Bẻ dòng sông Đà xây khu du lịch

19/09/2012 03:20 GMT+7

Dù chưa được cấp phép, chủ đầu tư là Công ty CP Ao Vua (xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội) đã tiến hành nạo vét, bẻ dòng sông Đà để tạo cảnh quan cho dự án Khu du lịch sinh thái bãi nổi La Phù.

Bẻ dòng sông Đà xây khu du lịch
Chủ đầu tư đã nạo vét bẻ dòng chảy sông Đà khi chưa được phép - Ảnh: Thái Sơn

Dự án có diện tích gần 67 ha (50 ha thuộc Phú Thọ và 17 ha thuộc Hà Nội), nằm trọn trên một bãi nổi giữa sông Đà. Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) Phú Thọ, công trình mới triển khai được 30% khối lượng, chủ yếu là xây dựng kè chắn bao quanh, san lấp mặt bằng... Tuy nhiên, phản ánh với Thanh Niên, nhiều người dân cho biết chủ đầu tư đã sử dụng máy móc công suất lớn khai thác cát, nạo vét lòng sông suốt ngày đêm để tạo dòng chảy dù chưa có biện pháp xây dựng bờ kè chống xói lở.

Bẻ dòng trái phép

Theo người dân địa phương, bãi nổi La Phù đã hình thành từ khá lâu, trải qua nhiều đợt lũ lớn vẫn không bị ngập nước hoặc xói lở, biến dạng. Để tạo cảnh quan cho khu du lịch sinh thái, chủ đầu tư đã tiến hành nạo vét lòng sông Đà phía Phú Thọ trong nhiều tháng. Nhiều máy xúc, xe tải được huy động để khai thác, vận chuyển cát suốt ngày đêm. Mục đích của chủ đầu tư là nắn một phần dòng chảy của sông Đà men theo bờ để chia tách khu du lịch với khu dân cư.

Việc nạo vét ngay trước thời điểm mùa mưa lũ đang tới gần đã gây tâm lý lo ngại cho người dân. “Trước đây nước sông dữ lắm, đã xói mòn biết bao đất đai, hoa màu ở khu vực gần bờ. Nhưng nhiều năm nay nhờ có bãi nổi nên gần như không có dòng chảy “ăn” vào bờ, uy hiếp nhà cửa của chúng tôi nữa. Thế mà giờ đây chưa xây bờ kè kiên cố họ đã vội vàng đào bới, dẫn dòng chảy vào sát khu dân cư thì ai mà chả sợ”, anh Nguyễn Long (xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy) nói.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Quốc Bình, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Thọ, cho biết đã cùng chính quyền địa phương đình chỉ, lập biên bản việc nạo vét lòng sông trái phép của Công ty Ao Vua. Theo ông Bình, UBND tỉnh Phú Thọ mới chỉ đồng ý về nguyên tắc cho phép công ty này được nạo vét 2 km lòng sông với chiều sâu từ 1-7 m, rộng 56-110 m (tổng diện tích 28 ha) theo bờ sông để tạo cảnh quan.

Trước khi nạo vét, Công ty CP Ao Vua phải hoàn thiện các thủ tục đề nghị cơ quan chức năng tiến hành thu hồi đất và giao đất theo quy định; lập phương án nạo vét lạch sông cũng như xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường, gửi cơ quan chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt. Đồng thời phải xây dựng hệ thống bờ kè kiên cố nhằm tránh xảy ra hiện tượng xói lở, gây ảnh hưởng tới hàng trăm người dân sống ven bờ. “UBND tỉnh mới đồng ý về mặt chủ trương nhưng họ đã tự động nạo vét như thế là sai quy định”, ông Bình nói.

Vậy khối lượng đất cát đã khai thác trái phép là bao nhiêu và tỉnh Phú Thọ có lập biên bản xử phạt chủ đầu tư, yêu cầu hoàn trả mặt bằng? Trả lời câu hỏi của Thanh Niên, ông Hà Kế San, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, nói phải tiến hành khảo sát, đánh giá mới biết được.

Lo ngại ô nhiễm

 

Chủ đầu tư bị kiện

Công ty CP Ao Vua đã xin phép xây dựng một chiếc cầu bê tông nối từ bãi nổi vào đê bờ tả. Trong quá trình thi công ép cọc, nhiều nhà dân lân cận bị nứt. Người dân đồng loạt làm đơn tố giác, đòi bồi thường thiệt hại. Sau nhiều lần hòa giải, thỏa thuận không thành công, gần chục hộ dân đã làm đơn nhờ TAND huyện Thanh Thủy phân xử.

Nhiều người dân thị trấn Thanh Thủy lo ngại việc nắn dòng sông sẽ gây xói lở vào bờ tả mà đây cũng chính là đê chắn lũ. Theo ông Lê Thế Vang, Phó giám đốc  Sở KH-ĐT Phú Thọ, năm 2007 Công ty Ao Vua có văn bản đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ cho phép nghiên cứu bãi nổi La Phù để thực hiện dự án xây dựng khu du lịch. “Qua văn bản của các bộ cũng như nghiên cứu của các cơ quan tỉnh Phú Thọ, chúng tôi thấy rằng việc triển khai xây dựng dự án không ảnh hưởng tới dòng chảy, hành lang thoát lũ trên sông Đà nên đã chấp thuận cấp phép đầu tư”, ông Vang nói.

Ông Trần Quốc Bình cho biết bức tường bao quanh khu du lịch được xây dựng cách khu vực đê tránh lũ 500 - 700 m. Sở NN-PTNT Phú Thọ cũng đã tính toán, khảo sát dựa trên mô hình thủy lực và thấy rằng việc xây dựng khu du lịch trên sông Đà sẽ không ảnh hưởng tới dòng chảy của sông. Khi các bức tường được dựng lên, nếu có nước lớn sẽ tạo thành dòng chảy mạnh hướng về phía Ba Vì, Hà Nội. “Hà Nội cũng đã có văn bản đồng ý cho phép thực hiện dự án, có nghĩa là họ đã có đánh giá về việc dòng nước chảy về địa phận của họ cũng sẽ không gây xói lở, nguy hiểm gì”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên - Môi trường) đã yêu cầu chủ đầu tư phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tổ chức thi công phù hợp để hạn chế tối đa tác động xấu đến chất lượng nước sông Đà. Theo PGS-TS Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, bên cạnh việc đánh giá về khả năng chống chịu lũ, cơ quan chức năng cần có đánh giá tác động môi trường của dự án một cách nghiêm túc.

Ông Trần Văn Cừu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, cho biết sẽ yêu cầu kiểm tra việc Công ty Ao Vua nạo vét có gây ảnh hưởng tới dòng chảy chính của sông Đà hay không.

Thái Sơn - Thế Văn

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.