, NH trung ương sẽ điều tra nguồn gốc dòng tiền được sử dụng để mua cổ phần NH từ đâu ra. Nếu là tiền đi vay thì yêu cầu bị bác bỏ vì vay thì phải trả trong khi đầu tư vào NH thì không lấy lại ngay được nên rủi ro rất cao. NH trung ương cũng sẽ điều tra rất kỹ mục đích đầu tư để hạn chế tối đa lợi ích cá nhân và lợi ích của nhóm có thể thao túng NH. "Họ chặn ngay từ ý đồ bởi sự an toàn và ổn định của NH là vấn đề cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế" - ông Hiếu nói.
Ông Lê Trọng Nhi, chuyên gia về NH bổ sung, ngoài những lý do trên, việc kiểm soát chặt chẽ dòng tiền ra - vào NH ở Mỹ còn để tránh rửa tiền. Nên nguồn gốc dòng tiền đi vào NH bị kiểm soát hết sức chặt chẽ.
Ở VN, việc kiểm duyệt nguồn tiền bị thả lỏng nên mới có chuyện một trong những NH lớn nhất Việt Nam như Sacombank bị thâu tóm mà cơ quan quản lý không hề hay biết.
Từ những dẫn giải trên cho thấy việc buông lỏng dòng tiền tại các NH sẽ làm nảy sinh rất nhiều hệ lụy tiêu cực. Tại sao một quy định quan trọng như thế này lại không được thực hiện trong nhiều năm? Trách nhiệm của cơ quan quản lý thế nào trong việc này? Dư luận đang quan tâm chờ câu trả lời cụ thể hơn nữa...
Nguyên Hằng
>> Vòi bạch tuộc" lũng đoạn thị trường
>> Vòi bạch tuộc" lũng đoạn thị trường - Kỳ 2: Những “chiêu thức” mập mờ
Bình luận (0)