Chợ được xây dựng trên diện tích 1,8 ha, gồm 113 quầy, sạp với tổng vốn 14 tỉ đồng do Ban Quản lý (BQL) chợ Đà Lạt làm chủ đầu tư, bà con tiểu thương góp vốn xây dựng quầy sạp (được cấp quyền sử dụng đất trong 25 năm); kỳ vọng sẽ có vài trăm tấn rau quả lưu thông qua chợ này mỗi ngày…
|
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Hiền, Tổ phó Tổ quản lý chợ nông sản Đà Lạt (thuộc BQL chợ Đà Lạt) thì “ban đầu hoạt động của chợ còn tạm được nhưng hiện nay ế ẩm và đìu hiu; mỗi ngày chỉ có khoảng 20 - 30 tấn rau lưu thông qua đây. Nhiều quầy đã nghỉ buôn bán, thậm chí tìm người sang nhượng lại nhưng vẫn không được đành đóng cửa”. Ông Đặng Mậu Nhi, Phó trưởng BQL chợ Đà Lạt cho biết thêm: “Hiện, tại chợ nông sản chỉ có 60 quầy, sạp đang hoạt động thường xuyên, còn lại phần lớn đóng cửa, thi thoảng mới hoạt động”. Bà Vũ Thị Hiền, một chủ quầy rau ở đây cho hay: “Tôi đầu tư đất và quầy sạp hết 120 triệu đồng, chưa tính tiền điện nước, mỗi tháng đóng các loại thuế, phí hết 600.000 đồng nhưng kinh doanh chẳng được bao nhiêu; hằng ngày mua bán chỉ được 300 - 400 kg rau các loại, chưa bằng một nửa so với ở chợ tạm trước đó”.
Cũng theo ông Nhi, hiện ở Đà Lạt có nhiều vựa rau tư nhân, họ có điều kiện về đất đai, vốn, nguồn hàng, đầu mối khắp nơi nên tự đóng hàng đưa đi tiêu thụ; những người vào chợ phần lớn là ít vốn và mối lái. Hơn nữa, đa phần nhà vườn ở Đà Lạt đã chuyển về các huyện Đơn Dương, Đức Trọng sản xuất nên các chủ vựa về đó lấy hàng, còn ở đây nguồn hàng không tập trung, nhà xe phải chạy lòng vòng, lấy mỗi nơi một ít, tốn thời gian, nhiên liệu nên họ ít vào chợ. “Hiện BQL chợ đang tính đến việc đề nghị chuyển mục đích sang làm chợ thương mại bình thường, chứ với tình trạng này, chợ nông sản sẽ khó hoạt động hiệu quả”, ông Nhi nói.
Gia Bình
>> Công bố nhãn hiệu chứng nhận “Rau Đà Lạt”
>> Rau Đà Lạt tăng giá chóng mặt
>> Rau Đà Lạt lại rớt giá
>> Rau Đà Lạt khan hiếm - giá tăng cao
Bình luận (0)