|
Hiện trường nơi con tàu cổ bị đắm chỉ cách bờ biển thôn Châu Thuận Biển chừng 40-50 m. Thợ lặn Nguyễn Văn Hồng (ở xã Bình Châu) cho hay, vùng biển khu vực này chỉ có độ sâu chừng 1,5 m, song con tàu cổ và toàn bộ cổ vật như tô, đĩa, bình… nằm sâu dưới lớp cát khoảng 3 m. Chính vì thế, trước khi lặn tìm cổ vật, hàng chục tàu cá lớn, nhỏ chen chúc thi nhau hút cát trên diện tích mặt nước biển chỉ chừng vài chục mét vuông. Tiếng máy hút cát, tiếng la hét của hàng trăm ngư dân biến vùng biển vốn yên bình trở thành một “công trường” vô cùng hỗn độn. “Mạnh ai nấy làm, mạnh ai nấy lặn, chẳng ai chịu thua ai tranh giành nhau dưới đáy biển nên các cổ vật hầu hết đều bị bể. Cứ 10 cái mới được 1-2 cái còn nguyên”, ngư dân Phạm Đình Ngọc tiếc rẻ.
Sáng 9.9, suốt nhiều giờ quan sát tại hiện trường, PV Thanh Niên nhận thấy, mỗi khi các thợ lặn ngoi lên khỏi mặt nước biển đều giấu các cổ vật còn nguyên vẹn trong người. Ngay lập tức, chuyển cho người thân đang chờ sẵn rồi dùng thuyền thúng đưa vào bờ tẩu tán, còn những cổ vật bị bể thì để lại trên tàu. Vì thế khi hỏi có tìm được nhiều cổ vật không, các ngư dân đều lắc đầu: “Toàn bị bể hết thôi” (!?).
Trước tình trạng này, chiều 8.9, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi và Công an Quảng Ngãi đã trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo lực lượng chức năng khoanh vùng, bảo vệ nơi con tàu cổ chìm. Tuy nhiên, hàng trăm ngư dân vẫn phớt lờ lệnh nghiêm cấm khai thác trái phép, “bám trụ” ăn ở ngay trên tàu và lặn tìm suốt cả ngày lẫn đêm.
Ngay trong sáng 9.9, hàng loạt ngư dân xã Bình Châu đã bỏ đi biển đánh bắt hải sản mà chuyển sang… lặn tìm cổ vật. Ngư dân Trần Văn Vững tiết lộ: “Hai chú cháu tui lặn tìm cổ vật trong một ngày cũng kiếm được 20 triệu đồng”. Trong khi đó, một ngư dân ở xã Bình Châu (xin được giấu tên) quả quyết rằng, cách đây mấy hôm, một nhóm ngư dân ở thôn Gành Cả, xã Bình Châu tình cờ phát hiện địa điểm con tàu cổ bị đắm. Sau đó, họ âm thầm ra biển lặn tìm suốt 2 đêm liền, lấy được gần 200 tô, đĩa, bình cổ... Đến ngày 8.9, thông tin bị “rò rỉ” nên ngư dân Bình Châu bắt đầu túa ra biển.
Cũng theo ngư dân này, ngay sau khi biết tin ngư dân Bình Châu vớt được nhiều cổ vật gốm sứ mà cơ quan chức năng đã xác định có niên đại từ thời Minh (Trung Quốc) vào thế kỷ 15, nhiều thương lái buôn bán đồ cổ từ khắp nơi lập tức có mặt tại địa phương để săn lùng mua. Một chiếc đĩa gốm men ngọc có hoa văn động vật như rồng, hạc... đường kính từ 35-40 cm được ngã giá từ 40-50 triệu đồng. Riêng cổ vật bị bể thì có giá vài trăm ngàn đồng/kg.
|
Hiển Cừ
>> Hàng trăm ngư dân đổ xô ra biển tìm cổ vật
Bình luận (0)