Ngày 7.9, Ban Cải tạo thông qua lao động thành phố Trùng Khánh quyết định hủy lệnh cải tạo bắt buộc đối với ông Bành Hồng (37 tuổi) sau gần 1 năm từ khi ông được thả và 2 năm kháng án. Theo báo Southern Metropolis Daily, cơ quan trên chỉ kết luận ngắn gọn rằng quyết định ban đầu đưa ông Bành đi cải tạo là “không hợp lý”.
Hồi tháng 10.2009, ông Bành bị buộc 2 năm lao động cải tạo vì đưa biếm họa chế nhạo chiến dịch trấn áp tội phạm của chính quyền Trùng Khánh dưới thời Bí thư Bạc Hy Lai lên internet. Các biếm họa của ông Bành ám chỉ chiến dịch nói trên là “trò hề” khi chính một số quan chức hậu thuẫn cho các băng nhóm. Sau đó, ông Bành đã bị bắt vì tội vu khống. Thực tế, cùng thời điểm trên, cựu Giám đốc Sở Tư pháp Trùng Khánh Văn Cường đang đối mặt cáo buộc tham nhũng. Tháng 7.2010, quan chức này bị xử tử hình vì tội nhận hối lộ, bảo kê tội phạm và cưỡng hiếp, theo Tân Hoa xã.
|
Chuyện một người mẹ
Ngày 2.8, bà Đường Tuệ, 33 tuổi, bất ngờ nhận quyết định bị đưa vào trung tâm cải tạo thuộc thành phố Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam, vì tội “phá rối trật tự và gây tác động tiêu cực lên xã hội”, theo Tân Hoa xã. Quyết định trên bắt nguồn từ việc bà đứng trước trụ sở chính quyền địa phương phản đối cảnh sát tạo chứng cứ giả nhằm giảm án cho các thủ phạm bắt cóc, cưỡng hiếp và ép con gái bà bán dâm cách đây 6 năm.
Vào tháng 10.2006, con gái bà Đường lúc ấy mới 11 tuổi đã bị bắt cóc, cưỡng hiếp rồi phải bán dâm cho khoảng 100 khách. Ba tháng sau, cô bé được giải cứu. Đến tháng 5.2012, Tòa án tỉnh Hồ Nam tuyên 2 án tử hình, 4 án chung thân, 1 án tù 15 năm đối với 7 bị cáo liên quan vụ việc trên. Tuy nhiên, trước và sau khi tòa tuyên án, bà Đường liên tục đệ đơn yêu cầu án tử hình đối với cả 7 bị cáo.
|
Trường hợp bà Đường gây ra làn sóng phẫn nộ khắp cộng đồng mạng Trung Quốc. Trên mạng xã hội Sina Weibo, gần 70.000 bình luận về vụ việc với phần lớn bày tỏ sự cảm thông, kêu gọi công lý quan tâm đến nỗi đau và bỏ qua những hành động có phần cực đoan của bà. Trước phản ứng của dư luận, chính quyền tuyên bố điều tra kỹ lưỡng vụ việc. Đến ngày 10.8, giới chức Hồ Nam quyết định cho phép người mẹ này ra trại vì lý do con gái bà, hiện 17 tuổi, vẫn còn nhỏ nên cần mẹ chăm sóc.
Nhiều phi lý
Hệ thống lao động cải tạo của Trung Quốc ra đời vào năm 1957 với mức hình phạt từ 1 - 4 năm nhằm trừng trị những người chống chủ nghĩa xã hội, trộm cắp, lường gạt và cố ý phá hoại, theo tờ Hoàn Cầu thời báo. Dần dần biện pháp này được áp dụng mở rộng đối với những đối tượng liên quan đến mại dâm và sử dụng ma túy. Hiện nay, khoảng 60.000 người đang ở trong các trại cải tạo khắp Trung Quốc.
Theo Hoàn Cầu Thời Báo, luật pháp Trung Quốc quy định những người mắc bệnh tâm thần, mất sức lao động được miễn trừ cải tạo. Thế nhưng, một số chính quyền địa phương vẫn vi phạm. Ông Bành Hồng khẳng định khi còn ở trong trại đã chứng kiến nhiều người mắc bệnh tâm thần phải làm các công việc nặng nhọc nhất. Tờ báo dẫn lời một cảnh sát giấu tên từng tiết lộ giới chức địa phương gây áp lực để trại cải tạo của ông phải nhận một người sức khỏe yếu kém chỉ vì trường hợp này liên quan đến việc kiện tụng chính quyền.
Trước thực trạng trên, giới chuyên gia pháp lý Trung Quốc khẳng định hệ thống cải tạo thông qua lao động là bất hợp pháp, không minh bạch và kêu gọi hủy bỏ. Hoàn Cầu thời báo dẫn lời Phó hiệu trưởng Đại học Luật và Khoa học chính trị Trung Quốc Mã Hoài Đức nhận định: “Nạn giam cầm theo hệ thống cải tạo lao động không thông qua thủ tục pháp lý hay xét xử. Điều này rõ ràng vừa bất hợp pháp vừa vô lý”. Tương tự, Giáo sư Hồ Tinh Đẩu thuộc Viện Công nghệ Bắc Kinh cảnh báo: “Duy trì ổn định xã hội theo cách không có cơ sở pháp lý sẽ gây phản tác dụng”. Trong khi đó, luật sư Vương Thành ở thành phố Hàng Châu đang kêu gọi mọi người ký vào đơn yêu cầu xóa hệ thống cải tạo lao động. Dự kiến, ông Vương sẽ trình đơn lên quốc hội khi thu thập đủ 100.000 chữ ký. Phát biểu với Hoàn Cầu thời báo, vị luật sư này cho biết chiến dịch của ông, tính đến ngày 9.9, đã nhận được sự ủng hộ của hơn 7.100 người, có cả luật gia, luật sư, công nhân viên chức…
Văn Khoa
>> Hé lộ mới về Bạc Hy Lai
>> Cánh tay phải" của Bạc Hy Lai bị truy tố
>> Đồn đoán về số phận Bạc Hy Lai
>> Xét xử vợ ông Bạc Hy Lai
Bình luận (0)