Khác với chuyến đi lịch sử gần nửa thế kỷ trước, cuộc tái ngộ của Chris Koch lần này với Hà Nội còn có sự hiện diện của vợ và con gái. Mặc dù không có nhiều tiền, như Chris thú nhận, ông vẫn chọn Métropole, một trong những khách sạn đắt nhất Hà Nội. Đơn giản vì đây chính là nơi ông từng trú lại trong cuộc viếng thăm thời trai trẻ. Với Chris, gần năm mươi năm trôi đi như một chớp mắt. “Hồi đó trên khắp các con phố là những hầm trú ẩn, mọi người đi lại chủ yếu bằng xe đạp. Nhiều người còn khoác trên vai khẩu súng trường. Chỉ có lác đác vài chiếc xe ô tô quân sự. Cách ăn mặc của người Hà Nội cũng rất giản dị. Tôi nhớ mãi những phụ nữ Hà Nội với chiếc quần lụa đen. Hà Nội giờ đã thay đổi nhiều. Nhưng tôi vẫn có cảm giác gì đó rất quen thuộc và thân thiện”, Chris tâm sự.
|
Duyên do của chuyến đi 47 năm trước bắt nguồn từ một chuyện khá tình cờ. Năm 1965, Chris lúc đó đang làm việc cho Đài phát thanh WBAI, một bộ phận của mạng lưới phát thanh Pacifica (PRN) tại thành phố New York. PRN là một hệ phát thanh độc lập, phi lợi nhuận do thính giả đóng góp ủng hộ. Là một đài nhỏ và không thuộc vào dòng báo chí chủ lưu của Mỹ, PRN thời điểm đó cũng không nhận được sự ủng hộ của chính quyền do liên tục phát đi những chương trình kêu gọi hòa bình cho Việt Nam. Chris lúc đó hầu như không biết gì về Việt Nam, ngoài những thông tin qua lăng kính của báo chí chính thống. “Điều duy nhất mà tôi biết đó là Việt cộng chuẩn bị đầu hàng, miền Bắc Việt Nam sắp sửa bị đánh bại và nước Mỹ sẽ chiến thắng”.
Tháng 7.1965, Chris được cử đến Helsinki (Phần Lan) để đưa tin về Diễn đàn Hòa bình thế giới. Tại đây ông đã gặp phái đoàn Việt Nam để tìm hiểu về tình hình chiến sự. “Tôi đã hỏi họ rằng liệu có phải Bắc Việt sắp sụp đổ không? Họ đã cười và trả lời mọi việc đều ổn cả. Cuộc chiến tranh sẽ còn kéo dài...”. Một ý tưởng bất ngờ chạy qua đầu Chris. “Các ông có cho phép phóng viên nước ngoài đến Hà Nội để chứng kiến tình hình không?”, “Ông muốn tới Việt Nam à?”, “Vâng”. Sau đó những đại diện của Bắc Việt nói với Chris rằng ông hãy về nhà, đánh một bức điện về những yêu cầu của mình.
Bức điện được gửi đi nhưng sau 4-5 tuần gì đó Chris vẫn không nhận được hồi đáp. Lúc đó Chris nghĩ chắc hẳn họ chỉ “ngoại giao” thế thôi chứ sẽ chẳng có chuyện cho phóng viên từ Mỹ vào Việt Nam. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra. Một bức điện được gửi cho Chris yêu cầu ông hãy đến Paris (Pháp). Tại đó theo hướng dẫn, Chris đã tới gặp đoàn đại diện Việt Nam và được sắp xếp để tới Hà Nội theo lời mời của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Không chỉ mình Chris mà còn có 3 người Mỹ khác đã được mời tới Việt Nam trong chuyến đi đó. Sau này Chris mới biết họ là những người Mỹ đầu tiên có mặt công khai ở miền Bắc Việt Nam kể từ khi có lệnh cấm của chính phủ Mỹ sau Hiệp định Genève 1954. Phải mất tới một tuần cho việc di chuyển từ Paris tới Moscow (Liên Xô), sau đó là Bắc Kinh rồi Nam Ninh (Trung Quốc). Cuối cùng Chris mới có mặt tại Hà Nội, “sào huyệt” của những người cộng sản Bắc Việt.
