Nghệ sĩ piano Bích Trà: Rào cản là do mình tự nghĩ ra

17/09/2012 08:00 GMT+7

Mỗi năm 2 lần về nước - tết và hè, khi nào nghệ sĩ piano Bích Trà cũng nghĩ sẽ sắp xếp để có thật nhiều thời gian ở nhà chơi với mẹ - NSND Trà Giang. Thế nhưng hầu như chuyến về thăm nhà nào chị cũng “bị” mẹ mắng yêu “cứ đi suốt ngày”, bởi thời gian ít ỏi ở VN ấy luôn “được” những lịch hẹn công việc, từ giảng dạy, giao lưu đến những dự án cho âm nhạc cổ điển cuốn đi...

Dịp hè vừa rồi cũng không ngoại lệ! Song, Bích Trà chia sẻ rằng, chị rất vui vì những “bận rộn” ấy! Và tất nhiên, người mẹ đã luôn khích lệ, đồng cảm, đồng điệu cùng con gái trên từng bước đường cũng sẽ rất hạnh phúc với niềm “say nghề” của con mình.

 Nghệ sĩ piano Bích Trà: Rào cản là do mình tự nghĩ ra
Ảnh: Bùi Dzũ

Khát khao được cho đi...

Một trong những lý do giữ Bích Trà ở lại Anh cho đến giờ, như chị chia sẻ, là bởi ở đó, chị có điều kiện, có môi trường để thực hiện hết những đam mê, những gì đã được đào tạo. Về VN ở bên cạnh mẹ, cuộc sống chắc chắn sẽ êm đềm và bình an, nhưng như chị từng tâm sự, mình chỉ có thể giảng dạy thôi, như thế chỉ làm được 1/3 khả năng. Trong khi hiện tại, cuộc sống của chị đang “rất cân bằng giữa biểu diễn - thu âm - giảng dạy”. Khi mọi thứ đã ổn định và vững vàng, chị có thể “lựa chọn điều/công việc mình thích để làm”. “Chẳng hạn với biểu diễn, tôi có thể chọn chương trình mà mình ít có sự lặp lại, chỉ diễn vừa đủ, để dành thêm thời gian học những cái mới. Thu đĩa cũng vậy, tôi đã dành gần 5 năm để nghiên cứu, để đến với âm nhạc của Joachim Raff, và bây giờ tôi cần thời gian để lắng lại, tìm cho mình một “bài học” mới, với những sáng tạo khác”.  Còn với giảng dạy, Bích Trà cho biết, nó vừa là niềm say mê và cũng là trách nhiệm. Vì theo chị, “thành công với một nghệ sĩ không chỉ ở mặt biểu diễn, mà nói có vẻ khách sáo, chính là mình đã “cho đi”, đã truyền lại như thế nào cho xã hội những gì mình được nhận”.

 

Một xã hội muốn cân bằng phải có sự phát triển song song giữa phần thực tế (vật chất) và phần sáng tạo (tinh thần). Mà âm nhạc là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần mỗi người. Vì thế, cần xem lại khi đến nay,  âm nhạc vẫn chưa là môn học bắt buộc và được xem trọng như các môn khác

Trong những dịp về nước trước đây, Bích Trà từng chia sẻ mong muốn tạo một trang web để giảng dạy âm nhạc, miễn phí cho thiếu nhi. “Để thực hiện được, cần một nhóm khoảng 5 người, không chỉ có kiến thức mà còn có phương pháp sư phạm, hiểu được ngôn ngữ trẻ con. Bởi âm nhạc dù vốn có sức hấp dẫn, quyến rũ rồi, nhưng với thiếu nhi thì phải làm sao để bài học thực sự sinh động. Nếu trẻ con các nước đều mê mẩn Tom & Jerry, thì mình cũng có thể soạn một câu chuyện âm nhạc như phim hoạt hình, ví như khi giới thiệu về trống thì sẽ có chú thỏ ra vỗ trống, rồi nói về nhịp, tiết tấu, cao độ… tất cả sao cho bắt mắt và dễ tiếp thu nhất, như thế hẳn các em sẽ rất thích thú”, chị hào hứng.

Ý tưởng này có lẽ đã được nhiều người tâm huyết như chị nghĩ đến, nhưng để thực hiện được thì… không đơn giản. Vậy nên chị đang rất cần sự chung tay, cần đội ngũ vừa đủ để bắt đầu. “Tôi đã cho địa chỉ mail của mình trong những buổi nói chuyện, giảng dạy tại VN, cả trang web cũng có, http://www.tranguyen.org/presski, nếu ai hứng thú và cùng quan điểm này thì liên lạc với tôi để có thể triển khai, càng sớm càng tốt”, Bích Trà nói.

