Tập đoàn BAE Systems của Anh và công ty mẹ của Airbus là EADS đang lên kế hoạch sáp nhập thành một tập đoàn công nghệ quốc phòng và hàng không vũ trụ có khả năng vượt mặt Boeing cũng như vượt qua làn sóng cắt giảm chi phí quốc phòng tại châu Âu và Mỹ. Sự kết hợp trị giá 48 tỉ USD giữa hai thế lực của EU được cho là sẽ sản sinh một đại gia hùng mạnh về sản phẩm dân sự lẫn quân sự, theo đánh giá của Công ty tư vấn Loren Thompson.
|
Reuters dẫn một số thông tin ban đầu cho biết nếu liên doanh mới được hình thành, cổ đông BAE nắm 40% cổ phần còn nhà đầu tư EADS nắm 60%. Giới chuyên gia đánh giá vụ sáp nhập sẽ giúp giảm chi phí và đơn giản hóa cấu trúc của EADS, còn BAE chuyên về quốc phòng có cơ hội tham gia lĩnh vực máy bay dân sự. Tập đoàn mới sẽ cung cấp đủ loại sản phẩm, từ máy bay dân sự Airbus lẫn máy bay vận tải quân sự A400M, đến chiến đấu cơ Tornado, tên lửa, tàu ngầm, hệ thống an ninh mạng...
|
Tuy nhiên, việc hợp nhất sẽ không dễ dàng do phải đối mặt với nhiều khó khăn về pháp lý, chính trị và an ninh. BAE và EADS là nguồn cung cấp tên lửa và vũ khí hạt nhân chủ lực cho Anh và Pháp cũng như có khách hàng trên khắp thế giới. Do đó, các bên sẽ phải tham vấn với chính phủ một số nước. Tín hiệu lạc quan ban đầu là theo Bloomberg, Lầu Năm Góc sẽ không phản đối về cuộc hợp nhất tại châu Âu, một phần do 2 tập đoàn trên khó chen chân vào thị trường Mỹ, vốn gần như dành riêng cho các nhà thầu nội địa như Boeing, Lockheed Martin và Raytheon.
Dự án tàu ngầm “khủng”
Bên cạnh đó, BAE cũng trấn an rằng kế hoạch hợp nhất với EADS sẽ không ảnh hưởng đến các dự án tàu ngầm hạt nhân quan trọng của mình. Theo BBC, tập đoàn vừa hoàn tất chiếc tàu ngầm lớp Astute thứ hai mang tên Ambush cho Anh. Trị giá 2,59 tỉ USD, Ambush được xem là dòng tàu ngầm hạt nhân hiện đại nhất thế giới, với hệ thống siêu âm phức tạp có khả năng dò tìm tàu bè trong bán kính 4.800 km. Ambush sẽ được trang bị tên lửa hành trình Tomahawk và ngư lôi hạng nặng Spearfish. Tàu đang trong giai đoạn chạy thử trước khi chính thức hoạt động vào giữa năm sau, theo Bộ Quốc phòng Anh.
Ngoài ra, Reuters dẫn thông báo từ BAE khẳng định nếu việc sáp nhập thành công thì họ vẫn sẽ nắm quyền quản lý chương trình tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Vanguard. Nằm trong chương trình vũ khí hạt nhân Trident của chính phủ Anh, lớp Vanguard gồm 4 tàu ngầm được trang bị tối đa 16 tên lửa hạt nhân Trident II và ngư lôi Spearfish.
Về lĩnh vực tàu ngầm, tại châu Âu còn có một nhà thầu khác của Pháp là DCNS, nổi tiếng với tàu ngầm chạy điện/diesel lớp Scorpene. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi Black Shark hoặc tên lửa đối hạm Exocet cùng thủy lôi các loại. Tàu lớp Scorpene hiện đang phục vụ trong biên chế của hải quân Ấn Độ, Chile và Malaysia.
Ngoài ra, còn phải kể đến xưởng đóng tàu Kockums (Thụy Điển) là nơi được Singapore chọn để nâng cấp toàn diện 2 tàu ngầm cũ của Thụy Điển thành tàu chạy điện/diesel lớp Archer, hiện thuộc hải quân đảo quốc sư tử. |
Thụy Miên
>> Nga triển khai tàu ngầm hạt nhân mới
>> Tàu ngầm hạt nhân Nga “áp sát bờ biển Mỹ” ?
>> Ấn Độ chuẩn bị chạy thử tàu ngầm hạt nhân tự tạo
>> Thủ phạm đốt tàu ngầm hạt nhân Mỹ nhận tội
Bình luận (0)