Công khai bảo kê trên đường phố - Kỳ 2: Khởi tố, bắt tạm giam kẻ thu tiền

11/09/2012 03:10 GMT+7

Hôm qua 10.9, Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Lê Khắc Công (tên gọi khác là Khoa, 28 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú hẻm 369 Lý Thái Tổ, P.9, Q.10) để điều tra làm rõ hành vi cưỡng đoạt tài sản.

>> Công khai bảo kê trên đường phố

Công là người trực tiếp thu tiền bảo kê mà PV Thanh Niên ghi hình phản ánh trong bài báo số ra hôm qua.

Phối hợp triệt phá

Sau gần 1 tháng bí mật điều tra, ngày 7.9, PV Báo Thanh Niên đã liên lạc với thượng tá Lê Hoàng Châu, Phó công an Q.Tân Bình, cung cấp đầy đủ chứng cứ (hình ảnh, clip, thông tin tài liệu...) về quy trình hoạt động của băng nhóm bảo kê này (xem Thanh Niên ngày 10.9).

Nhận định đây là băng nhóm tội phạm nguy hiểm, thượng tá Châu báo cáo đại tá Lê Văn Thúc, Trưởng công an Q.Tân Bình và lãnh đạo công an quận chỉ đạo Đội CSĐT tội phạm về TTXH quận lên kế hoạch triệt phá. Chiều cùng ngày, một tổ trinh sát đã tổ chức ghi nhận lời khai nạn nhân của băng nhóm bảo kê mà PV đưa đến; một tổ khác bí mật theo dõi hành tung của Công và tiến hành xác minh danh tánh của người đàn ông tên H. là Đỗ Mạnh Hóa (50 tuổi, quê Hải Phòng, tạm trú 1/10 Đồ Sơn, P.4, Q.Tân Bình).

Đến khoảng 16 giờ ngày 8.9, trong vai khách đến uống nước trên đường Phan Thúc Duyện, trinh sát phát hiện Công đi trên xe Wave mang biển số 36L9-7711 xuất hiện ở trục đường này để thu tiền như thường lệ. Khi Công đến thu tiền của bà L. (bán chè) thì bị trinh sát ập đến bắt quả tang đưa về trụ sở công an quận làm việc. Qua đấu tranh, Công thừa nhận hành vi phạm tội và khai: Khoảng năm 2011, Công từ Thanh Hóa vào TP.HCM, chạy xe ôm tại trạm xe buýt trên đường Phan Thúc Duyện thì quen với Hóa và được Hóa giao nhiệm vụ đi canh công an, rồi về thu 10.000 đồng/người/ngày của những người mua bán hàng rong trên tuyến đường này. Nếu người nào không đưa tiền thì chửi bới, đe dọa, đánh đập...

Ngày 9.9, trinh sát mời Hóa lên làm việc vì có một số nạn nhân tố giác Hóa đứng ra tổ chức thu tiền bảo kê 300.000 đồng/tháng và đánh đập họ nếu không cống nạp. Tại đây, Hóa cũng thừa nhận có thu số tiền trên và đe dọa, đánh đập nếu ai không chịu nộp tiền. Sau đó, Hóa được cho ra về.

Công khai bảo kê trên đường phố
Cơ quan công an bắt Công đưa vào trại tạm giam - Ảnh: Đàm Huy

Cần lật lại hồ sơ một số vụ

Sau khi Thanh Niên đăng bài Công khai thu tiền bảo kê trên đường phố, nhiều bạn đọc đã gọi điện thoại đến tòa soạn hoan nghênh, ủng hộ, cảm ơn báo đã mạnh dạn lên tiếng; đồng thời tỏ thái độ phẫn nộ về hành vi côn đồ coi thường pháp luật của băng nhóm bảo kê này. Một bạn đọc (ngụ Q.Tân Bình, xin được giấu tên) bức xúc: “Tôi là người thường hay đi qua tuyến đường này. Tôi đã từng chứng kiến cảnh băng nhóm này đánh đập một ông già đáng tuổi cha chú mình một cách dã man. Hôm đó, trời mưa, ông già bán bánh tạt vào nghỉ thì bị chúng đuổi đi. Ông già chưa kịp đi đã bị chúng xông vào đạp ngã xe, bể tủ bánh, rồi đánh đập... Để tự vệ, ông già chụp được một con dao đâm trúng đàn em của Hóa chảy máu, rồi trốn thoát bỏ lại chiếc xe bán bánh. Sau đó công an có đến thu giữ chiếc xe này. Vụ này chưa được công an điều tra làm rõ”.

Anh Phạm Xuân Nghĩa (34 tuổi, tạm trú Q.8) đã đến tòa soạn báo, nói sẵn sàng đứng ra làm chứng về việc "chứng kiến cảnh Hóa bóp cổ, đòi đánh bà N.T.Tr (50 tuổi, tạm trú Q.Tân Bình, bán nước sâm tại đây) vì không chịu nộp tiền". Thấy anh Nghĩa lên tiếng can ngăn, Hóa điều Công đi theo anh Nghĩa, ném mấy bịch màu trắng vào người và đe dọa nếu nhúng vào chuyện “làm ăn” của chúng sẽ bị chém chết.

Theo đơn kêu cứu của bà Tr., mấy năm nay, bà đã bị Hóa cùng đàn em đánh đập nhiều lần chỉ vì không chịu nộp tiền bảo kê. Tháng 10.2011, nghe bà Tr. kể chuyện, con trai ruột và con rể của bà đã ra chỗ bán với ý định gặp Hóa nói chuyện phải quấy. Hóa tỏ ra lịch sự mời về nhà nói chuyện nhưng thực chất đã bố trí 5 - 6 đàn em thủ sẵn dao, gậy gộc. Khi 2 người con của bà Tr. vừa đến nhà thì bị đàn em của Hóa mai phục sẵn rượt đánh. Nhận được tin, Cảnh sát 113 có xuống hiện trường can thiệp kịp thời, nếu không thì hậu quả khó lường...

Nghiêm trọng hơn là vụ Hóa cùng đàn em đánh bà Lan (bán bánh mì) gãy mấy xương sườn...

Đang củng cố hồ sơ

Tác oai tác quái như trên, nhưng nhóm của Hóa vẫn ngoài vòng pháp luật khiến người dân khiếp sợ chúng. “Đến nay, Hóa vẫn chưa bị bắt khiến tôi và gia đình rất lo lắng vì sợ Hóa sẽ trả thù như trước đó”, bà Tr. lo lắng. Một bạn đọc cũng đã gọi điện thoại đến tòa soạn tỏ ra “hoài nghi” về việc công an thả Hóa ra, trong khi đó Hóa cùng đàn em đã gây ra quá nhiều vụ tày trời...

Về những bức xúc này, một lãnh đạo của Công an Q.Tân Bình cho biết: “Trước hết, công an quận xin cảm ơn Báo Thanh Niên đã phản ánh kịp thời và phối hợp chặt chẽ với quận triệt phá băng nhóm trên. Công an quận đang củng cố thêm hồ sơ để bắt Hóa. Việc cho Hóa được bảo lãnh về, không có nghĩa là không bắt Hóa lại mà có thể bắt bất cứ lúc nào khi chứng cứ đã đầy đủ. Thông qua Báo Thanh Niên, công an quận kêu gọi ai là nạn nhân của băng nhóm Hóa, đến trụ sở công an quận trình báo để phục vụ công tác điều tra”.

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.