Thêm "ứng viên" sáng giá cho sự sống ngoài hành tinh

23/09/2012 18:00 GMT+7

(TNO) Một hành tinh mới được phát hiện có thể nằm trong nhóm những thiên thể hỗ trợ sự sống ngoài trái đất.

“Siêu trái đất” Gliese 163c hiện nằm ở rìa khu vực có thể xuất hiện sự sống, nhờ vào khoảng cách hợp lý giữa nó và sao trung tâm, giúp nước ở dạng lỏng có thể tồn tại.

Chuyên gia Xavier Bonfils của Đại học Joseph Fourier ở Grenoble (Pháp) và nhóm các nhà thiên văn quốc tế đã nghiên cứu gần 400 sao lùn đỏ bằng ảnh phổ HARPS thuộc kính viễn vọng đường kính 3,6 m của Đài quan sát La Silla ở Chile.

Ứng viên sáng giá cho sự sống
Bảng xếp hạng các hành tinh nhiều khả năng mang sự sống nhất từng được phát hiện - Ảnh: PHL

Gliese 163c là một trong 2 hành tinh quay quanh sao Gliese 163, cách trái đất 50 năm ánh sáng ở chòm sao Dorado (Cá nục heo).

Với khối lượng gấp 7 lần Trái đất, Gliese 163c có thể là hành tinh đá, hoặc là hành tinh khổng lồ đầy khí, giống như Hải Vương tinh.

Nằm ở rìa trong khu vực có thể nuôi dưỡng sự sống, Gliese 163c mất 26 ngày quay quanh sao trung tâm, vốn mờ hơn so với mặt trời của chúng ta.

Theo xếp loại của Phòng thí nghiệm Hành tinh có thể mang sự sống (PHL) của Đại học Puerto Rico, Gliese 163c đứng vị trí thứ 5 trong danh sách ứng viên nhiều tiềm năng nhất.

Hạo Nhiên

>> Hành tinh tồn tại được giữa lõi Ngân hà?
>> NASA mở cuộc thi đặt tên cho tiểu hành tinh
>> Hiện tượng các hành tinh hội ngộ
>> Người ngoài hành tinh giống sứa?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.