Giáo viên tiếng Anh... cần phiên dịch - Kỳ 5: Sẽ không còn chuyện đào tạo lại

15/09/2012 03:09 GMT+7

Xác định đội ngũ giáo viên (GV) là khâu then chốt quyết định chất lượng dạy và học tiếng Anh, cả Bộ GD-ĐT và các trường ĐH sư phạm có những kế hoạch thay đổi phương pháp đào tạo.

>> Kỳ 4: “Học sinh tăng cường” cũng học thêm

Cần thêm 24.000 GV tiếng Anh tiểu học

Với riêng bậc tiểu học, theo tính toán của ngành giáo dục, để thực hiện đề án, từ nay đến hết năm 2020 cả nước cần thêm 24.000 GV tiếng Anh. Theo quy định, GV tiếng Anh tiểu học hiện nay có trình độ tối thiểu là B1, THCS là B2 và THPT là C1.

Theo dự thảo về Chuẩn năng lực GV tiếng Anh phổ thông, có 6 yêu cầu đặt ra với kiến thức và 5 yêu cầu về kỹ năng. Chẳng hạn, GV phải có khả năng nghe tiếng Anh để nắm bắt ngôn ngữ, hiểu ý chính của văn bản phức tạp có chủ đề cụ thể hoặc trừu tượng, diễn giải ý, trả lời thích hợp trong các tình huống giao tiếp; giao tiếp tiếng Anh với các mục đích học thuật với mức độ khá lưu loát và tự nhiên; sử dụng tiếng Anh thích hợp với từng bối cảnh xã hội và văn hóa...

T.N

Chưa dạy ngoại ngữ như kỹ năng

Bộ GD-ĐT đánh giá chất lượng GV tiếng Anh chưa đạt yêu cầu là do thực tế dạy và học trong các trường ĐH thời gian trước chưa hiệu quả. Thời lượng khung dạy ngoại ngữ chưa nhiều, dạy như một môn kiến thức chứ không phải môn học kỹ năng… Quá trình dạy và học chủ yếu phục vụ cho các kỳ thi, tập trung vào ngữ pháp, đọc và dịch.

Một số trường sư phạm chưa bảo đảm chất lượng đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp ngành tiếng Anh, số trường sư phạm công khai chuẩn đầu ra theo quy định của Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân còn ít và chưa có biện pháp để thẩm định chất lượng đầu ra đã công bố của các trường này.

Một lãnh đạo của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng thừa nhận: “Khi so sánh trình độ với chuẩn châu u, dĩ nhiên GV ít người đáp ứng được yêu cầu. Bởi lâu nay chúng ta đào tạo GV theo chuẩn Việt Nam, thấp hơn nhiều so với chuẩn nhiều nước. Không giống như các môn học khác, ngoại ngữ không phải vấn đề tư duy mà là kỹ năng. Người học ngoại ngữ phải có tình huống để thực hành. Ngày nào còn đào tạo theo phương thức cổ điển thì đương nhiên việc giao tiếp của sinh viên sẽ rất yếu”.

Phải đột phá từ các trường sư phạm

Để chuẩn bị nguồn GV cho việc thực hiện đề án, Bộ giao 18 trường ĐH trên cả nước có nhiệm vụ rà soát, đào tạo và bồi dưỡng GV phổ thông. Nguyên tắc mà đề án đặt ra là GV phải có trình độ cao hơn đào tạo 2 bậc.

Tiến sĩ Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, hồ hởi cho biết: “Cuối năm học 2012 - 2013, trường sẽ cho ra lứa GV tiếng Anh tiểu học đạt chuẩn đầu tiên trên toàn quốc. Những GV này đạt chuẩn B2 theo khung tiêu chuẩn châu u, được tiếp nhận phương pháp giảng dạy theo công nghệ cao, sử dụng thành thạo phòng lab, các công nghệ hiện đại để đào tạo tiếng Anh cho học sinh”. Ông Hòa tự tin chia sẻ: “Về việc đào tạo, tôi cam đoan 26 em sau khi tốt nghiệp sẽ là những “sản phẩm” vô cùng hoàn chỉnh". Tuy nhiên, ông Hòa cũng lo lắng: “Nếu 26 em này có được việc làm tốt, thì những khóa sau chúng tôi sẽ tuyển sinh hết sức dễ dàng và lực lượng GV tiếng Anh cho tương lai không sợ thiếu. Còn ngược lại thì sẽ rất khó để phát triển thêm”.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng có kế hoạch đào tạo mới. Một hiệu phó của trường cho biết: “Khi các trường phổ thông đòi hỏi GV tiếng Anh đáp ứng chuẩn châu u, chúng tôi cũng phải thay đổi theo hướng này. Phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, người học… Học bổng dành cho khoa tiếng Anh đi học nâng cao trình độ tại nước ngoài thuộc dạng nhiều nhất trường và sắp tới cũng sẽ được tăng cường hơn nữa”.

Giáo viên tiếng Anh... cần phiên dịch
Sinh viên khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bà Lê Hương, Cục Đào tạo và hợp tác với nước ngoài Bộ GD-ĐT, cho biết từ 2012 - 2015 Cục sẽ tổ chức bồi dưỡng cho 60% GV ngoại ngữ ở các trường ĐH học tập, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn và dài hạn ở nước ngoài. 40% GV còn lại bồi dưỡng vào giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, để sự thay đổi đồng bộ, đạt hiệu quả, lãnh đạo các trường cho rằng cần phải có những quy định chuẩn.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Trưởng bộ môn Anh, Khoa Ngoại ngữ Trường CĐ Sư phạm Hà Nội, cho rằng: “Đào tạo GV tiếng Anh cấp tiểu học là một việc làm hầu như chưa từng có nên khó khăn, bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi. Do vậy, đề nghị Bộ cần sớm ban hành khung chuyên ngành đào tạo để các trường có cơ sở pháp lý xây dựng chương trình của trường mình”. PGS Đặng Kim Vui, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc trang bị cơ sở vật chất để có môi trường nói tiếng Anh 100% giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng. Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh đến việc đảm bảo thu nhập cho GV để không chảy máu chất xám.

Dù có kế hoạch riêng nhưng mục tiêu cuối cùng là làm thế nào “sản phẩm” của các trường sư phạm phải đạt chuẩn theo yêu cầu của thực tế. Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Trong thời gian tới, đương nhiên GV tốt nghiệp CĐ, ĐH chuyên ngành ngoại ngữ ở các trường sư phạm phải đạt trình độ B2 trở lên mà không phải bồi dưỡng thêm hoặc đào tạo lại như hiện nay”.

>> Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch
>> Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch - Kỳ 2: Chỉnh hay loại ?
>> Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch - Kỳ 3: Trông chờ vào lực lượng mới
>> Giáo viên tiếng Anh cần... phiên dịch: “Học sinh tăng cường” cũng học thêm

T.Nguyễn - Đ.Nguyên - D.Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.