Không chỉ là dịp để phản ảnh những tồn đọng của dịch vụ xe buýt, buổi tọa đàm “Tiếng nói thanh niên và văn minh xe buýt” còn là cơ hội để hơn 500 bạn trẻ và công chúng nói chung chia sẻ những đồng cảm, kỳ vọng, đề xuất để xe buýt văn minh, thân thiện, tiện lợi hơn.
Tư vấn tâm lý cho nhân viên xe buýt - sao không?
Hầu hết bạn trẻ tham gia chương trình là học sinh sinh viên - những đối tượng mục tiêu của dịch vụ xe buýt. Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt có ông Phạm Vương Bảo - phó trưởng phòng kế hoạch điều hành Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), tài xế xe buýt Nguyễn Xuân Quyết và tiếp viên xe buýt Nguyễn Thị Oanh Kiều đều thuộc Công ty TNHH Vận tải TP.HCM.
|
Những câu chuyện ngỡ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” của xe buýt như thái độ phục vụ của các nhân viên có lúc chưa thật thân thiện, lịch sự; việc hành khách bị móc túi - rạch giỏ, bị “yêu râu xanh” quấy rối, xe cũ, xe bẩn, nhồi nhét khách... được trao đổi khá sôi nổi.
Bạn Phan Thị Rát - sinh viên ĐH Mở TP.HCM - thắc mắc: “Khi đi xe buýt, không ít lần tôi nghe nhân viên xe buýt nói những lời không hay. Xin hỏi các đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt có thường xuyên mở các lớp đào tạo cho nhân viên về cách phục vụ, cư xử với hành khách?”. Tài xế xe buýt Nguyễn Xuân Quyết cho biết các nhân viên xe buýt có học lớp đạo đức, nghiệp vụ. Nếu hành khách có bức xúc về vấn đề này nên chủ động phản ảnh qua các đường dây nóng của xe buýt.
Một bạn gái tên Bảo Hiền bày tỏ sự đồng cảm phần nào với những áp lực mà nhân viên xe buýt phải chịu như: làm việc trong không gian nhỏ, thường xuyên di chuyển, kẹt xe, phải tuân thủ lịch trình và cả việc có những hành khách chưa thật lịch sự, văn minh... và cô đặt câu hỏi: Có tạo cơ hội để các nhân viên xe buýt gặp gỡ các chuyên gia tâm lý để kịp thời giải tỏa những ức chế, căng thẳng? Ông Phạm Vương Bảo cho biết ông đánh giá cao ý tưởng này và sẽ nghiên cứu vì thực tế đúng là chưa có các chuyên đề tâm lý cho nhân viên xe buýt.
Buýt cho người khuyết tật
Một trong những câu chuyện nóng của buổi tọa đàm là việc tăng cường khả năng tiếp cận của người khuyết tật với xe buýt. Nguyễn Quang Nhị - sinh viên khiếm thị khoa công tác xã hội ĐH KHXH&NV TP.HCM - bày tỏ mong muốn có hệ thống loa thông báo về các tuyến xe buýt tại các trạm dừng và tất cả xe buýt để những người khiếm thị không gặp khó khăn khi đón xe và xuống trạm.
Bà Vũ Thị Kim Hường - 54 tuổi, công tác tại Trung tâm Nghiên cứu tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC), là người cao tuổi nhất tại buổi tọa đàm - cho biết: “Tôi đi xe buýt khoảng 10 năm nay, từ khi xe buýt còn có giá 1.000 đồng/vé và chưa bao giờ tôi thấy một người ngồi xe lăn đi xe buýt. Một số bạn trẻ khuyết tật chân, phải chống nạng, đã kể tôi nghe những khó khăn của họ khi đi xe buýt. Có một nghịch lý nho nhỏ là người khuyết tật được đi xe buýt miễn phí nhưng những cơ sở vật chất để người khuyết tật tiếp cận xe buýt thì dường như chưa hoàn chỉnh”.
Không dừng lại câu chuyện ở “thì hiện tại” của xe buýt, các bạn trẻ đưa ra nhiều đề xuất để xe buýt hiện đại hơn. Bạn Nguyễn Bảo Toàn - sinh viên năm 3 khoa môi trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM - đề xuất: “Lượng sinh viên đi xe buýt rất đông, sao không tích hợp thẻ xe buýt thông minh vào thẻ sinh viên? Bên cạnh đó, bản đồ xe buýt online tại trang web www.buyttphcm.com.vn nên có thêm chức năng hướng dẫn hành khách tìm ra lộ trình tối ưu”.
“Tính đến hôm nay 16-9, dự án “Nào ta cùng buýt” đã thu được 16.000 vé xe buýt qua sử dụng - con số này đã vượt qua năm ngoái (12.000 vé). Chúng tôi kỳ vọng sẽ thu được tổng cộng 30.000 vé xe buýt - tính cả trong ngày hội Chuyển động xanh 2012 sẽ diễn ra vào ngày 23-9 tại TP.HCM” - anh Nguyễn Thành Hưng, người chịu trách nhiệm dự án “Nào ta cùng buýt” năm 2012, cho biết. |
Theo Trung Uyên / Tuổi Trẻ
Bình luận (0)