Giàu vì đất, nghèo vì nợ
Trên cánh đồng thôn Yên Nhân, xã Tiền Phong (H.Mê Linh, Hà Nội) nay đã thành đất hoang, chúng tôi gặp một người phụ nữ đang cần mẫn vơ những đám cỏ về cho bò ăn. Hỏi thăm chị về tình hình thanh niên trong xã, chị chua chát: “Cơn sốt đất vừa đi qua, cơn bão đỏ đen ập đến. Từ khi có tiền đền bù giải phóng mặt bằng, bố mẹ chi tiêu mạnh tay hơn vô tình tác động tiêu cực. Cứ nghĩ nhà có nhiều tiền, thanh niên trong làng thoải mái vung tay quá trán và sinh hư, chủ yếu là chơi cờ bạc, cá độ. Ở xã này không thể kể hết được đâu. Kẻ ít thì nướng vài trăm triệu đồng, nhiều thì đốt ngót nghét 10 tỉ bạc. Có những gia đình giàu lên nhờ bán đất, nhưng cũng nghèo đi vì trả nợ cho con. Cô không tin cứ sang Do Hạ, Do Thượng thì rõ”.
|
|
Chẳng hề giấu giếm, ông trưởng thôn Do Thượng, Nguyễn Văn Chiến thẳng thắn: “Thôn nào cũng có cờ bạc nợ nần. Một số cháu nợ chồng chất, không trả được nợ phải bỏ trốn. Trong thôn đã có gia đình phải bán cả nhà để trả món nợ lên tới hàng tỉ đồng cho các quý tử”. Theo lời ông Chiến, dẫn đến cơ sự này là vì người dân nhận thức còn thấp. Sau khi nhận được những khoản tiền cả đời mơ không thấy, họ đã tiêu xài hoang phí. Không những xây nhà cửa mà còn nuông chiều bọn trẻ ăn chơi. Được bố mẹ cho tiền, bọn trẻ cứ thế sa vào cờ bạc, rượu chè. “Cơn bão lô đề, cá độ mới rộ lên từ giữa năm 2011 đến nay. Không ít gia đình sống trong những ngôi nhà tiền tỉ, nhưng bên trong chẳng có vật dụng gì quý giá. Tài sản đã lần lượt ra đi để gán nợ”, ông Chiến nói.
Theo chỉ dẫn của người dân trong thôn Do Hạ, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Trung. Ông là một trong số những gia đình đang nghèo đi vì gánh nợ cho con. Trong gia đình không có gì quý giá ngoài bộ bàn ghế cũ kỹ. Lúc đầu, ông còn giấu giếm chuyện của con, nhưng sau một hồi trò chuyện, ông kể: “Đó là ngày cuối cùng của tháng 5.2012, khi ấy hai cha con đang ngoài đồng thì 3 thanh niên ở đâu ập đến. Chúng gí vào mặt tôi mấy tờ giấy nợ. Trời đất như tối sầm lại, mắt tôi hoa lên, không thể tin nổi vì tôi có vay mượn gì đâu mà số nợ lên tới hàng trăm triệu đồng. Chúng bảo, thằng Thu con trai tôi chơi cờ bạc không trả thì bố phải trả. Tôi không chịu, chúng xông vào đánh hai cha con chảy máu mồm, máu mũi. Tôi bị chấn động não phải đưa vào bệnh viện”. Cả cuộc đời bám mặt cho đất, bám lưng cho ruộng, số tiền đền bù đất ông dành để nuôi con ăn học. Ấy vậy mà…
Sập “bẫy” tín dụng đen
|
Tình trạng thanh niên nhàn rỗi, thiếu việc làm luôn là mối lo canh cánh của các gia đình và chính quyền địa phương bởi đây là đối tượng dễ sa ngã, thiếu hiểu biết về pháp luật nên rất dễ bị lợi dụng, lôi kéo. Phó bí thư Đoàn xã Dương Nội, Đặng Thanh Hào kể: “Vào những thời điểm các dự án giải ngân, thanh niên tụ tập ăn nhậu tốn kém hàng chục triệu đồng là chuyện bình thường. Có tiền trong tay, địa điểm ăn chơi yêu thích của thanh niên là những quán bar, vũ trường trong thành phố. Qua những lần ăn chơi, mối quan hệ của thanh niên ngày càng rộng mở. Ăn chơi hợp “cạ”, họ rất dễ kết thân với nhau. Một con nợ bạc tỉ, 24 tuổi (đề nghị giấu tên) ở Dương Nội (Hà Đông) thổ lộ: “Ban đầu họ mời đi ăn chơi linh đình thoải mái. Sau đó đánh vài ván tá lả. Tiếp đến bọn họ gạ gẫm chơi lô đề, cá độ. Thiếu tiền bọn họ sẵn sàng cho vay không cần giấy tờ. Thấy vay nợ quá dễ dàng, lại đang thắng nên mình cũng ham. Về sau, càng chơi càng thua. Các khoản nợ cứ thế tăng dần với lãi suất cắt cổ, nếu tính theo ngày số tiền nợ lên đến cả trăm triệu đồng. Đến khi không còn khả năng trả nợ, bọn họ bảo mình cầm cố tài sản cá nhân với giá trị thấp nhưng phải chịu mức lãi suất cao”.
|
Bà Nguyễn Thị Sơn, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liên Mạc cho hay, cuối năm 2011, ở xã xảy ra hàng chục vụ vỡ nợ do thanh niên tham gia vào hình thức tín dụng đen. Các đối tượng cho vay nặng lãi không phải là người địa phương. Họ tìm cách lôi kéo thanh niên đến vui chơi tại các địa điểm billiards, quán cà phê cá độ bóng đá, chơi lô đề. Thời gian đầu, các đối tượng thường thả cho “con mồi” thắng lớn. Nhưng càng chơi, “con mồi” càng thua đau. Ngoài gá bạc bằng xe máy, tài sản cá nhân, muốn có tiền chơi tiếp để gỡ gạc, các đối tượng cho vay với lãi suất cao, lãi mẹ đẻ lãi con sẽ đẩy thanh niên tham gia phải viết giấy nhận nợ. Đến khi chúng đến nhà xiết nợ, nhiều gia đình ngã ngửa vì biết con mình đang nợ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các khoản tiền các “nạn nhân” phải trả đều được tính cả gốc lẫn lãi với lãi suất từ 5.000 - 10.000 đồng/triệu đồng/ngày. Nhưng trên thực tế, giấy nợ không hề ghi số lãi suất khoản vay. Đây chính là lý do buộc nhiều gia đình ngậm đắng nuốt cay bán đất, vay mượn trả nợ thay con để được sống yên ổn.
Thu Hằng - Phan Hậu
>> Thanh niên trong vòng xoáy đô thị hóa
>> Giải quyết tham nhũng và sức ép đô thị hóa
>> Mặt trái của đô thị hóa ở Trung Quốc
>> Đô thị hóa biến nhiều làng quê thành “dị thể”
>> Đô thị hóa 75% quỹ đất nông nghiệp Hà Tây cũ
Bình luận (0)