Từ nhỏ Phạm Quang Lễ là một cậu bé ham tìm tòi những điều mới lạ. Khi còn học ở Trường tiểu học Vĩnh Long rồi lên học ở Sài Gòn, Phạm Quang Lễ học giỏi các môn khoa học chính xác. Năm 1933, Phạm Quang Lễ đỗ thủ khoa cả tú tài ta và tú tài Tây khi mới 20 tuổi. Hai năm sau, anh nhận học bổng của Hội Ái hữu Trường Chaselup Loubart sang Pháp du học.
|
Ước hóa thân thành trăm ngàn vũ khí
Từ thời niên thiếu, Phạm Quang Lễ đã ước: “Giá chi tôi có thể hóa thân thành trăm ngàn vũ khí để đỡ hy sinh xương máu cho đồng bào, để gây sấm sét cho bọn ngoại xâm…”. Ngay từ ngày đầu tiên lựa chọn ngành nghề, chàng lưu học sinh trẻ tuổi đã có ý định học về ngành kỹ thuật chế tạo vũ khí. Đọc lại lịch sử, anh rất đau lòng khi thấy chỉ vài ngàn quân Pháp với tàu sắt súng đồng đã hạ xong cửa biển Đà Nẵng. Lòng yêu nước đã thôi thúc Phạm Quang Lễ ra sức học tập khoa học kỹ thuật tiên tiến để chờ ngày mang tri thức về phục vụ đất nước.
Không được phép thi vào các trường quân sự, Phạm Quang Lễ đành phải học qua đường vòng. Biết rằng môn học có liên quan đến thiết kế chế tạo vũ khí được giảng tại sáu trường đại học lớn, anh đã thi vào Trường Quốc gia Cầu đường, đồng thời học thêm ở Trường Sorbonne, Viện Khí động học, Học viện Thống kê, Trường cao đẳng Kỹ thuật điện. Với năng khiếu và niềm say mê, anh đều đạt kết quả xuất sắc các môn học.
Phạm Quang Lễ thường xuyên tới thư viện tìm đọc sách về thiết kế, chế tạo vũ khí. Tuy nhiên, ngay cả ở Pháp, tài liệu về lĩnh vực này cũng rất hiếm. Đọc tài liệu của Pháp chưa đủ, ông tự học tiếng Đức trong một tháng hè để có thể đọc tài liệu về vũ khí của Đức - nước có nền công nghiệp khoa học kỹ thuật quân sự phát triển nhất thời đó. Trong 11 năm ở Pháp, Phạm Quang Lê đã chính thức nhận 4 bằng đại học: Tổng hợp, cầu đường, điện, hàng không. Ông đã làm việc tại Hãng điện khí Thomson, tại ba nhà máy chế tạo vũ khí máy bay và vũ khí của Pháp.
Được Bác đổi tên
Tháng 5.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp với tư cách là khách mời của chính phủ Pháp. Lúc này Phạm Quang Lễ đang là kỹ sư trưởng của một xưởng chế tạo máy bay nổi tiếng của Pháp. Cùng với nhiều trí thức Việt kiều khác, Phạm Quang Lễ được gặp Bác Hồ. Ông thưa với Bác nguyện vọng ấp ủ bấy lâu nay của mình, xin Người cho đi theo về nước và được chấp thuận. Cùng với bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Đình Quỳnh, kỹ sư Võ Quý Huân, ngày 18.9.1946, Phạm Quang Lễ lên chiến hạm Duymont D’urville rời quân cảng Toulon theo Bác Hồ về nước. Gia tài tích cóp ở Pháp được ông mang về là gần một tấn sách vở, tài liệu khoa học kỹ thuật.
Bảy ngày sau khi về nước, ngày 27.10.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho kỹ sư Phạm Quang Lễ lên Thái Nguyên. Ở đây ông đã cùng với cán bộ công nhân xưởng quân giới Giang Tiên tiến hành nghiên cứu chế tạo các loại vũ khí cho bộ đội.
