Y tế trong trường học có cũng như không

19/09/2012 03:45 GMT+7

Dù đa phần trường học và ký túc xá đều có phòng y tế nhưng xem ra hoạt động cho có chứ chưa mấy quan tâm đến nhu cầu có thực của học sinh - sinh viên (SV).

Y tế trong trường học có cũng như không
Mặc dù còn trong giờ hành chính nhưng trạm y tế Trường ĐH Nông Lâm đã khóa cửa - Ảnh: Lê Thanh

Cửa đóng then cài

Chúng tôi đến trạm y tế của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM vào lúc 15 giờ 30 ngày 11.9. Dù vẫn còn trong giờ hành chính nhưng cửa khóa then cài. Ghé qua phòng cấp cứu, gõ cửa nhưng chẳng thấy ai lên tiếng. Nếu chẳng may vào thời điểm đó có SV bị cấp cứu đưa đến trạm thì không biết phải kêu ai, vì ngay tại đây không có bất kỳ một thông tin hay số điện thoại nào để SV liên lạc.

Nguyễn Thị Vân Anh (SV năm 2, Khoa Quản lý đất đai) cho biết: “Lần nào bị nhức đầu, cảm cúm đến trạm y tế xin thuốc uống cũng thấy khóa cửa cả”. Theo các SV, trường hợp có bác sĩ trực thì cũng khám rất sơ sài, qua loa. Lê Mỹ Ngọc (SV năm 2) nhớ lại: “Khoảng tháng 10 hay tháng 11 năm ngoái, một bạn học chung lớp của mình bị đau bụng. Bạn bè chuyển xuống trạm y tế, có y bác sĩ khám qua loa rồi cho nằm ở đó, không thấy họ nói gì cũng không làm giấy chuyển viện. Thấy nhỏ bạn đau quá nên bạn bè chở nó qua Bệnh viện đa khoa Thủ Đức”.  

Hàng chục năm nay, ký túc xá Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nơi có khoảng 1.500 SV ở nội trú, không có trạm y tế để phục vụ SV. Nguyễn Thị Thu Hồng (SV năm 4, Khoa Địa lý) bức xúc: “Mong ước của hầu hết SV trong khu nội trú là sớm có trạm y tế. Mình luôn có ý kiến cần xây dựng một trạm y tế, nhưng dường như những kiến nghị của SV không “đủ đô”, nên nó đã bị rơi vào quên lãng”.

Ký túc xá ĐH Ngân hàng TP.HCM hiện có 3.000 SV nội trú nhưng trạm y tế cũng không có người trực 24/24 giờ.

Phòng đa năng

 

Quy định mỗi trường ít nhất một cán bộ y tế

Thông tư 35 liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về việc định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập cho phép mỗi trường được một nhân viên y tế học đường.

Năm 2007, văn bản hoạt động y tế trong nhà trường của Bộ GD-ĐT quy định trình độ của cán bộ làm công tác y tế trường học từ trung cấp y trở lên…

Cán bộ làm kiêm nhiệm công tác y tế trường học phải được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác y tế trường học.

B.T

Không riêng gì ĐH, các học sinh phổ thông cũng học tập trong môi trường thiếu hụt điều kiện chăm lo sức khỏe. Theo thống kê và nhận định của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay 100% trường học đều có phòng y tế hoặc góc y tế nhưng nhiều năm qua không thể hiện được vai trò của mình. 

Đến Trường tiểu học Phan Văn Trị (Q.1), nhìn khắp 2 dãy nhà, chúng tôi chỉ thấy bảng gắn tên các lớp học, phòng chức năng, thư viện văn phòng. Vô tình bước vào phòng chuyên môn, nhìn sâu vào trong mới thấy phòng y tế! Một phụ huynh lớp 2 của trường này cho hay: “Tôi chả biết phòng y tế nằm ở chỗ nào, khi con bị bệnh, tôi cho thuốc vào cặp và dặn cháu uống sau bữa ăn, vậy thôi”.

Còn tại một trường mầm non khá nổi tiếng tại Q.5, phòng y tế nằm lọt thỏm trong văn phòng và dường như chỉ có chức năng chứa đồ. Phụ huynh nhóm lớp nhà trẻ của trường này phản ánh: “Có hôm cô giáo của con tôi điện thoại báo cháu ngủ dậy thì có hiện tượng mệt, nôn, gọi tôi đến đón cháu về để cho đi khám bệnh. Khi tôi đến thì thấy cháu ngồi trong lớp chờ mẹ mà không hề thấy nhân viên y tế của trường”. Phụ huynh này cho rằng: “Những lúc như vậy rất cần nhân viên y tế ở bên cạnh phòng khi cháu xảy ra điều gì bất thường”.

Hằng ngày, khi vui chơi, hoạt động trong trường học, học sinh không tránh khỏi tai nạn dù nhẹ hay nặng. Thế nhưng một học sinh lớp 7 tại Q.1 cho biết: “Dù phòng y tế có nhân viên nhưng khi tụi em bị chảy máu, chạy vào phòng y tế thì cô đưa cho chai ô xy già kêu tự rửa vết thương”.

Mặc dù được bố trí phòng và bàn ghế, tủ thuốc, giường bệnh nhưng phòng y tế Trường tiểu học Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình) cũng được dùng làm nơi thu học phí, tiền ăn… vào mỗi đầu tháng.

Lê Thanh - Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.