Mỹ: Tiến sĩ sống bằng trợ cấp

26/09/2012 10:59 GMT+7

Số người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ nhận tem phiếu và trợ cấp khác ở Mỹ đang gia tăng.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết số người sử dụng tem phiếu lương thực hằng tháng ở nước này tăng từ mức 17 triệu năm 2000 lên 44 triệu năm 2011. Tỉ lệ dân số nước Mỹ nhận tem phiếu lương thực là 15%, tức khoảng 50 triệu người. Căn cứ vào số liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ, trong số 22 triệu người Mỹ có bằng thạc sĩ trở lên vào năm 2010, khoảng 360.000 người nhận một loại trợ cấp nào đó.

Thực tế kinh khủng

Tiến sĩ Melissa Bruninga-Matteau, 43 tuổi, trợ giảng tại Trường Đại học Cộng đồng Yavapai ở Prescott, bang Arizona - Mỹ, là một người phụ thuộc vào tem phiếu lương thực và chương trình hỗ trợ về y tế. Bà nói không ít người nhận trợ cấp có trình độ học vấn như bà do bằng cấp cao không giúp họ thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính.

Bà tâm sự: “Tôi cảm thấy thật kinh khủng khi một người đứng trên bục giảng trường đại học lại sống bằng trợ cấp”. Trước đây, bà chưa bao giờ hình dung được cảnh một người giảng dạy ở đại học lại nhận khoản lương bổng thấp đến mức không thể trang trải cho cuộc sống. Mỗi tháng, bà lãnh 900 USD nhưng phải chi 750 USD để thuê nhà. Mỗi tuần, bà chi 49 USD cho khoản tiền xăng để đến trường.

Thế nhưng, bà không phải là trường hợp cá biệt. Elliott Stegall, 51 tuổi, giảng viên tiếng Anh, cũng nhận trợ cấp lương thực. Ông kể: “Lần đầu tiên đi làm đơn, tôi cảm thấy như mình đến từ một đất nước nghèo nàn nào đó. Bên cạnh tôi đầy những người thuộc mọi nền văn hóa và sắc tộc”.

Ông Stegall hiện là nghiên cứu sinh về điện ảnh tại Đại học bang Florida. Ông đã giảng dạy ở 3 trường trong hơn 14 năm. Vợ ông đang theo chương trình đào tạo thạc sĩ trên mạng về tội phạm học. Họ nhận tem phiếu lương thực, được hỗ trợ về y tế từ chương trình trợ giúp phụ nữ và trẻ vị thành niên (WIC).

Mỹ: Tiến sĩ sống bằng trợ cấp
Tiến sĩ Melissa Bruninga-Matteau. Ảnh: CHRONICLE.COM

Ngày càng tăng

Nhiều người có bằng cấp cao ở nhiều bang khác nhau cũng sống bằng trợ cấp của chính phủ liên bang. Một số người đang phải vất vả trả lại khoản vay nợ thời sinh viên và trang trải các khoản chi phí căn bản của cuộc sống. Một số khác còn phải nuôi sống gia đình và nuôi con cái ăn học với đồng lương thấp. Một số còn phải cố “giật gấu vá vai” bằng cách phục vụ bàn hoặc bán tạp phẩm bên cạnh sinh viên của mình.

Báo The Chronicle of Hisher Education cho biết những người Mỹ không qua đại học nhiều khả năng nhận tem phiếu lương thực hơn những người tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, tỉ lệ những người có bằng đại học nhận tem phiếu lương thực hoặc loại trợ cấp khác đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2010. Cụ thể, số người có bằng thạc sĩ nhận tem phiếu và loại trợ cấp khác tăng từ 101.682 lên 293.029 người, trong khi số người có bằng tiến sĩ nhận trợ cấp tăng từ 9.776 lên 33.655 người.

Đối với những người có trình độ học vấn cao phải nhận trợ cấp, sự xấu hổ đã khiến họ che giấu. “Người ta không muốn hình ảnh và tên tuổi của mình được nêu lên liên quan đến vấn đề này” - cựu giáo sư Karen L. Kelsky nói. Bà điều hành quỹ trợ giúp các nghiên cứu sinh và tiến sĩ gặp khó khăn về tài chính, hầu hết là phụ nữ có con nhỏ. Bà kể: “Thời còn là giáo sư, tôi không hề có ý nghĩ một tiến sĩ  sẽ có ngày phải đi nhận tem phiếu lương thực”.

Bí mật của giới học cao

Ông Matthew Williams, đồng sáng lập và là Phó Chủ tịch New Faculty Majority - tổ chức giúp đỡ các trợ giảng, tâm sự: “Đó là bí mật đen tối nho nhỏ của giới học cao. Nhiều nhà quản lý không biết hết mức độ của vấn đề này”. Bản thân ông Williams cũng từng nhận tem phiếu và được hỗ trợ về y tế khi còn giảng dạy ở Trường Đại học Akron từ năm 2007 đến 2009 với mức thu nhập chưa tới 21.000 USD/năm. Ông nói: “Đây không hề là sự cường điệu và cũng không phải là vấn đề lý thuyết”.

Theo NGÔ SINH \ Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.