Chuyện cổ tích Vũ Minh Vương

15/09/2012 09:34 GMT+7

Mối tình nghèo giữa nghệ sĩ Vũ Minh Vương với cô gái Ngọc Oanh, từng là khán giả ái mộ anh, đẹp như một câu chuyện cổ tích

Căn nhà nghệ sĩ Vũ Minh Vương ở thuê nằm trong con hẻm sâu trên đường Lê Hồng Phong, phường 12, quận 10 - TPHCM, nơi anh đang dưỡng thương sau một tháng điều trị trong bệnh viện vì tai nạn giao thông. Gọi là nhà chứ thực ra chỉ là căn phòng nhỏ tối tăm, đủ để kê một cái giường. Của cải quý nhất trong phòng là cái tivi cũ.

Ai đến thăm anh cũng phải chui qua mấy lớp dây phơi áo quần giăng kín trước khoảng sân chung chật hẹp. Nơi đây, 9 năm rồi, người chủ nhà tốt bụng thương tình hoàn cảnh ốm đau bệnh tật của anh đã cho anh thuê với giá rẻ. “Có nhiều tháng không đi hát vì bệnh tật, treo nợ tiền nhà nên tôi không dám xài điện, tiết kiệm đến cả ca nước để “không phải làm phiền chủ nhà” – anh nói như muốn khóc.

Cuộc đời chìm nổi

Từ cậu bé làm công việc hậu đài cho Đoàn Cải lương Hoàng Ngọc Ẩn (Đồng Tháp), Vũ Minh Vương được nghệ sĩ Bạch Long, kép chánh của Đoàn Hoa Anh Đào (bầu Kim Giác) nhận làm đệ tử chỉ để lo tủ đồ hát  hóa trang mỗi khi kép hát làm tuồng, tối vãn hát thì giăng mùng, giặt đồ, ủi trang phục…

Không ai ngờ rằng cậu bé sáng dạ Nguyễn Văn Hoàng hay lén lút sau cánh gà học lóm tuồng, học cách diễn của các đào kép đã trở thành nghệ sĩ tên tuổi của làng cải lương sau này. Nguyễn Văn Hoàng chính thức mang nghệ danh Vũ Minh Vương khi được ông Chín Trầm, Trưởng Đoàn Kiên Giang, vẽ tên trên tấm băng rôn quảng cáo vì anh có chất giọng cao vút không kém nghệ sĩ Minh Vương.

Thời hoàng kim của nghệ sĩ Vũ Minh Vương là những năm 1980 và đầu thập niên 1990. Anh đã từng được mời về hát ở các đoàn danh tiếng như: Khánh Hồng (An Giang), Sông Bé 1, 2, 3, Sông Bé Mới. Có thời gian anh về Đoàn Sống Chung hát chính với NSND Lệ Thủy, về Đoàn Trúc Giang hát cặp với NSƯT Mỹ Châu. Đỉnh cao nghề nghiệp của Vũ Minh Vương là giai đoạn anh tham gia biểu diễn trên sân khấu các đoàn: Văn Công TPHCM, Hương Mùa Thu, Thanh Nga…

Tích lũy được một ít vốn liếng kha khá, anh đứng ra làm bầu sô suốt thời gian 5 năm. Ban đầu anh lập gánh hát, sau đó làm bầu các chương trình đại nhạc hội, mỗi suất lãi vài chục triệu đồng là chuyện bình thường.  Có ai hiểu được những khúc quanh trong cuộc đời người nghệ sĩ. Nghiệp hát bắt đầu tuột dốc, hạnh phúc gia đình đổ vỡ, nợ nần chồng chất khiến anh lâm vào hoàn cảnh vô cùng bi đát.

Chưa chịu bó tay, anh lại vay vốn với lãi suất cao, mở quán bia vọng cổ. Nhưng rồi đêm nào cũng phải đãi khách, vốn liếng tiêu tan, anh bán cả chiếc xe máy, phương tiện đi lại hằng ngày của mình.  Chính trong hoàn cảnh này, anh đã gặp cô gái tên Ngọc Oanh.

Duyên nợ

Ái mộ nghệ sĩ Vũ Minh Vương từ thời còn là cô thiếu nữ ở Bến Tre, khi lên TPHCM học nghề uốn tóc, một lần được chủ tiệm giao việc nhuộm tóc cho một nghệ sĩ, Ngọc Oanh đâu ngờ đó là thần tượng của mình. Gặp được người trong mộng, Ngọc Oanh trao gửi trọn trái tim yêu của mình. Cũng từ đó, chị bắt đầu học ca vọng cổ, rồi theo anh vào nghề diễn.

