Cuộc họp báo “Về kết quả xử lý thấm, kiểm tra đánh giá an toàn, ổn định đập và kết quả khảo sát động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2” do Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (Hội đồng) cùng các bộ ngành liên quan tổ chức đã diễn ra tại Quảng Nam ngày 28.9.
|
Tại cuộc họp báo, sau khi thông báo các đánh giá về thiết kế xây dựng, chất lượng công trình..., ông Nguyễn Văn Liên - Phó chủ tịch Hội đồng - cho biết: “Dự báo trong thời gian tới, tại khu vực Bắc Trà My và lân cận, động đất kích thích vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí có thể mạnh hơn nhưng khó có thể vượt giá trị cực đại đã đánh giá là M=5,5 độ Richter”. Theo ông Liên, sau khi có công bố của tư vấn độc lập AF-Colenco, các chuyên gia Hội đồng đã tổ chức phản biện, yêu cầu giải trình và đi đến thống nhất với kết luận của AF-Colenco là thủy điện Sông Tranh 2 đảm bảo an toàn và ổn định.
Về tình hình động đất tại Sông Tranh 2 sau tích nước, ông Liên khẳng định các trận động đất xảy ra trong thời gian gần đây là động đất kích thích. Các vùng chấn động cực đại của các trận động đất lớn đã xảy ra tại Bắc Trà My đều không quá cấp 6 và kéo dài theo phương tây bắc - đông nam.
Trao đổi trước cuộc họp, ông Nguyễn Tài Sơn, TGĐ Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 - đơn vị tư vấn thiết kế công trình thủy điện Sông Tranh 2, khẳng định đập Sông Tranh 2 không bị thấm qua đập mà thấm qua các tấm ngăn nước. “Chính phủ đã quyết định hồ không tích nước, tức không được đóng các cửa van. Ở mực nước chết 140 m, lưu lượng thấm khoảng 3,3 lít/giây. Chúng tôi không dùng giá trị này để đánh giá, mà chúng tôi đánh giá khi cao trình mực nước lớn nhất, lượng nước thấm sẽ khoảng 10 lít/giây... Trong mùa mưa, cao trình lớn nhất của hồ sẽ là 161 m. Lúc đó dù có động đất cấp 9 hoặc trên cấp 9, đập vẫn an toàn”, ông Sơn nhấn mạnh.
|
Về trách nhiệm của Tập đoàn điện lực VN (EVN) khi động đất kích thích do tích nước thủy điện Sông Tranh 2 làm nhà dân bị nứt, ông Trần Văn Được, Phó TGĐ EVN, khẳng định: “EVN có trách nhiệm hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị ảnh hưởng do động đất”. Tuy nhiên trả lời câu hỏi của một phóng viên “EVN đã lập kế hoạch sơ tán, di dời dân do động đất, do vỡ đập? Nếu vỡ đập trách nhiệm thuộc về ai?”, ông Được nói: “Theo tính toán của tư vấn, kể cả động đất cấp 8, đập vẫn an toàn nên việc tính phương án sơ tán, chúng tôi không đề cập. Vì chúng tôi tin tưởng không bao giờ xảy ra trường hợp như thế”.
|
Một đại biểu đặt câu hỏi: “Trong quá trình lập dự án các bên có tính đến các yếu tố tác động môi trường, tự nhiên, công trình kiến trúc, tâm lý người dân...?”. Ông Nguyễn Tài Sơn thừa nhận: “Thời điểm 2005, chúng ta phải sử dụng tiêu chí của quốc tế. Theo tiêu chí này thì không có động đất kích thích. Đây là sự bị động, thiếu sót của chúng ta thời kỳ này”.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công thương, nói: “Chúng ta yên tâm rằng, động đất kích thích sẽ không xảy ra tình huống xấu nhất. Tuy nhiên, phải tính đến mọi tình huống nên sắp đến Bộ Công thương sẽ ban hành văn bản giao cho tất cả các chủ đập trên cả nước để xây dựng phương án phòng chống lụt bão, bảo vệ đập. Trong đó, có tình huống, nếu vỡ đập sẽ xử lý như thế nào”.
Báo động xả tràn trên sóng phát thanh Sáng 28.9, Công ty CP thủy điện A Vương phối hợp với UBND H.Đại Lộc (Quảng Nam) tổ chức hội nghị tập huấn công tác phòng chống lũ lụt và thông tin cảnh báo xả tràn, vận hành hồ chứa thủy điện A Vương trong mùa mưa bão 2012. Gần 200 đại biểu, trong đó có trên 160 trưởng thôn của 18 xã, thị trấn thuộc H.Đại Lộc đã tham gia. Theo ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thủy điện A Vương, với tiêu chí công khai và minh bạch trong việc vận hành hồ chứa, từ 25.9 - 25.12.2012, UBND H.Đại Lộc cử 12 người (Hội CCB, Hội Nông dân, Đoàn TNCS) chia làm 6 tổ luân phiên thường trực tại đập dâng -tràn thủy điện A Vương để giám sát quá trình vận hành Nhà máy thủy điện A Vương trong mùa mưa bão. Trong mùa mưa lũ, Công ty CP thủy điện A Vương tiến hành báo động xả tràn hồ chứa thủy điện A Vương trên sóng radio tại tần số FM 104MHZ và báo động trước khi xả tràn 2 giờ. Hữu Trà |
Hoàng Sơn
Bình luận (0)