TP.HCM phát triển văn hóa chưa tương xứng

16/09/2012 17:34 GMT+7

(TNO) Phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, với tiềm năng, vai trò và vị trí của thành phố; chưa làm tốt vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội; mức thụ hưởng văn hóa giữa nội thành và ngoại thành còn nhiều chênh lệch…

Đó là đánh giá của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM tại chương trình "Lắng nghe và trao đổi: về thiết chế văn hóa phục vụ người dân thành phố" do HĐND TP.HCM và HTV phối hợp tổ chức vào sáng 16.9.

Theo ông Nguyễn Thành Rum, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM, hằng năm, các thiết chế văn hóa của TP phục vụ cho khoảng 10 triệu lượt người; riêng các trung tâm văn hóa phục vụ từ 4 - 6 triệu lượt người, các nhà hát công lập biểu diễn hơn 2.000 suất với hơn 1 triệu lượt khán thính giả. Các bảo tàng, thư viện cũng đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, cụ thể như trong năm 2011 đã tổ chức hơn 180 cuộc trưng bày, phục vụ lượng khách tham quan khoảng 2,5 triệu lượt khách.

Quang cảnh chương trình Lắng nghe và trao đổi sáng 16.9
Quang cảnh chương trình Lắng nghe và trao đổi sáng 16.9 - Ảnh: Đình Phú

Trong khi đó, PGS - TS Phan Xuân Biên, Viện trưởng Viện nghiên cứu xã hội TP.HCM lại cho rằng: “Trong những năm vừa qua, cơ sở hạ tầng của thành phố phát triển rất mạnh nhưng các công trình văn hóa thì chưa tương xứng. Chúng ta có nhà hát, nhưng chưa phải là nhà hát lớn. Nhiều lần chúng ta nói xây dựng nhà hát giao hưởng vũ kịch nhưng cứ quy hoạch đi quy hoạch lại rồi hiện nay cũng chưa đến nơi đến chốn. Vấn đề sắp xếp lại các đoàn nghệ thuật cũng làm rất chậm. Các phong trào quản lý văn hóa nói chung gây ra nhiều bức xúc”.

Còn nhiều bất cập

Đầu tư cho phát triển văn hóa, thể thao, du lịch hằng năm chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng chi ngân sách. Do vậy, các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố còn tồn tại khá nhiều bất cập.

Điển hình là cơ sở vật chất nhà hát của các bộ môn nghệ thuật truyền thống như: hát bội, cải lương… bị xuống cấp, hoạt động biểu diễn rất khó khăn vì thù lao cho nghệ sĩ quá thấp.

Ngay cả Nhà hát kịch TP.HCM là đơn vị có nhiều lợi thế cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trong khi các sân khấu xã hội hóa phải lo toan thuê mướn mặt bằng để hoạt động, thì Nhà hát kịch TP.HCM sở hữu một sân khấu ngay khu vực trung tâm. Tuy vậy, kịch mục của nhà hát rất ít ỏi, số suất diễn cũng rất ít.

Khách tham quan Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ
Khách tham quan Bảo tàng phụ nữ Nam bộ -  Ảnh: Hải Hoàng

NSƯT Khánh Hoàng, Giám đốc nhà hát kịch TP.HCM, than thở: “Công tác chiêu mộ diễn viên rất khó khăn nên rất khó thực hiện được nhiệm vụ TP giao cho và mục tiêu thu hút được khán giả. Chính vì yếu tố này nên nhà hát chỉ thực hiện biểu diễn theo kiểu thời vụ. Việc sáng đèn thường xuyên thì không thể vì nhà hát không thể nuôi hẳn một dàn diễn viên do không có tiền trả lương”. 

Trong khi đó, hệ thống bảo tàng của TP.HCM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Hầu hết các bảo tàng đều được trưng dụng từ các công trình cũ, không được thiết kế riêng dành cho công tác trưng bày.

Riêng về rạp chiếu phim, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM nêu lên một thực trạng đáng lo lắng: “Sau giải phóng chúng ta có hơn 40 rạp chiếu phim. Hiện nay, nhiều rạp đã thay đổi công năng, một số rạp được các công ty tư nhân đầu tư xây dựng mới và tổ chức hoạt động theo kế hoạch kinh doanh của mình. Thành phố có hơn 8 triệu dân nhưng các hãng phim Nhà nước hiện không có rạp chiếu để chiếu những bộ phim của mình. Nhiều bộ phim thực hiện những yêu cầu về lịch sử cũng chỉ được chiếu trong một vài ngày rồi thì bị đẩy ra ngoài”.

Nỗ lực nâng tầm các thiết chế văn hóa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết thành phố sẽ xem xét điều chỉnh lại mức đầu tư tương xứng hơn cho lĩnh vực văn hóa. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Sở VH-TT-DL và các quận huyện rà soát các công trình văn hóa. Công trình nào sử dụng không đúng công năng sẽ phải điều chỉnh nhằm trả lại cho lĩnh vực văn hóa. 

Đình Phú

>> Tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển văn hóa
>> Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Nhật Bản 2012
>> Quy hoạch chi tiết Khu du lịch văn hóa Nguyễn Du
>> Văn hóa “đỏ đen” và sự bùng nổ của TTCK Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.