Cầu trường sinh tử
Bóng đá có lẽ là niềm đam mê lớn nhất của dân Mexico. Một tờ báo nước này từng viết: “Trong năm vừa qua, GDP giảm 10%, kiều hối mất 20 tỉ, ngành du lịch đang trên bờ phá sản. Và... tồi tệ hơn nữa, bóng đá nước ta đang đứng hạng 4 đã bị tụt xuống 33 trên thế giới”.
Trong khi bóng đá chỉ mới bắt đầu tại Anh vào giữa thế kỷ 19, thì trước đó hơn 3.000 năm, chơi bóng đã là môn thể thao rất phổ biến của người Mexico. Tuy nhiên, nếu những trận bóng bình thường, thắng thua được phân định bởi một số tiền thưởng thì tại Mexico, kẻ thua cuộc phải trả bằng chính mạng sống của mình...
|
Sân banh lớn nhất châu Mỹ thời bấy giờ (70 m x 168 m) nằm tại Chichen Itza. Tôi đứng im lặng, tưởng tượng về những trận bóng sinh tử ngày xưa... Hai đội (từ hai đến bốn thành viên/đội), bằng cái hông của mình, phải tìm cách đưa trái banh cao su (nặng từ 3-4 kg) vào một vòng tròn đá treo cao 6 m trên bờ tường.
Hai đội tượng trưng cho sự đối đầu giữa thần trên trời và thần dưới lòng đất, trái banh tượng trưng cho mặt trời. Theo tạp chí National Geographic, đội trưởng của đội thua sẽ bị giết và đầu của họ có thể sẽ được bọc lớp cao su khác để làm bóng cho trận tiếp theo. Máu của họ sẽ được hiến cho thần linh để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Xung quanh chẳng có ai ngoài tôi và người hướng dẫn nhưng vẫn nghe văng vẳng bên tai có tiếng người. Tiếng nói của hồn ma ngày xưa? Tôi chột dạ. Chàng hướng dẫn chỉ tay về nhóm du khách phía cuối sân bóng: “Họ nói đấy!”. Thật đáng kinh ngạc về trình độ xử lý âm thanh của người Maya trong các công trình kiến trúc. Chiều dài sân bóng là 168 m, nhưng đầu này vẫn có thể nghe được những tiếng nói chuyện thì thầm ở đầu kia.
|
Công trình nổi bật ở Chichen Itza là kim tự tháp bậc thang El Castillo, cao 25 m, được xây để quan sát thiên văn và tế lễ. Đây là đài thiên văn cổ nhất của người Maya. Không đồ sộ như các kim tự tháp Ai Cập, nhưng El Castillo của người Maya vẫn nổi tiếng không kém vì những bí ẩn của nó làm kinh ngạc giới khoa học. Làm cách nào mà từ cả ngàn năm, bằng đài thiên văn, người Maya có thể tính được một năm có 365 ngày, chu kỳ sao Kim xoay quanh mặt trời là 584 ngày (khoa học hiện đại tính là 583,92 ngày)?
|
Có lẽ vì vậy mà kim tự tháp El Castillo được nhiều người ghé thăm nhất. Du khách đứng tập trung quanh đấy, ngắm nhìn và đặt câu hỏi với hướng dẫn viên mong tìm được câu trả lời cho chính mình. Những tràng pháo tay cứ rộ lên không ngớt. Vỗ tay tán thưởng? Không. Du khách vỗ tay để thử nghiệm một điều thú vị khác từ công trình này. Đứng giữa trời trống vậy mà vỗ tay một cái, tiếng vọng lại sẽ là một tiếng ríu rít như chim hót. Người hướng dẫn nói đó là tiếng của Quetzal - một loài chim linh thiêng của người Maya.
Đứng trước kim tự tháp El Castillo, thoạt nhìn, như nhiều du khách, tôi thắc mắc chỉ cần một lối lên đỉnh đền là đủ, sao người Maya lại xây đến 4? “Người Maya có lý do của họ. 4 lối lên, mỗi lối 91 bậc thang, cùng với đỉnh tháp trên cùng sẽ là (91x4) + 1 = 365, tương đương với số ngày trong năm. Anh hướng dẫn nói thêm: “Vào buổi chiều ngày xuân phân (19-21.3) và thu phân (22-24.9) hằng năm, hàng ngàn người đổ về đây để xem bóng của kim tự tháp đổ xuống lối lên tạo thành hình con rắn thần đang trườn từ đỉnh tháp xuống”.
Trước đây, du khách được leo tận đỉnh tháp để chiêm ngưỡng, nhưng từ năm 2006, chính quyền đã cấm hẳn vì một phụ nữ Mỹ đã ngã chết tại đây. Đành vậy...
Phía sau hào quang
Đến Chichen Itza, lẫn trong dòng khách du lịch hớn hở nườm nượp đổ về còn có những chiếc bóng lặng lẽ, cam chịu. Đó là những anh chàng đội mũ quả ớt Sombrero truyền thống của người Mexico bán những chiếc mặt nạ rẻ tiền bằng đất nung. Là những cô gái mặc váy thêu huipils (rất phổ biến từ thời Maya) bán bưu ảnh. Hay những tấm lưng trần đẫm mồ hôi của thợ trùng tu di tích đang cúi gằm mặt xuống đất làm việc miệt mài dưới ánh nắng chói chang. Đó còn là những đứa bé rách rưới, đen nhẻm đang xòe tay xin tiền bố thí của du khách... Họ là con cháu của những người Maya ngày xưa cả đấy.
Người Maya lẫy lừng một thời với nền văn minh đi trước phương Tây hàng bao năm giờ đây lại nhẫn nhịn kiếm từng đồng từ những di sản tổ tiên họ để lại. Juanito, người bán dạo ở đây, cho biết: “Tôi cũng là người Maya, dòng họ, tổ tiên chúng tôi đều sống tại đây. Thế mà giờ đây chúng tôi vẫn phải sống bám vào họ đấy”. Juanito nói đúng, phần lớn dân địa phương quanh đây sống bằng nghề bán đồ lưu niệm, hoặc làm công, trùng tu di tích với mức lương rẻ mạt. Hơn 1 triệu du khách đến đây hằng năm, chi tiêu hàng chục triệu USD. Nhưng bao nhiêu trong số đó thật sự đến được tay họ?
Nguyễn Tập
>> Mexico kỳ thú - Bí ẩn đảo búp bê
>> Mexico kỳ thú - Kỳ 2: Chiến binh Zapatista
>> Mexico kỳ thú - Kỳ 3: Làng bịt mặt
Bình luận (0)