>> Rau, quả Trung Quốc ế ẩm
>> Rau quả Trung Quốc tràn chợ
Thông tin này được ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, báo cáo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát tại cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh (ATVS) nông sản và vật tư nông nghiệp diễn ra sáng qua, tại Hà Nội.
|
Gấp nhiều lần cho phép
Theo ông Hồng, từ ngày 10.8 đến 10.9, qua lấy mẫu giám sát tại các cửa khẩu, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Cục đã phát hiện 4 mẫu nho, mận và lựu nhập khẩu từ Trung Quốc vi phạm quy định về ATVS thực phẩm của Việt Nam. “Một mẫu mận tươi nhập khẩu qua cửa khẩu Lạng Sơn chứa dư lượng carbendazim. 2 mẫu nho tươi nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai có dư lượng difenoconazole và một quả lựu chứa tubeconazole và carbendazim. Mức dư lượng phát hiện được đều vượt mức dư lượng tối đa cho phép theo quy định của Việt Nam từ 1,5 - 5 lần. Chúng tôi đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và đang tăng cường kiểm soát chất lượng rau, củ quả nhập khẩu từ Trung Quốc”, ông Hồng nói.
|
Trước đó, từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, Cục Bảo vệ thực vật lấy 104 mẫu trái cây, rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác để phân tích và đã phát hiện 3 mẫu nho và khoai tây nhập khẩu của Trung Quốc có dư lượng difenoconazole và chlorpyrifos ethyl vượt 3 - 5 lần tiêu chuẩn về ATVS thực phẩm của nước ta.
“Đây là các hoạt chất có tác dụng trừ nấm, trừ bệnh cho cây trồng, dư lượng của chúng trong rau, củ, quả gây nguy cơ mất an toàn cho sức khỏe con người, ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh, chức năng của các cơ quan nội tạng như tim, gan, thận… Các chất này, theo thức ăn vào cơ thể con người, tích lũy đến một ngưỡng nào đó sẽ khiến các chứng bệnh về tim, gan, thận, hệ thần kinh bộc phát”, ông Hồng nói.
Kiểm soát nghiêm ngặt
Theo ông Hồng, tất cả những lô hàng mận, lựu, nho, khoai tây nhập khẩu từ Trung Quốc bị phát hiện chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn cho phép đều đã buộc phải tái xuất ngay tại cửa khẩu. Tuy vậy, từ thực tế nêu trên, Cục Bảo vệ thực vật đã yêu cầu lấy mẫu trên 30% đối với khoai tây, lựu, mận nhập khẩu từ Trung Quốc, thay vì chỉ lấy mẫu kiểm tra 10% các lô hàng có nguồn gốc thực vật nhập khẩu vào nội địa như trước nay. Riêng nho nhập khẩu qua cửa khẩu Lào Cai phải lấy mẫu kiểm tra 100% các lô hàng. "Các đơn vị xuất khẩu phía Trung Quốc đã chủ động lấy nho, khoai tây từ các vùng chưa có lô hàng bị cơ quan kiểm dịch Việt Nam phát hiện có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để xuất khẩu vào nước ta. Chúng tôi cũng đang thực hiện việc truy xuất nguồn gốc các loại rau củ quả của Trung Quốc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao hơn mức quy định. Thậm chí, sẽ phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản sang tận vùng sản xuất và chế biến tại nước xuất khẩu để kiểm tra chất lượng hàng hóa”, ông Hồng cho biết.
Ngoài việc kiểm tra ở cửa khẩu, ông Hồng cho biết sẽ tiếp tục lấy mẫu các loại rau, củ quả của Trung Quốc và các nước khác đang bày bán trên thị trường trong nước để xác định các mối nguy và thông báo công khai cho người dân biết để có ứng xử phù hợp.
Khó phân biệt Hiện trên thị trường bày bán nhiều loại rau, quả Trung Quốc, nhưng người tiêu dùng bằng mắt thường rất khó có thể phân biệt được đâu là nho, khoai tây… nhập khẩu từ Trung Quốc, nhất là khi người bán cố tình lập lờ về nguồn gốc. Tuy nhiên, có thể nhận dạng là mận Trung Quốc thường có hình thức bắt mắt hơn mận Việt Nam, còn lựu nhập vào nước ta chủ yếu là lựu của Trung Quốc… |
Bộ trưởng nổi cáu vì các khoản phí Tại cuộc họp nói trên 17.9, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã rất bức xúc khi đại diện Vụ Tài chính báo cáo về tình hình “lạm thu” các loại phí khiến nông dân chịu thiệt, điển hình vụ việc “1 quả trứng phải gánh 5 lần phí”… một cách chung chung, lý thuyết. “Tôi đã chỉ đạo từ tháng trước. Bộ trưởng chỉ đạo trực tiếp mà vẫn không chịu làm. Thế thì tôi họp với các anh, các chị làm gì. Các đồng chí phải đóng giả làm người đi buôn trứng thì mới ra vấn đề. Đây là việc của quốc gia, không phải việc của riêng nhà ai cả, chúng ta phải thực hiện một cách nghiêm túc. Chúng ta kiểm tra việc thu phí là để chống lạm thu và phát hiện bất cập để điều chỉnh”, ông Phát nói. Đại diện Thanh tra Bộ đứng dậy báo cáo về việc thanh tra thực thi công vụ của lực lượng thú y sau khi dư luận lên tiếng mạnh mẽ về việc cán bộ thú y bán khống giấy kiểm dịch, đưa dấu cho chủ lò mổ đóng dấu kiểm dịch… cũng bị ông Phát phê bình: “Các đồng chí đi kiểm tra về, nghe báo cáo mà tôi không thể rút ra được gì để chỉ đạo cả. Các đồng chí chỉ nói một số việc chưa tốt, nói thế là chưa đủ”. Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các cục, vụ, viện trực thuộc tiếp tục cố gắng xây dựng các văn bản pháp quy theo kế hoạch đã đề ra, lưu ý phải làm thật kỹ, đảm bảo chất lượng, rút kinh nghiệm không để xảy ra những sai sót như trong việc soạn thảo, ban hành thông tư 33 trong đó có quy định cấm bán thịt sống sau 8 giờ giết mổ, được cho là bất hợp lý, không thể triển khai thực hiện trên thực tế. “Bộ đã dừng việc thi hành các thông tư này nhưng không phải chỉ có vậy là xong. Đơn vị, cá nhân có liên quan phải kiểm điểm và chịu trách nhiệm theo đúng mức độ. Đây là trách nhiệm thi hành công vụ, đơn vị và cá nhân nào sai đến đâu sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp”, ông Phát nói. Q.D |
Quang Duẩn
Bình luận (0)