Bảo tàng Lịch sử quốc gia đông nghẹt trong ngày trưng bày Di sản văn hóa biển (5.2012). Khách tham quan đến và đứng rất lâu trước những tấm bản đồ cổ. Trên đó dấu ấn thực thi chủ quyền, khả năng thương mại, văn hóa của nước ta trên những hải trình thương mại nổi tiếng thế giới rất rõ. Theo TS Vũ Quốc Hiền, trong số này bản đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ còn thể hiện rõ việc triều đình nhà Nguyễn đã chăm lo thực thi chủ quyền quốc gia trên biển ra sao. Trưng bày chuyên đề Di sản văn hóa biển cũng tỏ rõ sự đáp ứng mong mỏi của người dân hơn khi diễn biến trên biển Đông đang phức tạp. Sự linh hoạt dựa theo thời sự chính là điểm mạnh của trưng bày chuyên đề. Nhờ thế, bảo tàng đáp ứng công chúng tốt hơn.
“Chúng ta vẫn coi thời sự là chính trị. Còn với nhiều bảo tàng trên thế giới, thời sự có nghĩa là vấn đề xã hội”, TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản, nói. Bản thân bà Lý đã rất “choáng” khi tận mắt xem và thực hiện nghiên cứu trường hợp về triển lãm chuyên đề nhân 5 năm ngày mất của Gianni Versace ở Anh. Trong triển lãm, nhà tổ chức đã mượn rất nhiều quần áo do Versace thiết kế được các minh tinh mặc. Một số trang phục của Michael Jackson cũng có mặt ở đây. Kết quả, triển lãm thời sự này hút người xem xếp hàng, trong đó phần lớn là giới trẻ.
|
Trong nghiên cứu của bà Lý, việc tổ chức triển lãm trên bắt đầu từ những điều tra xã hội học. Các nhà tổ chức không quên bản thân nhà tạo mẫu người Ý này là người đồng tính nên đã gặp và hỏi rất nhiều người đồng tính. Bản thân những mẫu của Versace cũng hướng tới giới trẻ nên họ không quên điều tra xem giới trẻ mong muốn được xem gì ở triển lãm về nhà tạo mẫu danh tiếng. Sau khi điều tra cụ thể, 5 năm ngày mất của ông chỉ là một lý do để triển lãm hút khách. Triển lãm Versace này chỉ là một trong cả chuỗi hoạt động triển lãm chuyên đề thường xuyên tại Anh. Ở Anh, không ai ngạc nhiên khi mỗi tháng lại có một triển lãm chuyên đề khai trương. Bảo tàng của họ cũng rất lớn, có những đơn vị có 600 cán bộ với hàng chục giám tuyển (curator). Còn tại Pháp, con số thống kê của năm 1997 đã là 600 triển lãm chuyên đề chính thức mỗi năm. Giờ đây, con số này còn tăng lên.
Tại Việt Nam, theo các chuyên gia, một vài chuyên đề trưng bày đã xuất hiện với tư vấn của chuyên gia bảo tàng nước ngoài. Có thể kể đến trưng bày Thời bao cấp ở Bảo tàng Dân tộc học, trưng bày Đạo Mẫu và Gánh hàng rong tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, nhìn tổng thế, số trưng bày chuyên đề tốt như vậy chiếm tỷ lệ rất thấp.
“Cái khó là quan điểm chuyên đề của mình chưa sâu”, bà Lý phân tích. Vì thế, nhiều bảo tàng làm chuyên đề theo kiểu gom những hiện vật giống nhau vào một chỗ chứ chưa gắn nó vào đời sống.
Ví dụ dễ thấy nhất là tới mỗi kỳ đại hội Đảng, các bảo tàng hầu như đều tổ chức chuyên đề đề tài này. Điều này rất cần thiết. Tuy nhiên, các trưng bày thường rơi vào kiểu từ đại hội đến đại hội thể hiện qua các hình ảnh, các nghị quyết. Trong khi đó vấn đề mấu chốt của đại hội là gì, tác động thay đổi đời sống người dân ra sao thì các trưng bày thường không thể hiện được. “Khoán 10 hay xóa bỏ bao cấp cũng là đề tài cho chuyên đề chạy. Vì người xem thích cái tạo cảm xúc nên nếu có người dân nào đó nói sau nghị quyết ấy tôi đổi đời thì mình sẽ xúc động hơn nhiều”, bà Lý nói.
Chưa kể, đã không chịu đổi mới nội dung, bảo tàng lại lười cả thay đổi hình thức. “Chỉ chừng ấy cái khung ảnh mang ra, đặt thêm vài tủ hiện vật. Bao nhiêu năm chả thay đổi. Trưng bày cắt băng xong là xong”, bà Lý tiếp lời.
Cũng theo bà Lý, giờ đã là lúc cần thay đổi tư duy trưng bày chuyên đề bảo tàng, để hiện vật bảo tàng không được “ngủ”. Ở nước ngoài, các chuyên gia vẫn làm việc theo nguyên lý để hiện vật ngủ là bảo tàng có lỗi. “Giống như chơi cờ phải xếp sắp. Phải sáng tạo để hiện vật hôm nay là cái này, mai là cái khác. Là gốm nghệ thuật, nhưng mai là một hiện vật của thông thương. Cổ vật nhờ đó được bày đi bày lại, được đánh thức nhờ vậy”, bà nói.
Tại nước ta, có một ưu điểm là việc mượn hiện vật giữa các bảo tàng với nhau không quá khó khăn. Nhờ thế nếu có một giám tuyển (curator) giỏi và am hiểu vấn đề, việc tổ chức chuyên đề không quá khó về hiện vật - thứ đầu tiên để gột nên trưng bày. Tuy nhiên, chất lượng curator ở trong nước còn hạn chế.
“Curator phải là các nhà nghiên cứu thấu hiểu vấn đề và am tường các hiện vật bảo tàng trong lĩnh vực mình theo đuổi”, bà Lý nói. Chẳng hạn, một chuyên gia nước ngoài từng cố vấn cho nhiều bảo tàng Việt Nam là bà Christine. Là chuyên gia về lịch sử châu Á, lại đi nhiều bảo tàng Việt Nam, bà hiểu và có thể tổ chức mượn được hiện vật từ đó. Nếu cần phải nói tại bảo tàng kia có cái gì đẹp, bà hoàn toàn có thể nhắm mắt mà nói được ngay, từ chiếc váy đến một kiểu tóc.
Bà Lý vẫn còn nhớ, năm 2009, để chuẩn bị cho triển lãm văn hóa Việt Nam tại Mỹ có tên Từ châu thổ ra biển lớn, chuyên gia người Mỹ đã trình Cục Di sản một danh sách hiện vật ở các bảo tàng Việt Nam để xin mượn. Danh sách dài hai chục trang, với đầy đủ ảnh cũng như mô tả hiện vật đi kèm. Chuyên gia này là người đã nghiên cứu Việt Nam hơn 20 năm, trước cả ngày mở cửa. “Thiếu những chuyên gia như vậy, có thể thấy việc nghiên cứu liên bảo tàng của chúng ta chưa tốt”, bà Lý nói.
Trinh Nguyễn
>> Lãng phí bảo tàng
>> Lãng phí bảo tàng - Kỳ 2: “Vô hồn” vì thiếu tính nhân văn
Bình luận (0)