Đại úy Phùng Văn Uẩn, Trưởng trạm ra đa 570, cho biết: “Nơi đây, nắng rát mặt, gió thổi đến thối phổi gà. Từ đầu năm đến nay, trên đỉnh Bình Ba chưa có trận mưa nào. Có nhiều khi, nhìn về phía xa xa thấy mưa lớn, nhưng đợi mãi mà mưa vẫn không qua đến bên này”. Nghe xong lời tâm sự của đại úy Uẩn, chúng tôi nhìn quanh trạm, thấy một vạt rừng héo úa, khô khốc mới hiểu cái nắng hạn đã hiện hữu nơi đây từ lâu lắm.
Mỗi năm mưa trên trạm ra đa này chỉ đếm trên đầu bàn tay, chính vì thế, những ngày mưa đối với lính đảo chẳng khác gì ngày hội. Trời mưa, lính đảo tranh thủ hứng nước dự trữ trong những lu chứa có viết dòng chữ “Nước là máu” bên ngoài để nhắc nhở nhau phải tiết kiệm nước. Mưa ít, nhưng sấm chớp lại nhiều. Trung úy Ngô Minh Phúc, chính trị viên của trạm, nói: “Trạm đóng trên đỉnh núi cao nên chịu ảnh hưởng mạnh của sét, nhiều hôm sét đánh nghe đinh tai nhức óc. Những lúc như thế, anh em không chỉ đảm bảo an toàn tính mạng cho người mà còn cho cả khí tài để phục vụ nhiệm vụ quan sát phát hiện các mục tiêu trên biển và không phận tầm thấp”.
Thiếu úy Đặng Hồng Xuân, Phó trạm trưởng Trạm ra đa 570, nói vui nhưng rất thật rằng: “Công tác trong ngành ra đa nên cơ hội để tiếp cận với phụ nữ của anh em rất khó khăn, mặt khác nhiều anh lính mới ngoài 30 mà tóc đã lấm tấm bạc, xoăn lại, nhìn già hơn tuổi, khó “tán gái” lắm”. Đúng như lời thiếu úy Xuân, ở trạm này, hầu hết ai cũng ngoài 30 mới tính chuyện lập gia đình.
Đại úy Lê Văn Thành (38 tuổi, quê H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) là người đã gần 20 năm công tác trong ngành ra đa cũng mới lập gia đình được 3 năm nay. Anh Thành từng công tác tại nhiều trạm ra đa, nhưng thừa nhận nơi đây vẫn là khắc nghiệt hơn cả. Khó khăn nhất là nước ngọt.
Trên trạm quan sát không có nước, hằng ngày các anh phải đi bộ 2,5 km xuống phía chân núi để tắm, rồi tiện thể cõng nước lên nấu ăn. Nhiều người lính nói: “Tắm xong đi lên đến nơi thì người cũng như chưa tắm vậy”. Bây giờ đã có đường bê tông trải dài từ chân núi lên đến đỉnh nên thuận tiện hơn nhiều cho việc đi lại của lính biển, chứ trước kia toàn phải đi đường mòn, cây rừng um tùm, mất 1 tiếng đồng hồ đi mới đến nơi.
Khó khăn không thể kể hết, nhưng bù lại tạo hóa đã ưu ái cho các anh khi phong cảnh biển cả quanh núi non như một bức tranh thủy mặc, hiếm nơi nào có được. Vượt qua mọi gian khổ, những người lính trạm ra đa luôn tự hào mình là “mắt thần của biển”, mặc dù ở trong đất liền, nhưng mắt các anh luôn hướng về phía biển, trông coi vùng biển của Tổ quốc.
Nguyễn Chung
>> Lính biên phòng xuống đồng cùng dân
>> Pakistan phóng thích 3 lính biên phòng Iran
>> Lính biên phòng dạy tiếng Mông
>> Lính biển trên đỉnh Chóp Chài
>> Lung linh biển chào mừng Festival biển Bà Rịa - Vũng Tàu 2006
Bình luận (0)