Chim trời đe dọa an ninh hàng không

20/09/2012 14:47 GMT+7

(TNO) Tại “Hội nghị nhóm công tác Hợp tác Hàng không Hoa Kỳ-Việt Nam” diễn ra ngày 20.9 tại TP.HCM, ông James White đến từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết chim trời là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh hàng không.

Mỗi năm, những chú chim trời gây tổn thất cho các hãng hàng không trên thế giới nhiều triệu USD, thậm chí cả tỉ USD.

Ông James White cho biết, số lượng chim trời tại Mỹ tăng mạnh qua từng năm chính là hiểm họa tiềm năng đối với các chuyến bay.

Nếu như năm 1990, tại Mỹ có khoảng 1.700 vụ chim trời va chạm với máy bay, thì trong năm 2011, con số này lên đến hơn 8.000 vụ.

 
Va chạm giữa máy bay và chim thường xảy ra ở thời điểm cất cánh, hạ cánh - Ảnh: Đình Quân

Theo thống kê của FAA, trong 19 năm qua, có hơn 108.000 trường hợp chim đâm vào máy bay tại Mỹ.

Trong các loại chim trời thì ngỗng Canada là thủ phạm tấn công máy bay nhiều nhất. Theo các nghiên cứu, khi bay trên trời, loài ngỗng này coi máy bay là kẻ thù tiềm năng.

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên Online, ông Lại Xuân Thanh - Cục phó Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV) - cho biết, số vụ máy bay va chạm với chim trời trong thời gian gần đây tăng cao, tập trung ở sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Cần Thơ, khiến nhà chức trách hết sức lo lắng.

Ông Thanh cho biết với đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa nên Việt Nam được coi là môi trường thuận lợi để chim chóc sinh sôi, nảy nở, do đó có trường hợp máy bay va vào những loại chim rất to, nặng gần ký (kg).

Có thời điểm, theo thống kê của Hãng hàng không Jetstar Pacific (JP), trung bình chim trời va đập với máy bay một lần/tháng. Thậm chí, có vụ va đập, chim trời khiến JP tốn một triệu USD để sửa chữa động cơ và các chi phí phát sinh khác.

Còn với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA), chuyện máy bay va đập với chim trời không phải là hiếm.

Ông Mai Trọng Tuấn, cựu phi công của VNA, cho hay phần lớn vụ va chạm xảy ra khi máy bay ở gần mặt đất, thời điểm cất cánh hoặc hạ cánh.

Va chạm giữa chim trời và “chim sắt” có thể biến thành tai nạn nghiêm trọng nếu thân của con chim lớn, bị hút vào động cơ phản lực. Chênh lệch tốc độ giữa máy bay và chim càng lớn thì tác động của vụ va chạm đối với máy bay càng đáng sợ, ông Tuấn cho biết.

Gần đây, tuân thủ quy định an toàn mà Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đưa ra, CAAV đã đưa ra nhiều chương trình ngăn chăn máy bay va với chim trời.

Theo đó, nhà chức trách đã tiến hành thu thập số liệu tại sân bay liên quan về chim như số lượng, chủng loài, tầng bay, loại thức ăn, mua di cư để từ đó đưa ra các biện pháp xua đuổi, phòng tránh.

Phát triển đội bay lên 150 chiếc vào năm 2015

Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết, thị trường hàng không Việt Nam rất tiềm năng khi tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 15% ở lĩnh vực vận chuyển hành khách, 12% ở lĩnh vực vận chuyển hàng hóa.

Hiện có 46 hãng hàng không nước ngoài đang khai thác 54 đường bay quốc tế đến Việt Nam. Ngoài ra, 5 hãng hàng không trong nước cũng đang mở đường bay quốc tế đến 15 quốc gia khác.

Dự kiến, đến năm 2015, toàn ngành hàng không Việt Nam sẽ phát triển đội bay lên 150 chiếc.

Ông Tiêu cho biết, do có sự tăng trưởng nhanh chóng như vậy nên việc đào tạo nguồn lực cho ngành hàng không là điều cần thiết, nhất là chú trọng phát triển nhân sự để đảm bảo an ninh hàng không.

 Trung Hiếu

>> Nhật Bản: Sự cố máy bay mất bánh
>> Tai nạn máy bay tại Nigeria, 193 người chết
>> Nghi vấn phi công trong tai nạn máy bay Ba Lan
>> Những vụ tai nạn máy bay thảm khốc
>> Bộ trưởng Nội vụ Philippines mất tích sau tai nạn máy bay
>> Khuyến mãi kèm quảng bá hàng không phép
>> Hàng không Đức đình trệ vì bãi công
>> Hãng hàng không hỏi vay tiền khách để mua nhiên liệu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.