Ngày 5.12.1946, Bác Hồ lại gọi kỹ sư Phạm Quang Lễ về Hà Nội báo cáo tình hình. Cuối buổi làm việc, Bác nói: “Kháng chiến đến nơi rồi. Hôm nay, Bác quyết định giao cho chú nhiệm vụ làm Cục trưởng Cục Quân giới. Chú sẽ chăm lo vũ khí cho bộ đội. Đây là việc đại nghĩa. Vì thế nay Bác đổi tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Bác mong chú cố gắng hết sức mình để làm tròn nhiệm vụ” .
Kỹ sư Phạm Quang Lễ trở thành Cục trưởng Cục Quân giới đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người kỹ sư trẻ đã cùng với đồng nghiệp tập trung suy nghĩ giải quyết vấn đề vũ khí cho chiến trường: các loại mìn, lựu đạn, vũ khí chống xe tăng, chống tàu chiến, vũ khí công đồn.
Bazoka “made by Trần Đại Nghĩa”
Khi bắt đầu nghiên cứu sản xuất súng bazoka, trong tay ông chỉ có một khẩu súng phóng cỡ 60 mm của Mỹ và hai quả đạn là chiến lợi phẩm thu được của Nhật, không hề có tài liệu kèm theo. Loại vũ khí ứng dụng hiệu ứng nổ lõm khi đó còn khá mới mẻ không chỉ ở Việt Nam. Ông đã cùng Tạ Quang Bửu, khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bắn thử một quả đạn ở Đại Từ (Thái Nguyên), quả còn lại được tháo ra để nghiên cứu. Tìm hiểu được nguyên lý rồi nhưng việc sản xuất không đơn giản. Trần Đại Nghĩa cùng đội ngũ mày mò chế tạo đạn trong những điều kiện cực kỳ khó khăn giữa giai đoạn đầu cuộc kháng chiến. Lớp vỏ đồng của đầu đạn được thay bằng thép do công nhân ta tiện trên máy tiện thô sơ, thuốc phóng của Mỹ được thay bằng thuốc đạn đại bác của Pháp…
Lần đầu xuất trận tại Vân Đình (Hà Đông) đầu năm 1947, bazoka “made in Việt Nam” đã gây kinh hoàng cho cả đoàn xe tăng Pháp.
Sự xuất hiện của loại vũ khí chống tăng đầy uy lực này là một bất ngờ lớn đối với quân đội viễn chinh Pháp.
Bộ Chỉ huy Pháp đã phải hạ lệnh tìm hiểu xem nước nào đã cung cấp loại bazoka này cho Việt Minh...
Để xuyên thủng lớp tường bê tông dày của các lô cốt, Trần Đại Nghĩa lại nghiên cứu chế tạo loại súng phóng đạn lõm cỡ lớn hơn và cho ra đời súng không giật SKZ. Không một loại lô cốt nào có thể chịu nổi sức xuyên phá của đạn SKZ. Việc chế tạo thành công và kịp thời bazoka năm 1947 rồi SKZ năm 1949 đã làm cho xe tăng Pháp mất hẳn ưu thế là “mũi khoan thép” trên chiến trường như Bộ Chỉ huy Pháp từng huênh hoang. Các lô cốt, công sự của Pháp cũng không còn kiên cố nữa trước sức công phá của SKZ…
Ước vọng lãng mạn từ thời niên thiếu đã được Phạm Quang Lễ ấp ủ mang theo suốt cả cuộc đời khoa học vẻ vang của mình. Cả cuộc đời ông đã phấn đấu hy sinh cống hiến cho sự nghiệp đại nghĩa của dân tộc đúng như cái tên mà Bác Hồ đã chọn đặt cho ông.
GS Trần Đại Nghĩa (13.9.1913 - 9.8.1997) là một trong 7 thiếu tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam được tuyên phong đợt đầu (tháng 1.1948). Ông cũng là một trong những Anh hùng lao động đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ năm 1952. Nhiều năm ông là Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước. Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. |
Ngữ Thiên
--------------
(1, 2 Theo Hồi ký của Giáo sư Trần Đại Nghĩa - Những gương mặt trí thức Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998)
Bình luận (0)