TP.HCM: Nhiều nơi còn “khát”

22/09/2012 03:40 GMT+7

"Mang tiếng là dân của một đô thị lớn như TP.HCM mà đã mấy chục năm qua chúng tôi vẫn chưa có nước máy để dùng...".


Nhiều hộ dân ở TP.HCM vẫn phải mua từng bình nước về dùng - Ảnh: Diệp Đức Minh
Nhiều hộ dân ở TP.HCM vẫn phải mua từng bình nước về dùng - Ảnh: Diệp Đức Minh

Mòn mỏi

Trên đây là tâm sự của một người dân ở hẻm 76 đường Nguyễn Sơn, con đường nhộn nhịp, sầm uất nhất nhì Q.Tân Phú. Ở đây, gần như mọi nhà đều phải khoan giếng để lấy nước sử dụng. Những giếng khoan sâu như nhà chị Thảo, nước trong, không có mùi, còn những giếng cạn đều bị nhiễm phèn, có khi còn có mùi hôi tanh của nước cống.

Anh Sơn, nhà trong hẻm, cho biết: "Thấy ngoài đường lớn đã lắp đặt đường ống cấp nước, mừng và nghĩ bụng nay mai nước máy sẽ vào trong hẻm, đến từng nhà. Nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy công ty cấp nước kéo đường ống vào hẻm, tôi đành phải bỏ ra 3,5 triệu đồng để mua bình lọc về lọc nước giếng dùng đỡ trong thời gian chờ đợi... Nước giếng chỉ dám để tắm giặt thôi, còn nước ăn uống đều phải mua từng bình".

 

Nước giếng chỉ dám dùng để tắm giặt thôi, còn nước ăn uống đều phải mua từng bình 

 Anh Sơn, Q.Tân Phú

Ở khu phố 5, phường Tân Hưng, Q.7, suốt 12 năm qua chưa có đường ống cung cấp nước sinh hoạt do bị quy hoạch. Trong khi đó, người dân ở khu phố 1, phường Tân Phú, Q.9 hiện phải dùng nước giếng khoan, mà khu vực xung quanh lại là nghĩa trang, nên nỗi lo lắng nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe luôn ám ảnh họ. Khu phố 4, phường Sơn Kỳ, Q.Tân Phú cũng chưa có đường ống cấp nước đến nhà dân.

Ở ngoại thành, nhất là ở những nơi không khoan được giếng như Bình Chánh, Nhà Bè thì càng vất vả chuyện nước. Người dân ấp 4 xã Hiệp Phước huyện Nhà Bè cho biết nước sinh hoạt rất khan hiếm, phải đổi với giá cao. Theo ghi nhận của Thanh Niên, dọc đường Nguyễn Bình (ấp 1, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) hướng từ đường Nguyễn Hữu Thọ đến cầu Bà Chiêm 1, hàng trăm hộ dân phía bên trái đến nay vẫn khổ sở do không có nước máy.

Hằng ngày, người dân phải đi mua nước với giá cao, nhiều hộ gia cảnh quá khó khăn đành dùng nước giếng khoan. Trong khi đó, ngay bên kia đường Nguyễn Bình thì toàn bộ các hộ dân đã có nước máy từ trước Tết Nguyên đán vừa rồi. Tương tự, đường Nguyễn Văn Tạo hướng từ cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, dãy nhà bên phải đã có nước máy từ trước tết, bên trái hiện vẫn đang khát.

Tìm đâu ra 68.000 tỉ đồng ?

Thiếu vốn là nguyên nhân chính của tình trạng trên. Ông Quách Trọng Lượng, Trưởng phòng Kế hoạch - Đầu tư Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), cho biết theo quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2025, để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn thành phố, Sawaco phải đầu tư lên đến 68.000 tỉ đồng. Vốn tự có không đủ để phát triển mà việc vay ngân hàng lại càng bế tắc do ngân hàng không chịu cho thế chấp công trình hay tài sản mạng cấp nước. Hơn nữa, vay ngân hàng thương mại thì không thể trả nổi lãi vay.

Lâu nay Sawaco phải tìm kiếm các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) hoặc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) với lãi suất vay thấp, hoặc từ ngân sách thành phố cho các dự án xây dựng các tuyến ống truyền tải và cấp 1 lớn. Còn các tuyến ống nhỏ hơn mới đầu tư từ nguồn vốn tự có hoặc kêu gọi hợp tác đầu tư. Một giải pháp khác cho bài toàn vốn là phối hợp và bàn bạc với chính quyền địa phương để huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương cũng như từ nhân dân để đầu tư phát triển mạng cấp 3 và gắn mới đồng hồ nước.

Còn có nhiều vướng mắc khác như việc tìm khoảng trống để bố trí tuyến ống, nhất là trong khu vực nội thành rất khó khăn vì vỉa hè quá chật hẹp. Việc thỏa thuận hướng tuyến (vị trí đặt ống) với Sở Giao thông vận tải cũng mất rất nhiều thời gian, đôi khi không thỏa thuận được do yêu cầu phải bố trí ống cấp nước trên vỉa hè, không cho đặt xuống lòng đường.

Giá trị của thỏa thuận hướng tuyến chỉ có thời hạn 12 tháng (dự án cấp C) hoặc 18 tháng (cấp B), trong khi việc hoàn chỉnh, thiết kế dự toán trình phê duyệt, đấu thầu chọn nhà thầu xây lắp và ký kết hợp đồng thường kéo dài hơn thời hạn trên nên đến lúc có thể đào đường để đặt ống thì lại phải thỏa thuận lại hướng tuyến mới được cấp phép. Những vướng mắc đó đã làm chậm trễ tiến độ của nhiều dự án cấp nước hiện nay.

Ý kiến

Tiến sĩ Ngô Hoàng Văn, Phó chủ tịch Hội Nước và môi trường TP.HCM: Ngành cấp nước TP phát triển chậm chứng tỏ trình độ quản lý trong lĩnh vực này chưa đạt đến tầm. Tỷ lệ thất thoát nước ở TP.HCM là 38,5%, đứng đầu bảng trong khu vực Nam bộ, chứng tỏ năng lực quản lý đường ống kém.

Ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên UBMTTQ Việt Nam TP.HCM, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TP.HCM: Nếu xếp theo thứ tự ưu tiên giải quyết những vấn đề có liên quan đến đời sống dân sinh, thì ưu tiên số 1 là cấp nước; ưu tiên thứ hai cũng là cấp nước và ưu tiên thứ ba vẫn là cấp nước. 100% hộ dân tại TP.HCM phải được cấp nước sạch đến tận nhà. Nếu ngành cấp nước thiếu vốn đầu tư thì chính quyền thành phố cần có cơ chế, chính sách để giải quyết sớm việc này.

Mai Vọng - Nguyễn Đình Mười

>> Hàng ngàn hộ dân “khát” nước sạch
>> Phố không nước sạch
>> 40.000 hộ dân sống dở chết dở vì thiếu nước sạch
>> Sống không nước sạch
>> Nước sạch chảy ngập đường
>> Học cách tiết kiệm nước sạch
>> Khu tái định cư khát nước sạch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.