Phố Hàng Mã, Hàng Lược… hai ngày trước tết Trung thu, người dân Hà Nội và khách du lịch tấp nập qua lại tham quan, mua sắm.
Cũng giống như nhiều năm trước, đồ chơi Trung thu có xuất xứ từ Trung Quốc vẫn chiếm thế thượng phong, với mẫu mã phong phú và được bày bán la liệt trên những con phố được coi là “thiên đường” đồ chơi Trung thu tại Hà Nội.
Nhưng theo nhiều chủ hàng ở đây cho biết, năm nay, các loại đồ chơi Trung thu truyền thống do các làng nghề Việt Nam sản xuất như mặt nạ ông địa, đèn ông sao, đèn trang trí, trống cơm… đã thu hút sự quan tâm nhiều hơn của khách hàng.
Anh Sơn, chủ một cửa hàng chuyên làm đèn con thỏ trên phố Hàng Mã cho biết mỗi ngày cửa hàng anh bán ra cả trăm chiếc đèn loại này. Giá mỗi chiếc dao động trên dưới 30.000 đồng. Loại đèn này bán rất chạy, làm ra cái nào bán hết cái ấy.
Cũng theo anh Sơn, do lo ngại đồ chơi Trung Quốc có chất độc hại, nhiều phụ huynh tìm mua loại đèn này nhiều hơn nhằm đảm bảo sự an toàn cho con. Mẫu mã và kiểu dáng của các loại đồ chơi truyền thống đã được quan tâm cải tiến đa dạng và phong phú cũng là lý do khiến người dân Hà Nội tìm mua.
Trên phố Hàng Mã những ngày cận tết Trung thu, cửa hàng bán đồ chơi đầu sư tử, mặt nạ ông địa phục vụ múa lân, múa rồng có khách đông hơn hẳn so với cửa hàng chuyên bày bán các loại đồ chơi Trung Quốc.
Trong số đồ chơi truyền thống bày bán ở khu phố cổ, đèn ông sao với giá từ 5.000 - 15.000 đồng/chiếc; đèn ông sao dùng để cắm trang trí mâm ngũ quả, dán trang trí các màu sắc khác nhau với giá từ 5.000 đồng/chiếc là mặt hàng dễ bán nhất trong dịp này.
Cũng lựa chọn loại đồ chơi nói trên cho chương trình vui tết Trung thu của con ở khu phố, chị Phan Trang, công tác tại Bộ Y tế cho rằng giá đồ chơi Trung Quốc không hề rẻ mà lại tiềm ẩn nguy hại ảnh hưởng đến trẻ em. Tết Trung thu năm nay, chị Trang và nhiều người bạn chính thức nói không với đồ chơi này, mà chỉ chọn đồ chơi làm thủ công của Việt Nam.
“Chơi đồ chơi do Việt Nam sản xuất, ngoài ưu điểm giá rẻ lại có thể giúp các con cảm nhận, hiểu hơn về nét văn hóa truyền thống trong ngày tết Trung thu của Việt Nam”, chị Trang cho biết.
Không chỉ có các bậc phụ huynh, nhiều bạn trẻ đến phố cổ mua sắm cũng bắt đầu từ bỏ thói quen chọn đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Thong thả tản bộ trên phố cổ, Cao Thị Thảo Trang và Vũ Trang, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội tỏ ra hào hứng với chiếc đèn con thỏ khi vừa đi bộ, vừa tranh thủ chụp ảnh.
Thảo Trang cho biết, đồ chơi Trung Quốc quanh đi quẩn lại cũng chỉ dừng ở mô típ có hình thù kỳ dị, có gắn âm nhạc chứ không có gì đặc biệt. Trong khi đó, các loại đồ chơi Việt Nam như tiến sĩ giấy, đèn kéo quân, đèn cù… đều gắn với điển tích, ý nghĩa riêng.
“Bạn bè em giờ không còn hào hứng với đồ chơi Trung Quốc, có chăng chỉ là vài món đồ hóa trang đơn giản, còn lại đa phần đều chọn mua đồ truyền thống bởi nguyên liệu làm nên nó chủ yếu là tre, gỗ, giấy vừa thân thiện với môi trường lại đảm bảo an toàn cho người chơi. Ngoài ra, mua đồ chơi truyền thống cũng là cách bạn trẻ bày tỏ sự ủng hộ các làng nghề làm đồ chơi trong nước”, Thảo Trang nói.
|
Phan Hậu - Thu Hằng - Thu Trang
(thực hiện)
>> Kiểm tra, xử lý đồ chơi Trung thu không có tem kiểm định chất lượng
>> Đồ chơi Trung thu truyền thống: Cần sợi dây nối quá khứ
Bình luận (0)