Ai cũng có mầm nhạc trong người

“Ai cũng có nhạc cảm, cũng có mầm nhạc trong người, không nhiều thì ít, nếu chúng ta không phát triển được thì sẽ rất thiệt thòi. Lâu nay mọi người quen nghĩ, âm nhạc là môn năng khiếu, có cũng được mà không cũng chẳng sao; nhưng thật ra nó là môn quan trọng, giúp phát triển khả năng tư duy. Vì thế mà ở nước ngoài, nhạc cũng là môn buộc phải có. Không chỉ vậy, ở nhiều nước, nhà trường còn khuyến khích học sinh học nhạc bằng cách, nếu biết được 2 nhạc cụ thì sẽ được cộng thêm điểm khi thi vào cấp 2”, Bích Trà chia sẻ.

Nếu hiện tại, cùng với đam mê theo đuổi chuyên ngành đã lựa chọn, người trẻ nào cũng cần trang bị tiếng Anh cho mình để có thể tiếp cận thế giới bên ngoài, thì chuyện học nhạc cũng cần thiết không kém, theo Bích Trà, bởi nó giúp cho mình cân bằng được cuộc sống. “Một xã hội muốn cân bằng phải có sự phát triển song song giữa phần thực tế (vật chất) và phần sáng tạo (tinh thần). Mà âm nhạc là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tinh thần mỗi người. Vì thế, cần xem lại khi đến nay, âm nhạc vẫn chưa là môn học bắt buộc và được xem trọng như các môn khác”, chị bày tỏ.

Trong nửa tháng về VN vừa qua, Bích Trà đã có buổi nói chuyện về nhạc cổ điển, và chị rất mừng khi những người quan tâm đã đến vượt số ghế ngồi dự kiến, từ đủ mọi lứa tuổi. Sau những buổi nói chuyện như thế, chị đã “nghiệm” ra một điều, dường như lâu nay, con người tự mình đặt ra các định kiến, rào cản cho mình, để rồi không vượt qua được. Bởi dù khán giả biết đến chị như một nghệ sĩ chơi nhạc cổ điển, và đề tài của chị trong buổi nói chuyện cũng xoay quanh việc thưởng thức nhạc cổ điển, song ít ai ngờ buổi giao lưu lại sôi nổi đến vậy. “Tôi thích cách mọi người đến với âm nhạc như thế, tự nhiên và thoải mái, không phân biệt tuổi tác, không quan trọng nhạc Tây - ta… Sự hứng thú một cách vô tư này khiến tôi nhớ đến câu chuyện tôi đã đọc đâu đó, về ngôi làng chơi violon ở một tỉnh phía bắc nước mình. Tôi thật sự ấn tượng khi đọc câu chuyện này. Tôi nghĩ đây là một minh chứng  đầy thuyết phục cho thấy rào cản là do tư tưởng mình hết. Nhắc lại điều này vì tôi muốn chia sẻ thêm lần nữa, ai cũng có khả năng cảm thụ âm nhạc, nếu được học - được giáo dục từ nhỏ thì bao giờ cũng sẽ tốt hơn, ai có năng khiếu thì sẽ phát triển chuyên sâu hơn. Thế nên, khi chúng ta vẫn đang chờ một ngày nào đó, âm nhạc được đưa vào giảng dạy chính quy, thì việc khuyến khích con em chúng ta đến với âm nhạc, càng sớm càng tốt, là điều đáng quan tâm”, Bích Trà thổ lộ.

Trong năm nay, 2 CD độc tấu piano với các tác phẩm của Joachim Raff - (Piano Works Vol.1 & Vol.2) của Bích Trà, theo hợp đồng với Naxos, đã được phát hành (tháng 2, tháng 6). Hai CD này nằm trong loạt đĩa khai trương nhãn hiệu Grand Piano của Naxos, chuyên về các tác phẩm cho piano của những nhạc sĩ tài năng nhưng còn ít được biết đến, quy tụ các nghệ sĩ biểu diễn xuất sắc từ nhiều nơi trên thế giới, và được định vị là dòng sản phẩm cao cấp. Bích Trà cho biết album thứ 3 sẽ được giới thiệu vào tháng 11 tới.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước,… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Nguyên Vân

>> Văn hóa cà phê Nhật Bản
>> Khí quyển văn hóa cà phê Thổ Nhĩ Kỳ
>> Tuần lễ văn hóa cà phê tại TP.HCM: Nơi tụ hội của các "tín đồ" cà phê
>> Ngày cuối tuần với Tuần lễ Văn hóa Cà phê 2007
>> Tuần lễ văn hóa cà phê" tại Hà Nội và TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.