Theo tờ Wall Street Journal, vòng ứng phó đầu tiên của Nhật vẫn chỉ là một tàu tuần duyên nhỏ không có quyền hạn trục xuất tàu nước ngoài. Tình hình này làm dấy lên những lời kêu gọi từ các chính trị gia Nhật đề nghị chính phủ tăng cường năng lực phòng thủ trong khu vực.
Mức độ phòng thủ của Nhật được nêu ra sau khi có tin cho hay gần 1.000 tàu cá Trung Quốc có thể tiến đến vùng biển gần quần đảo tranh chấp giữa hai nước.
Theo các quan chức Nhật, các tàu cá Trung Quốc vẫn chưa thấy xuất hiện tại vùng biển gần quần đảo vào đêm 18.9 dù 11 tàu công vụ Trung Quốc đã đến khu vực trước đó.
Các tàu công vụ Trung Quốc đã đến vùng tiếp giáp lãnh hải xung quanh quần đảo và có ba chiếc trong số đó đã tiến vào lãnh hải trong khoảng thời gian ngắn.
|
Trong hôm 18.9, hai công dân Nhật đã đổ bộ lên một hòn đảo thuộc quần đảo sau đó rời đi trước yêu cầu của tuần duyên Nhật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã gọi đây là “hành động khiêu khích”, và bóng gió về các biện pháp trả đũa khác.
Làn sóng tranh luận
Viễn cảnh đối đầu ở tầm thấp trong một thời gian dài với nhiều tàu cá Trung Quốc đã làm dấy lên các cuộc tranh luận ở Nhật về cách thức đối phó với tình huống này. Vụ một tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần duyên Nhật vào năm 2010 từng gây ra đấu khẩu kịch liệt giữa hai quốc gia.
Theo tờ Wall Street Journal, đơn vị tuần duyên Nhật phụ trách khu vực Senkaku/Điếu Ngư chỉ có 9 tàu tuần tra và 10 tàu nhỏ hơn, khó lòng đối phó với hàng trăm tàu cá Trung Quốc.
Tại Tokyo, các quan chức hàng đầu của chính phủ Nhật đã họp khẩn vào hôm 18.9 để thảo luận về cách ứng phó với tình trạng căng thẳng gia tăng tại các thành phố Trung Quốc và cả ở ngoài biển.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Osamu Fujimura, dẫn lời Thủ tướng Yoshihiko Noda nói: “Chúng tôi sẽ cảnh giác và thực hiện mọi biện pháp có thể”.
Ông Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng hiện tranh cử chức chủ tịch đảng Dân chủ Tự do đối lập, tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 17.9: “Chúng ta cần phải tăng cường răn đe, có thể bằng cách cân nhắc phối hợp giữa Lực lượng Tuần duyên và Lực lượng Phòng vệ trên biển”.
Theo tờ Wall Street Journal, kế hoạch này có thể được Bắc Kinh xem là hành động đẩy tình thế vào cuộc đối đầu quân sự và có thể khiến quân đội Trung Quốc phản ứng.
Ông Fujimura đã phủ nhận các tường thuật của báo chí Nhật về việc Bộ Quốc phòng nước này đặt Lực lượng Phòng vệ trên biển vào tình trạng báo động trước đợt đổ xô đến Senkaku/Điếu Ngư của các tàu cá Trung Quốc.
Ông Fujimura nói tuần duyên và cảnh sát vẫn là lực lượng phản ứng đầu tiên trong khu vực dù việc xem xét vấn đề an ninh lãnh thổ là một ý tưởng tốt.
Một người phát ngôn của Lực lượng Phòng vệ trên biển cho biết máy bay của họ đã thực hiện việc tuần tra thông thường trên biển Hoa Đông vào hôm 18.9 để theo dõi lưu thông hàng hải song không nhận thấy vấn đề báo động nào.
“Theo chúng tôi biết thì đây không phải là tình huống cần đến hành động của chúng tôi”, ông này nói.
Kể từ vụ đâm tàu năm 2010, Tokyo đã tiến hành nâng cấp Lực lượng Tuần duyên, bổ sung một đội tàu tuần tra nhỏ để đối phó với các tàu cá và củng cố khả năng tuần tra đêm, theo người phát ngôn của Lực lượng Tuần duyên.
Tuy nhiên, tuần duyên Nhật vẫn thiếu quyền hạn trục xuất tàu nước ngoài xâm nhập lãnh hải bằng vũ lực. Về mặt chính thức, tuần duyên Nhật chỉ có thể yêu cầu tàu nước ngoài rời đi và khám xét tàu nếu họ từ chối tuân lệnh.
Một số người ở Nhật đã kêu gọi gỡ bỏ rào cản quyền hạn với tuần duyên. Trong một bài bình luận gần đây, tờ nhật báo thuộc phái bảo thủ Sankei Shimbun thúc giục thực hiện điều này, viện đến viễn cảnh “các tàu tuần tra Trung Quốc kèm theo một đội tàu cá ùa đến vùng biển xung quanh Senkaku”.
Sơn Duân
>> Người biểu tình Trung Quốc đập xe đại sứ Mỹ
>> 11 tàu công vụ Trung Quốc đến Senkaku/Điếu Ngư
>> Hai người Nhật đổ bộ lên đảo tranh chấp với Trung Quốc
>> Mỹ-Trung Quốc tập trận chống hải tặc
>> Trung Quốc xua 1.000 tàu cá đến đảo tranh chấp
>> Nhật tăng cường ứng phó Trung Quốc
Bình luận (0)