Tại Hà Nội, Chris đã được gặp đại úy Robert Daughtrey, viên phi công đã bị bắn hạ tại khu vực cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) vào ngày 2.8.1965. “Tôi đã hỏi anh ta cảm thấy thế nào khi trút bom xuống đầu những người vô tội trong đó có phụ nữ và trẻ em. Anh ta đã trả lời rằng chúng tôi không nghĩ gì cả. Chỉ huy ra lệnh đánh chỗ nào thì chúng tôi đánh chỗ đó. Chúng tôi chỉ làm việc mà chúng tôi phải làm. Đó chỉ đơn giản là một công việc thôi thưa ngài... Nhiều cuộc chiến tranh đã và đang diễn ra theo cách đó. Trong những cuộc chiến ấy vấn đề cá nhân bị triệt tiêu hoàn toàn”, Chris trầm ngâm.
Thế nhưng cú sốc đầu tiên đến với Chris không phải ở Hà Nội mà là Thanh Hóa, nơi được ông miêu tả lại là “một chiến trường khổng lồ”. Trong khi Hà Nội mới “thoang thoảng” không khí chiến sự thì ở cách xa Hà Nội 200 km ngọn lửa chiến tranh đã hừng hực. Đường sá, nhà cửa hầu như bị tàn phá vụn nát sau những trận bom. Được đưa đến một khu sơ tán cách trung tâm Thanh Hóa chừng 20 km, Chris liên tục nhìn thấy những chớp sáng và tiếng nổ của những đợt ném bom nhắm vào cầu Hàm Rồng, cây cầu huyết mạch và cũng là trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ. Điều ngạc nhiên là mặc dù bị đánh dữ dội nhưng cây cầu vẫn được bảo vệ vững chắc.
“Tôi vẫn nhớ lúc đó cũng sát đến giờ ăn cơm thì ông Chris đòi đi thăm cầu. Bình thường thì cũng đi được nhưng hôm đó máy bay Mỹ đánh ác liệt quá nên Tỉnh ủy chỉ đạo không cho đoàn đi để bảo đảm an toàn. Nhưng ông Chris nhất quyết không chịu ăn nếu không được đi. Cuối cùng chúng tôi đã phải đồng ý...”, ông Nguyễn Văn Giá, nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa kể lại.
Mặc dù đã 83 tuổi nhưng ông Giá vẫn nhớ rõ từng chi tiết trong chuyến viếng thăm đặc biệt của “những người Mỹ đầu tiên” trong cuộc tái ngộ với ông Chris tại Văn phòng Báo Thanh Niên tại Thanh Hóa. “Những năm chiến tranh, Thanh Hóa từng đón rất nhiều đoàn khách quốc tế. Những chuyến thăm trong hoàn cảnh khó khăn như thế đối với chúng tôi là rất quý. Điều đáng nói là đoàn nào đến cũng muốn vào tận nơi bom đạn chứ không muốn chỉ ẩn nấp ở nơi an toàn. Tôi vẫn nhớ năm 1967 trong đoàn sinh viên Mỹ Latin đã có một sinh viên người Puerto Rico hy sinh ở đây. Còn chuyến đi của ông Chris thì tôi vẫn nhớ rất rõ vì đó là đoàn Mỹ đầu tiên đến Thanh Hóa. Bài phát biểu của ông Chris ngày đó chúng tôi vẫn còn lưu trong kỷ yếu”, ông Giá kể lại.
Trong những kỷ niệm được nhắc lại trong buổi gặp với nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Văn Giá, Chris luôn nhắc tới Hồ Chí Minh như một hình mẫu lý tưởng. Thế rồi, trước lúc chia tay, Chris tần ngần một lúc rồi hỏi ông Giá một câu “cắc cớ”: “Nếu bây giờ cụ Hồ còn sống thì theo ông Việt Nam sẽ như thế nào?”. |
N.Phong
>> Cuộc đoàn tụ đầy nước mắt của hai nữ nhà báo Mỹ với gia đình
Bình luận (0)