Vụ cây xăng bị tố bán xăng “dỏm”: Khó chứng minh được thiệt hại để đòi bồi thường

28/09/2012 20:50 GMT+7

(TNO) Nhiều chuyên gia cho rằng với cách mua xăng lẻ không có hóa đơn như hiện nay thì người tiêu dùng rất khó đòi được quyền lợi chính đáng của mình khi xảy ra sự cố, như trường hợp cây xăng Lan Anh tại số 220, quốc lộ 13 (P.26, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị tố bán xăng “dỏm” khiến hàng trăm khách hàng bị thiệt hại.

>> Niêm phong cây xăng bị tố bán xăng pha nước
>> Nghi bán xăng pha nước, hàng trăm người vây cây xăng

Một trong những khách hàng quyết liệt buộc chủ cây xăng Lan Anh phải bồi thường là bà Nguyễn Thị Tý (nhà ở Q.Thủ Đức, TP.HCM). Sau khi đổ xăng đi được hơn 200 m, chiếc Vespa mà bà Tý mua hơn 1 năm với giá hơn 70 triệu đồng không chạy được.


Bà Tý yêu cầu lập biên bản đối với chiếc Vespa đã đổ xăng "dỏm" để đòi bồi thường - Ảnh: Trung Hiếu

Sau khi nghe đại diện hãng Piaggio thông báo Vespa là dòng xe phun xăng điện tử nên có sửa cũng không bảo đảm an toàn, bà Tý đề nghị lập biên bản và buộc cây xăng phải bồi thường thiệt hại bằng được.

Dù là người bị thiệt hại nặng nhưng bà Tý là trường hợp may mắn vì dám quyết liệt đến cùng buộc chủ cây xăng phải bồi thường. Còn phần lớn trường hợp đổ xăng tại Lan Anh, sau khi xe bị chết máy đều qua quýt cho qua hoặc không tiến hành lập biên bản.

Như trường hợp anh Phú Nam (ngụ ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đổ xăng xong, xe vẫn chạy được nhưng máy bị giật giật. Anh Nam không hề nghi ngờ gì về chất lượng xăng mà chỉ nghĩ xe bị hư. Sáng hôm sau, anh Nam định đưa xe đi sửa thì đọc được thông tin cây xăng Lan Anh có dấu hiện gian lận.

Lúc đó anh Nam tin chắc rằng xe mình bị hư là do đổ xăng tại cây xăng Lan Anh nhưng không có chứng cứ gì bắt cây xăng này phải bồi thường.

Luật sư Trần Thu Nam - Trưởng văn phòng luật Tín Việt và Cộng sự (Hà Nội) cho biết sau khi xảy ra sự cố nếu chủ cây xăng và khách hàng không đạt được thỏa thuận thì phải chờ kết quả kiểm tra để xem chất lượng xăng có đạt yêu cầu hay không.

Trong trường hợp xăng “dỏm” do chính cây xăng gây ra thì chủ cây xăng phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng. Tuy nhiên muốn được bồi thường thì người bị hại phải chứng minh mình đã đổ xăng ở đây và đưa ra thiệt hại cụ thể.

Tuy nhiên để chứng minh được rất khó vì phần lớn các cây xăng khi bán cho khách hàng đi xe máy đều không có hóa đơn. Cây xăng Lan Anh cũng không phải là ngoại lệ.

“Trong trường hợp này nếu hai bên không đạt được thỏa thuận bồi thường thì có thể đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán mà ở đây chính là tòa án. Tuy vậy, ở tòa án, vấn đề quan trọng nhất là người tiêu dùng cũng phải chứng minh cho ra mình đã từng đổ xăng ở đây và chịu sự thiệt hại đến đâu”, luật sư Nam nói.

Sự cố ở cây xăng Lan Anh, dù có đến hàng trăm nạn nhân đẩy xe đến bắt đền nhưng theo cơ quan chức năng chỉ có 19 trường hợp được lập biên bản trong đó có 11 trường hợp được lấy lời khai. Như vậy có thể khẳng định các trường hợp còn lại sẽ rất gian nan nếu muốn đòi bồi thường.

Bà Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng đồng tình nếu không có hóa đơn, khách hàng rất khó đòi chủ cây xăng bồi thường.

Theo bà Nga, đây cũng là một kinh nghiệm cho người tiêu dùng là dù mua bất cứ mặt hàng nào cũng phải đề nghị chủ cửa hàng cung cấp hóa đơn, chứng từ bán hàng. Đó không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của người mua hàng nếu sau này có sự cố.

Hiện nay phần lớn cây xăng khi bán cho người đi xe máy đều không cung cấp hóa đơn bán lẻ.

Cách đây không lâu, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thí điểm triển khai việc bán lẻ xăng có cung cấp hóa đơn tại 10 cửa hàng xăng dầu khu vực trung tâm TP.HCM.

Tuy nhiên, khách hàng mua xăng cũng không quan tâm đến hóa đơn bán lẻ, ngoại trừ những trường hợp lấy hóa đơn phục vụ cho quyết toán chi phí.

Đình Quân

>> Nhiều cây xăng treo bảng hết hàng
>> Phản đối các cây xăng trong khu dân cư
>> Tước giấy phép 2 cây xăng găm hàng
>> Cây xăng bị tước giấy phép vẫn hoạt động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.