Nhiều cơ sở dùng lưu huỳnh sấy măng
Theo ông Hồng, các đoàn thanh tra của Cục sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở chế biến măng khô, lấy mẫu các loại măng để phân tích tìm dư lượng các chất cấm và tồn dư các loại hóa chất để có câu trả lời chính xác nhất về mức độ an toàn của măng, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Trong tháng 10, Cục Bảo vệ thực vật cũng sẽ tăng cường giám sát an toàn thực phẩm đối với các loại rau tươi có nguy cơ mất an toàn lưu thông trên thị trường. Còn theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đơn vị này sẽ phối hợp với các Cục chức năng của Bộ xây dựng hồ sơ nguy cơ an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi sản xuất kinh doanh đối với mực tươi và mực khô.
Cũng trong ngày 23.9, Đồn biên phòng cửa khẩu Na Mèo (xã Na Mèo, H.Quan Sơn, Thanh Hóa) phối hợp với lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phát hiện, thu giữ tang vật tại cơ sở sản xuất măng khô tẩm hóa chất độc hại của gia đình Lữ Văn May (50 tuổi, ở xã Xuân Thủy, H.Quan Sơn). Tang vật thu được gồm 25 tấn măng tươi đã ngâm, tẩm lưu huỳnh và 80 kg lưu huỳnh dạng cục. Tiến hành kiểm tra, còn phát hiện Lữ Văn May tàng trữ 0,4 kg thuốc nổ công nghiệp. Bước đầu May khai nhận thời gian gần đây đã phối hợp với Hà Văn Liêm (ngụ tại xã Thiên Phủ, H.Quan Hóa, Thanh Hóa) và một số thương lái ở H.Mộc Châu (Sơn La) sang thu gom măng rừng về tẩm ướp lưu huỳnh chống mốc, sau đó sấy khô mang xuống miền xuôi bán. Hiện các cơ quan chức năng đã bắt tạm giam Lữ Văn May, đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật để tiến hành tiêu hủy.
Trước đó, ngày 18.9, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đội QLTT số 9 (thuộc Chi cục QLTT Thanh Hóa) phát hiện 2 cơ sở chế biến măng khô của ông Phạm Ngọc Mạnh và ông Đỗ Mạnh Hiền (ở xã Xuân Bái, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) dùng lưu huỳnh để sấy măng. Tang vật thu được gồm 530 kg măng sợi khô đã sấy qua lưu huỳnh và 118 kg lưu huỳnh.
Quang Duẩn - Ngọc Minh
Bình luận (0)