Từ California - Mỹ, NSND Hồng Vân cho biết chị và các diễn viên kịch thuộc Sân khấu Kịch Phú Nhuận đang lưu diễn tại Mỹ vẫn bình an. Hai suất diễn ngày 16-9, dù bị một nhóm người quá khích biểu tình chống đối nhưng vở Kỹ nghệ lấy Tây vẫn diễn ra rất xúc động và được khán giả kiều bào cổ vũ nồng nhiệt.
Bất chấp việc cản trở
Theo thông tín viên của Báo Người Lao Động tại miền Nam California, suất diễn trưa của Kỹ nghệ lấy Tây trong ngày 16-9 có hơn 60 khán giả vào xem; suất diễn tối, khán giả có hơn nửa khán phòng. Hơn 200 khán giả đã vượt qua hàng rào ngăn chặn của những kẻ biểu tình chống đối để vào xem.
Một số người quá khích đã vây quanh lối vào hậu trường và lối vào cửa chính của rạp hát này nhằm ngăn chặn khán giả đã mua vé vào nhà hát để xem vở diễn, thậm chí những kẻ chống đối chửi bới rồi kêu gọi khán giả xé vé, tẩy chay 2 suất diễn này. Tương tự như đợt biểu tình chống đối ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trước đó, những nhóm người này đã giăng biểu ngữ, phóng loa kêu gọi, hò hét, lên án nghệ sĩ một cách áp đặt. Hành động chống đối của nhóm biểu tình đã gây phẫn nộ trong khán giả kiều bào yêu sân khấu kịch, mong muốn xem một tác phẩm văn học được dàn dựng trên sân khấu.
Qua điện thoại, NSND Hồng Vân tâm sự: “Đưa kịch sang diễn ở Mỹ lần này, chúng tôi chỉ có mục đích duy nhất là mong muốn khán giả kiều bào tiếp cận những vở kịch ở sân khấu kịch Hồng Vân”. Chị cũng cho biết chị sang Mỹ trước buổi biểu diễn 4 ngày và không tiên liệu được rằng việc biểu tình chống đối này lại khiến nhiều khán giả đã mua vé không thể vào xem. “Đối với chúng tôi, dù chỉ có một khán giả, vở vẫn diễn ra đúng tinh thần, cảm xúc của tác phẩm như đã diễn cho khán giả trong nước xem” - NSND Hồng Vân nói.
Một khán giả viết trên trang mạng cá nhân: “Tôi và các bạn tôi đã vào xem, cảm thấy vở kịch rất đặc sắc, nói lên được tấm lòng của nhà văn Vũ Trọng Phụng khao khát được thay đổi những quan niệm sống quá cũ kỹ, lạc hậu của những con người sống trong thời đó. Tính nhân văn của vở kịch rất đẹp, làm gì có chuyện cổ xúy, khuyến khích chị em phụ nữ đi lấy Tây, lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan… như ngôn từ của những người quá khích biểu tình đã rêu rao”.
“Tranh ăn” giữa các bầu sô
Nhiều nghệ sĩ từng chứng kiến những cuộc biểu tình chống đối nghệ sĩ trong nước sang Mỹ biểu diễn từ trước đến nay cho biết tất cả những trò này đều là chuyện cũ rích. Sự chống đối đó là do bị giật dây bởi một nhóm người. Lực lượng biểu tình chống đối nghệ sĩ thường là những người không có việc làm, hưởng lương thất nghiệp. Theo nhận định của một số nghệ sĩ đã tham gia biểu diễn tại Mỹ, nguyên nhân chính của những cuộc biểu tình chính là do các bầu sô “tranh ăn” với nhau.
Hiện nay, khi nền kinh tế Mỹ chưa phục hồi, đời sống văn nghệ tại miền Nam California, TP San Jose (miền Bắc California), Houston (tiểu bang Texas) nơi có đông người Việt sinh sống đã lâm vào tình trạng đìu hiu, khó thu hút khán giả nếu chương trình không có sự tham gia của nghệ sĩ Việt Nam.
Do vậy, bầu sô đã dùng chiêu triệt phá nhau, đã có nhiều trường hợp tố cáo với Sở Di trú Mỹ về việc các bầu sô, nhà tổ chức mời nghệ sĩ sang Mỹ biểu diễn trốn thuế khiến nhiều sô diễn đến phút cuối mà nghệ sĩ ở Việt Nam chưa được cấp giấy phép nhập cảnh Mỹ. Chiêu trò kế tiếp là quy tụ lực lượng biểu tình gồm những người thất nghiệp để kéo đến rạp hát, điểm diễn nhằm chống đối nghệ sĩ trong nước.
Không còn nhượng bộ những kẻ quá khích, một số bầu sô tại đây kiên quyết giữ đúng lập trường của mình. Ông Tô Văn Lai vẫn quảng cáo đúng tên tuổi các nghệ sĩ tham gia vở Kỹ nghệ lấy Tây, trong đó có NSND Hồng Vân. Trước đó, khi thuê lại rạp hát Saigon Performing Art Center, ông Tô Văn Lai đã gặp phải nhiều sự cạnh tranh khác nhưng ông đã vượt qua.
Công chúng vẫn yêu nghệ sĩ
Khởi đầu cho việc tổ chức biểu tình chống đối của những nhóm quá khích tại Mỹ đối với nghệ sĩ Việt Nam phải kể đến giai đoạn 2004 -2007 khi Trung tâm Kim Lợi đưa các nghệ sĩ: Bạch Tuyết, Hồng Vân, Lam Trường, Phương Thanh… sang Mỹ biểu diễn. Trung tâm này đã bị một số nhóm biểu tình kêu gọi tẩy chay. Sau đó, 2 nghệ sĩ Hương Lan và Hoài Linh cũng bị những kẻ quá khích trong cộng đồng người Việt ở Mỹ kêu gọi tẩy chay vì cho rằng cả 2 nghệ sĩ này tham gia quá nhiều chương trình văn nghệ tại quê nhà.
Gần đây, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trở thành nhân vật trung tâm của sự chống đối này, mà đỉnh điểm là vụ Lý Tống xịt hơi cay vào Đàm Vĩnh Hưng.
NSND Bạch Tuyết - nghệ sĩ đã từng bị biểu tình chống đối khi sang Mỹ biểu diễn chương trình Tự tình quê hương năm 2008 - đã nói: “Đối với khán giả trẻ có kiến thức và đã hội nhập vào nền kinh tế của Mỹ, họ đứng ngoài cuộc những trò biểu tình quá khích và không có mục đích này. Sự reo hò, chửi bới, thậm chí có những hành động quá khích, áp đặt đối với các nghệ sĩ trong nước sang Mỹ biểu diễn đều xuất phát không rõ ràng. Vẫn có nhiều khán giả yêu dân tộc, yêu sân khấu họ vẫn đến xem chúng tôi biểu diễn”.
Theo Xuân Lộc / Người Lao Động
Bình luận (0)