Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Kỳ 3: Ba kiến nghị tâm huyết

01/10/2012 03:20 GMT+7

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, người có thời gian dài nghiên cứu sâu về giáo dục, đã gửi đến diễn đàn Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục 3 kiến nghị liên quan tiến trình đổi mới nền giáo dục nước nhà.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục: Ba kiến nghị tâm huyết
Cần thay đổi cơ cấu giáo dục phổ thông để tránh những bất cập hiện nay như căng thẳng trong kỳ thi ĐH, dạy thêm học thêm, chạy bằng, chạy điểm… - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đầu tư tài lực phải đi đôi với đầu tư trí tuệ

Trước hết, kiến nghị Đảng, Nhà nước đề ra những giải pháp mạnh mẽ và hữu hiệu để thực hiện quan điểm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo, việc tăng cường đầu tư ngân sách và có những biện pháp huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục thể hiện quyết tâm rất lớn thực hiện quan điểm đã được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta. Nhưng đầu tư tài lực phải đi đôi với đầu tư trí tuệ. Phải làm sao để giáo dục thực sự trở thành mối quan tâm thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội; nhận thức phải đi đôi với hành động, nói phải đi đôi với làm.

Phát triển nhân cách đa dạng của người học mới là mục tiêu hàng đầu

Thứ hai, nội dung đổi mới giáo dục lần này phải thật sự căn bản và toàn diện đúng như yêu cầu của Đại hội Đảng lần thứ XI.

Nói như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, đổi mới trước hết phải từ mục tiêu giáo dục. Từ trước đến nay, mục tiêu giáo dục vẫn chỉ được xác định là đào tạo nhân lực phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chưa bao giờ chúng ta nhận thức rõ sự phát triển nhân cách đa dạng của người học mới là mục tiêu hàng đầu của sự nghiệp giáo dục và chỉ trên cơ sở hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của mỗi người mới có một xã hội phát triển, hài hòa. Lúc này, một mục tiêu giáo dục đúng đắn và dễ đạt được sự đồng thuận là kết hợp hài hòa sự phát triển tự do của cá nhân với sứ mệnh đào tạo nhân lực phục vụ xã hội.

Đổi mới mục tiêu giáo dục tất yếu sẽ dẫn đến “đổi mới toàn diện” nền giáo dục, mà trước hết là đổi mới tính chất của nền giáo dục Việt Nam. Theo chúng tôi, nền giáo dục Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới phải là một nền giáo dục thực học và dân chủ.

Xét từ mục tiêu đào tạo nhân lực phục vụ xã hội, thực học có nghĩa là ưu tiên phát triển nguồn nhân lực các ngành kinh tế và công nghệ có tính ứng dụng cao; đồng thời điều chỉnh nội dung, thời lượng học tập ở các cấp học cho phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển của đất nước.

Xét từ mục tiêu hoàn thiện nhân cách và phát triển năng lực phù hợp với sở nguyện, sở trường của mỗi cá nhân, thực học có nghĩa là chuyển đổi từ chương trình có tính hàn lâm thành chương trình thiết thực với người học, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển năng lực của người học trong việc giải quyết các tình huống nảy sinh trong cuộc sống với tinh thần sáng tạo và ý thức trách nhiệm cao trước bản thân, gia đình và xã hội.

Thực học phải đi đôi với dân chủ. Dân chủ là thuộc tính tất yếu của giáo dục để thực hiện mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”, đồng thời để đảm bảo cho sự hoàn thiện nhân cách, phát triển năng lực của mỗi người phù hợp với sở nguyện, sở trường và điều kiện của họ.

Để thực hiện dân chủ, trước hết phải đảm bảo quyền và trách nhiệm của xã hội trong việc tham gia phát triển, quản lý và thụ hưởng thành quả của giáo dục, đồng thời đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục, quyền chủ động của giáo viên và quyền của người học đóng góp vào quá trình thực hiện hoạt động giáo dục.

Về nội dung và phương pháp dạy học, dân chủ thể hiện ở sự khai phóng, tức là cởi mở về học thuật, tạo điều kiện cho người học sáng tạo và phát triển phù hợp với khả năng, nguyện vọng của mình. Qua đó, giáo dục và xã hội mới tạo ra được những lớp người dám nghĩ, dám làm.

Đổi mới kinh tế và xã hội làm nền tảng đổi mới giáo dục

Thứ ba, có thể thấy, cho đến nay, nguyên nhân sâu xa nhất hạn chế chất lượng giáo dục của nước ta là nền kinh tế và thị trường lao động chưa tạo được sức hấp dẫn và áp lực buộc giáo dục phải thay đổi. Với một nền kinh tế chỉ dựa trên lắp ráp, gia công; khai khoáng, nông nghiệp dựa vào sức người cùng các loại dịch vụ nhà hàng, khách sạn, chuyển nhượng đất đai… thì mục tiêu đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao không có cơ sở thực tế, do đó giáo dục sẽ không có động lực thực hiện mục tiêu này.

Bên cạnh đó, nền kinh tế, nhất là khu vực kinh tế nhà nước, chưa vận hành theo đúng quy luật kinh tế thị trường, từ đó sinh ra một thị trường lao động không công bằng và một nền giáo dục ứng thí, đi học chỉ cốt lấy bằng nhằm đáp ứng “tiêu chuẩn cán bộ'', chứ không trọng thực học. Phải tìm cách thích nghi với một thị trường lao động như vậy, lớp trẻ ít có động cơ chính đáng trong học tập, rèn luyện để hoàn thiện nhân cách của mình.

Cho nên, muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục thì nhà nước phải đẩy mạnh cải cách kinh tế và đổi mới chính sách tuyển dụng, sử dụng cán bộ; đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, nhân ái, tạo môi trường xã hội tích cực để hình thành và phát triển nhân cách tốt đẹp cho tuổi trẻ học đường.

Đổi mới một lĩnh vực rộng lớn, liên quan đến hàng triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và hàng chục triệu người học như giáo dục không phải dễ dàng. Nhưng đó là công việc nhất thiết phải làm để thực hiện ước nguyện đưa dân tộc ta ''bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu'' như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết

>> Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Kỳ 1: Xây dựng nền giáo dục nhân văn - công nghệ
>> Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Kỳ 2: Cải cách quản trị và tài chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.