Khi 2 người gặp nhau, sự nghiệp của nghệ sĩ Vũ Minh Vương đã xuống dốc, nhà cửa không còn vì phải bán trả nợ. Sân khấu cải lương gặp cơn khủng hoảng, 2 người đứng ra mở quán ca cổ hát với nhau, rồi quán nghệ sĩ. Sau nhiều lần mở quán, do kinh doanh thua lỗ, họ rơi vào cảnh trắng tay, đi ở nhà thuê, sống chật vật từ đó đến nay.

Năm 49 tuổi (2005), Vũ Minh Vương suy sụp tinh thần và căn bệnh tiểu đường dẫn đến biến chứng nặng làm phát sinh nhiều thứ bệnh khác suýt cướp đi tính mạng của anh. Lúc tôi đến thăm, anh nằm liệt giường, mắt không nhìn rõ mặt khách. Mọi sinh hoạt của anh đều nhờ bàn tay nâng đỡ của “bà xã” Ngọc Oanh. Anh cho biết gọi Ngọc Oanh là “bà xã” chứ có được cưới hỏi hay đăng ký kết hôn gì đâu. Vì yêu Vũ Minh Vương mà Ngọc Oanh đến với anh chung sống như vợ chồng. “Tôi mang ơn cô ấy. Cũng may là chúng tôi không có con với nhau, chứ hoàn cảnh như vậy thì làm sao nuôi nổi” - anh tâm sự.

Tối Ngọc Oanh đi hát vọng cổ ở một vài quán ăn, kiếm được bao nhiêu tiền lại lo thuốc thang cho anh và trang trải chi phí tiền nhà, sinh hoạt phí. Nhờ bàn tay mát lành và tình yêu nồng ấm của chị, nghệ sĩ Vũ Minh Vương vượt qua được giai đoạn hiểm nghèo nhất.

 Cách đây 4 tháng, trong một đêm đi diễn bằng xe máy về, vì tránh một người tàn tật điều khiển xe ngược chiều, Vũ Minh Vương bị tai nạn dẫn đến dập bán cầu trái, tích tụ máu bầm trong não, rơi vào trạng thái hôn mê phải nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện 115. Một lần nữa, Ngọc Oanh lại gánh lấy gánh nặng này. Chị hy sinh tất cả mọi thứ để dồn sức lực lo lắng, chăm sóc cho anh. Nhờ tình yêu của chị mà anh một lần nữa đã thoát cơn nguy kịch. Chị xúc động nói: “Tai nạn lần này tưởng ảnh đã xa tôi vĩnh viễn. Tôi cứ cầu trời, khấn tổ nghiệp linh thiêng giúp anh ấy vượt qua cơn hoạn nạn này”.

Theo bệnh án của bác sĩ chuyên khoa, đến hết tháng này, anh phải vào bệnh viện để chụp ảnh và tái khám, hiện trạng bán cầu não bên trái của anh đã ổn định nhưng máu bầm vẫn chưa tan. Tai nạn này thêm một lần nữa rút hết sức lực của Vũ Minh Vương, buộc anh phải rời sân khấu thêm một thời gian dài. Nói trong hơi thở mệt nhọc, nghệ sĩ Vũ Minh Vương thì thào: “Tôi mong mấy tháng nữa sẽ đi hát lại được. Nếu không đi hát thì lấy đâu tiền để chữa bệnh, trả tiền nhà?”.

Trong vụ tai nạn vừa rồi, anh nhận được số tiền đền bù hơn 30 triệu đồng nhưng chẳng thấm vào đâu. Đến nay, mọi chi phí đều do anh và chị tự lo liệu.

Những vai diễn để đời

Hơn 40 năm gắn bó với sân khấu, nghệ sĩ Vũ Minh Vương được khán giả yêu thích qua nhiều vai diễn thuộc sở trường kép mùi. Anh đặc biệt thích hợp với các nhân vật cổ trang thuộc thể loại tuồng hương sa, dã sử như: Thạch Sanh (Thạch Sanh - Lý Thông), Lưu Bình (Lưu Bình - Dương Lễ), Bình Thanh (Nữ chúa rừng xanh), Thạch Bảo (Gió chuyển mùa thương), Hạ Sơn (Cánh nhạn mùa xuân)… Anh còn nổi tiếng qua các vai diễn ca ngợi anh hùng lịch sử dân tộc như: Trần Bình Trọng (Lửa rừng dương), Ngô Quyền (Hoa độc trong vườn), Nguyễn Huệ (Mai đào chung sắc), Đinh Bộ Lĩnh (Cờ lau khởi nghiệp)…

Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.