“Sướng như vua”
Đón 1 cuốc xe “vua” từ chân núi Sam đến chợ Châu Đốc, đoạn đường dài 6 km mà chúng tôi chỉ phải trả 6.000 đ/người. “Tài xế” của chúng tôi, bác Thành, năm nay 52 tuổi và đã có thâm niên 30 năm chạy xe lôi đạp trên phố núi. Vừa chạy xe bác vừa vui vẻ kể chuyện nghề, từ hồi thùng xe còn là loại cá he (đóng bằng khúc gỗ liền) cho tới loại thùng đóng rời, ốp thiếc hay inox như bây giờ.
|
Đi được một quãng, chúng tôi được bác tài cho hay mình đang đi xe “lụi”, tức xe không biển số và không được đậu trong bến. Châu Đốc có xe bến và xe “lụi”. Xe bến phải đợi tài (chờ tới lượt) và mỗi ngày đóng 1.000 đồng. Xe “lụi” chạy tự do, chỉ cần không lấn chỗ và tranh khách với xe bến.
Đoạn đường không xa nhưng chạy xe chở 4 người, qua 2 cái dốc kèm theo gió ngược nên bác tài phải gồng mình lên, đạp những vòng quay nặng nề, lưng áo ướt đẫm mồ hôi. Nghe chúng tôi thắc mắc về cái tên xe “vua”, bác trả lời hóm hỉnh: “Vì người ngồi đằng sau sướng như vua”.
Đạp xe chở… 500 kí
Xe lôi đạp ở Châu Đốc đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ với các loại phương tiện khác. Cùng quãng đường như trên, honda đầu (honda ôm) và honda thùng (xe lôi máy) có giá từ 5.000 – 7.000 đ/người, xe buýt còn rẻ hơn, chỉ 3.000 đ/lượt.
Những người chạy xe lôi đạp chủ yếu là dân từ Cái Dầu, Tân Châu, Tịnh Biên… đổ về đây. Mùa vía bà vào tháng 4 âm lịch là dịp đông khách nhất. Tài nào khỏe, siêng năng mỗi ngày đưa khách đi lòng vòng núi Sam, chợ, tượng đài cá Basa cũng kiếm được vài trăm ngàn. Những thời điểm khác trong năm ế khách, các bác tài chạy quanh khu chợ, ai kêu gì chở nấy. Ngồi ở góc đường Nguyễn Văn Thoại, chúng tôi quan sát thấy hàng chục lượt xe lôi đạp chở lỉnh kỉnh tủ, bàn ghế, xi măng, nồi xoong… Thấy chúng tôi e ngại về sức chịu nặng của xe, một bác tài cười khà: “Lo gì! Xe lôi đạp có thể chở tới… 500 kí lận, ăn thua là do nhíp xe thôi!”. Như để minh họa cho lời bác, vừa có một chiếc xe lôi đạp chở gạo chạy qua, chúng tôi đếm sơ sơ cũng không dưới chục bao gạo 50 kí.
Nói về nghề của mình, anh Lành ngụ thị trấn Cái Dầu (H.Châu Phú) cho biết: “Nghề này lấy công làm lời. Tụi tui sống cực khổ, không nghề nghiệp mới phải đeo theo”. Các bác tài ở xa nhiều người không mướn nhà, quanh năm ở luôn trên xe. Trời trưa Châu Đốc nắng chang chang nhưng không khó bắt gặp nhiều bác tài nằm tạm trên thùng xe, dưới bóng cây, che hờ cái nón lên mặt đánh một giấc ngon lành. Buổi tối thì kiếm nhà nào có mái hiên tá túc qua đêm. “Nhiều khi ngủ mà không yên, chỉ chờ có chủ kêu chở hàng là dậy liền, 2-3 giờ sáng cũng đi”, anh Lành tâm sự.
Cho chúng tôi xem 2 bàn chân sưng to, đang phải bó thuốc vì đạp xe nhiều, anh Bình, một bác tài ngụ ở H.Tịnh Biên chia sẻ: “Cực mấy, bệnh mấy cũng không dám bỏ nghề, nghĩ tới mấy đứa nhỏ đang chờ ở nhà nên phải ráng chạy thôi!”.
Bách Hợp
>> Xe đạp kỳ quái
>> Tặng xe đạp cho học sinh
>> Xe đạp trở thành thời trang ở Paris
>> Chàng trai sửa xe đạp đỗ thủ khoa đại học
>> Xe đạp bay
>> Xe đạp điện đại náo thành Nam
>> Tự chế xe đạp bằng chảo cũ để lập kỉ lục
>> Tặng xe đạp và nón bảo hiểm
>> Sống trên xe đạp
Bình luận (0)