“Một số ngân hàng (NH) đã gặp phải sự cố đặc biệt, chưa cơ cấu lại được nguồn vốn nên gặp khó khăn thanh khoản tạm thời nên phải đẩy lãi suất huy động lên cao. Trong bối cảnh cạnh tranh dữ dội hiện nay, việc một NH nâng giá buộc các NH khác cũng phải nâng theo, đó là tất yếu”, TS Ngoạn nói.
Nhìn vào số dư tiền gửi tại các NH tới 20.9 tăng 11,23% vừa công bố tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 27.9, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt có 2,35%, TS Ngoạn cho rằng mức chênh lệch không phản ảnh hết những bản chất, hoạt động hiện nay của hệ thống. Thứ nhất, liên tiếp những sự cố về NH thời gian qua đang khiến các NH lớn, đặc biệt NH quốc doanh có được niềm tin của người gửi tiền, nên nguồn vốn huy động tăng rất nhanh. Ngược lại, số NH cổ phần nhỏ phải “chịu trận” khi khách hàng không gửi mới hoặc rút tiền gửi chuyển sang địa chỉ mà họ yên tâm hơn. Cùng với đó, việc vay mượn trên thị trường 2 (liên NH) giữa các NH ngày càng ngặt nghèo hơn khi Thông tư 21 vừa có hiệu lực quy định NH nào có nợ quá hạn từ 10 ngày trên liên NH sẽ không được tham gia giao dịch đi vay.
|
Hiện quy định cho phép các tổ chức tín dụng được tự thỏa thuận lãi suất kỳ hạn trên 1 năm với khách hàng, vô tình tạo ra kẽ hở để các NH gặp khó khăn về thanh khoản tăng lãi suất. TGĐ một NH cổ phần cho biết sẽ không quá khó để các nhân viên giao dịch cho khách hàng hưởng mức 12-13%/năm ở kỳ hạn trên 12 tháng ghi trên sổ sách. Khi thực tế khách muốn rút trước hạn NH vẫn cho rút với lãi suất ghi trên sổ là 9%/năm, phần lãi suất chênh lệch còn lại sẽ được chi trực tiếp bằng tiền mặt. “Như vậy, bảng cân đối tài sản của các NH nhìn thì rất lành mạnh khi nguồn tiền gửi là dài hạn, ổn định nhưng bản chất lại là các khoản tiền gửi với kỳ hạn ngắn chỉ 1, 2 tháng”, TGĐ này nói. Chuyên gia tài chính NH, TS Nguyễn Đại Lai cho rằng: “Không loại trừ một số NH huy động vốn dài hạn nhưng thực chất là để bù đắp thanh khoản tạm thời. NH nào thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu”.
Tuy nhiên, theo TS Ngoạn, sẽ khó xảy ra một cuộc đua lãi suất trong thời gian tới. Nguyên nhân thứ nhất, đợt tăng lần này chỉ diễn ra cục bộ ở một số NH yếu kém, mang tính nhất thời. Trên hệ thống giám sát, ông Ngoạn cho biết tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động của toàn hệ thống đang có sự cải thiện theo chiều hướng tốt lên. Nếu giai đoạn 2010-2011, thường ở mức cao trên 100%, tức khả năng chống đỡ thanh khoản kém, thì nay tỷ lệ này đã giảm từ mức 2011 là 103,23% xuống còn 89,79% trong tháng 7.2012.
Thanh khoản toàn hệ thống vẫn ổn định, huy động vốn đến 20.9 tăng 11,23% so với cuối 2011, cao hơn rất nhiều so với tăng tín dụng chỉ có 2,35%, vậy nguồn vốn của NH đã chảy đi đâu? TS Lai cho rằng nguồn vốn đang chạy lòng vòng thông qua nhiều kênh, chưa chảy vào sản xuất kinh doanh. Tồn kho tăng cao, nợ xấu khiến các NH không dám đẩy mạnh cho vay, tiền chạy sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là đầu tư tài chính, kể cả vàng.
“Từ đầu năm đến nay, lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tương đối nhiều, các NH đều mua để đầu tư và làm công cụ dự phòng rủi ro”, TS Ngoạn chia sẻ. Tuy nhiên, một chuyên gia có uy tín trong ngành cảnh báo cần lưu ý hiện tượng vay vốn đảo nợ tại các NH. “Phần lớn tín dụng bơm ra trong 9 tháng qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn tăng trưởng ì ạch”, chuyên gia này nói. Ông cho rằng nếu thời gian tới, NH Nhà nước VN không nắn được dòng vốn vào sản xuất kinh doanh thì chắc chắn số tiền mà các NH huy động được bằng mọi cách tìm đến các kênh đầu tư khác để sinh lời. Như vậy doanh nghiệp khó khăn vẫn hoàn khó khăn, nền kinh tế khó tăng trưởng, mà hệ thống lại các rủi ro nhiều hơn với những khoản đầu tư tài chính này.
Anh Vũ
Bình luận (0)