Trước thời điểm Viện KSND tối cao ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với ông Lê Ngọc Minh, Cục phó Cục Điện ảnh vào ngày 31.8 thì ngày 18.5, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã có bản kết luận điều tra về vụ án và chuyển hồ sơ đề nghị truy tố các bị can ra tòa.
Ý kiến của Hội Nhà văn
|
Tuy nhiên ngày 5.6, Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn gửi Viện KSND tối cao, do nhà thơ Hữu Thỉnh ký có nội dung: Nhà văn Lê Ngọc Minh là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có 8 tập sách; là một trong số ít văn nghệ sĩ đã được Bộ trưởng Bộ Công an tặng thưởng kỷ niệm chương “Vì an ninh Tổ quốc”. Nhà văn là tiến sĩ nghệ thuật học về điện ảnh và truyền hình, hiện đang thực hiện kịch bản 2 bộ phim truyền hình dài tập mang ý nghĩa chính trị đã được Hội Nhà văn lựa chọn đề nghị Hội đồng khen thưởng quốc gia xét trao Danh hiệu giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2011, nhưng do bị kẻ xấu lợi dụng nên hoãn lại.
Trong văn bản, Hội Nhà văn Việt Nam còn cho rằng: Kẻ xấu có nhiều mưu mô quỷ quyệt mà những người lương thiện không thể nào lường trước được, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực nhân văn có tâm hồn luôn trong sáng, cả tin... Việc nhà văn Lê Ngọc Minh xin từ chức là hành động tự trọng, văn hóa... Từ đó, Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị xem xét vụ việc một cách "có lý có tình", tạo điều kiện cho ông Lê Ngọc Minh có điều kiện tiếp tục cống hiến cho văn học và điện ảnh nước nhà.
Cùng chung quan điểm với Hội Nhà văn Việt Nam có đạo diễn Đặng Nhật Minh, nhà văn Lê Lựu, nhà văn Chu Lai, nhà thơ Trần Đăng Khoa, tiến sĩ Lưu Trọng Hồng (nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh), nhà văn - nhà biên kịch Hà Phạm Phú (nguyên Giám đốc Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam)...
Ngược lại, cũng đã có không ít nghệ sĩ và người công tác trong ngành điện ảnh phát biểu trên báo chí bày tỏ quan điểm không đồng tình việc Viện KSND tối cao ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.
Không để “chìm xuồng”
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo của Viện KSND tối cao cho rằng việc bày tỏ quan điểm xung quanh quyết định của Viện KSND tối cao là bình thường và là quyền của mỗi cá nhân. “Chúng tôi khẳng định việc tạm đình chỉ vụ án không phải do công văn của Hội Nhà văn. Khi cơ quan tiến hành tố tụng quyết định một vấn đề phải dựa vào quy định của pháp luật; cảm tính "công" hay "tội" chỉ là một tình tiết để đánh giá mức độ vi phạm của từng cá nhân, chứ không thể tác động vào hoạt động độc lập, chỉ tuân theo pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng”, vị này nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, việc CQĐT - Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố đối với ông Lê Ngọc Minh cùng bà Trần Thị Kim Phụng, nguyên kế toán, Phó trưởng phòng Kinh tế kỹ thuật Cục Điện ảnh; bà Nguyễn Thị Kim Chi và bà Nguyễn Thu Hiền, nguyên kế toán viên Kho bạc Nhà nước Ba Đình về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" là có căn cứ.
Khi hồ sơ vụ án được chuyển sang Viện KSND tối cao để xem xét, quyết định có hay không việc truy tố các bị can ra trước pháp luật theo thẩm quyền, thì cơ quan công tố xét thấy, do bị can chính là Phạm Thanh Hải bỏ trốn, chưa có điều kiện hỏi cung, thu thập chứng cứ để làm rõ một số tình tiết quan trọng của vụ án nên cần thiết phải tạm đình chỉ vụ án, chờ khi bắt được bị can Phạm Thanh Hải sẽ tiếp tục phục hồi điều tra theo quy định của pháp luật.
Mặc dù quyết định tạm chỉ vụ án thuộc quyền năng và trách nhiệm của Viện KSND tối cao, nhưng để đảm bảo khách quan, không bỏ lọt tội phạm và cũng không làm oan sai, cơ quan tiến hành tố tụng trung ương đã thống nhất tạm đình chỉ vụ án này.
Viện KSND tối cao cũng cho rằng với trách nhiệm là cơ quan kiểm sát điều tra, chịu trách nhiệm ở giai đoạn truy tố nên việc thận trọng là cần thiết. Hơn nữa, đây là vụ án lớn nên cơ quan tố tụng càng phải thận trọng hơn và đang được nhiều cơ quan tố tụng tập trung giám sát nên sẽ không thể xảy ra việc “chìm xuồng”.
Công Danh - Thái Uyên
>> Tạm đình chỉ vụ án đối với nguyên Cục phó Cục Điện ảnh
>> Đề nghị truy tố nguyên Cục phó Cục Điện ảnh
>> Khởi tố nguyên Cục phó Cục Điện ảnh
>> Cục phó Cục Điện ảnh nộp đơn từ chức
Bình luận (0)