>> Kiểm điểm cá nhân vụ thai nhi tử vong trong bụng mẹ
>> Liên quan vụ thai nhi chết trong bụng mẹ: Thuyên chuyển công tác nữ hộ sinh
>> Một thai nhi tử vong
>> Số thai nhi bị phá bỏ gần bằng 4/5 số trẻ chào đời
>> Thanh tra một trường hợp thai nhi tử vong
>> Vụ thai nhi tử vong: Kỷ luật 2 bác sĩ và 1 nữ hộ sinh
|
Nỗi “ám ảnh” từ hồi 10 tuổi
Người phụ nữ ấy là Nguyễn Thị Nhiệm, ở thôn Đồi Cốc, xã Thanh Xuân, H.Sóc Sơn (Hà Nội). Có không ít người biết đến nghĩa trang thai nhi ở thôn nhưng không phải ai cũng biết đến câu chuyện của người quản trang. Cô Nhiệm là người gắn bó với nghĩa trang từ những ngày tháng đầu. Hiện nay, cô là người quản trang.
Nói là quản trang nhưng cô làm hết mọi công việc ở đây. Từ nhận các thai nhi, cho vào từng cái tiểu rồi tự tay chôn cất các em... Cô tham gia vào từng công việc, tỉ mỉ. Cô yêu thương từng thai nhi bé nhỏ ở đây.
Khi được hỏi về lý do làm công việc này, cô Nhiệm kể lại câu chuyện từ khi cô mới 10 tuổi. Một sự việc đã khiến cô nhớ mãi đến ngày hôm nay. “Hồi ấy cô mới 10 tuổi. Vào một hôm, có một người đi đánh dặm quê tận trên Phú Thọ, người này kể rằng nhà anh ta ở gần bệnh viện. Và hằng ngày gia đình anh ta nhìn thấy rất nhiều em bé, những thai nhi bị vứt bỏ. Gia đình anh ta đã đem chôn những thai nhi đó. Dù không biết câu chuyện này là thật hay không nhưng nó đã ám ảnh vào đầu cô từ hồi đó đến giờ”. Một câu chuyện của người qua đường đã khiến lòng của người phụ nữ thôn quê này nhớ mãi. Rồi dần nó đi vào ý nghĩ, hành động của cô như một mối duyên nợ.
Nhiều người trong thôn nói rằng nghĩa trang thai nhi được hình thành bởi vì có một người phụ nữ nhặt được xác thai nhi rồi đem về chôn. Cứ như thế, rồi dần trở thành nghĩa trang như bây giờ. Khi được hỏi về chuyện này, bác Nguyễn Văn Thạo (người quản lý nghĩa trang) cho biết: “Đó chính là cô Nhiệm. Cô ấy là người mở đầu cho những công việc này”.
Cô Nhiệm kể lại: “Một ngày, tình cờ cô đi chợ ở xóm bên cạnh. Ở bên đấy có người phát hiện một xác em bé ở ngay trên đường. Thấy thương quá nên cô đem về chôn. Nghĩ nhiều lắm, rồi cô quyết định chôn ở ngoài ruộng của nhà”.
Nỗi nhớ về câu chuyện của nhiều năm về trước và hình ảnh của những sinh linh bé nhỏ luôn hiện diện trong người phụ nữ bé nhỏ này. Người phụ nữ nhỏ bé này luôn tâm niệm đây là một công việc thiện, giúp cái tâm được thanh thản hơn.
Câu chuyện về những ngày đầu...
Những ngày đầu, điều khó khăn nhất đó chính là địa điểm để chôn các em nhỏ. Cô Nhiệm đã kể lại với chúng tôi những câu chuyện rất thật. Đó là khi ngày đầu cô mang thai nhi về nhà, không thể tìm được mảnh đất nào cho các thai nhi yên nghỉ. Lúc đầu cô định chôn ngoài vườn nhưng sau lại không dám. Cô nói: “Cô để các em ở nhà mà vừa thương vừa lo. Sau mấy đêm suy nghĩ cô đã quyết định để các em nằm ở ngoài ruộng của gia đình”.
|
Sau khi chôn cất cho ba thai nhi, cô quyết tâm sẽ giúp đỡ các em bé chưa kịp chào đời ấy có một nơi yên nghỉ. Cô quyết định bỏ hẳn một mảnh ruộng để làm nghĩa trang. Cả gia đình cô đều đồng ý, ủng hộ và còn giúp đỡ cô trong công việc này.
Nhớ về những ngày đầu cầm trên tay từng thai nhi bé xíu, cô nói: “Ai nhìn thấy cũng sợ lắm chứ! Nhưng cô không thể, cô không sao hết. Cô nhặt được các em bé về nhưng không có cảm giác sợ hãi mà chỉ thấy thương các em nhỏ, vì các em không được sống, không được ở bên cha mẹ của mình”.
Người phụ nữ này đã một mình đi hết các bệnh viện này đến bệnh viện khác xin những thai nhi tội nghiệp về để chôn cất. Cô bảo những ngày tháng ấy vất vả lắm, vì cô không biết đi xe máy. Ngày ngày đi xe buýt, nhà lại nghèo, có khi cô còn không có tiền trả xe buýt, đành phải cố gắng xin các chú phụ xe cho đi nhờ. Vậy mà kết quả cũng không được. Cô đến bao nhiêu nơi thì bấy nhiêu lần nhận được lời từ chối. Không ai hiểu cô đang làm gì và mục đích là gì? Có nhiều người còn cho rằng cô có ý định xấu xa gì đó hoặc làm vì kiếm tiền nên họ còn đề nghị cô trả tiền để lấy các thai nhi tội nghiệp đó...
Nhưng thân nghèo, cô không lấy đâu được tiền. Một lần không được, cô đến lần hai... lần ba và nhiều lần nữa. Cuối cùng cô đã thực hiện được ý định của mình. Những thai nhi dần đến được với cô và đã yên nghỉ ở nghĩa trang.
Cô kể lại: “Có lần tình cờ cô vô tình tìm được một thai nhi vẫn còn sống. Và đó cũng là em nhỏ khiến cô nhớ nhất. Cô đặt tên em là Tiểu Duyên. Hồi đấy, cô chăm em ở bệnh viện được 19 ngày. Nhưng sau em không qua khỏi. Cô vẫn nhớ mãi hình ảnh của em đến tận bây giờ”. Về sau, cũng có những trường hợp các em nhỏ được cứu sống và giờ sống ở các trung tâm hoặc được nhận làm con nuôi.
Hơn 10 năm đi chôn cất các thai nhi bé bỏng, có rất nhiều cảm xúc trong lòng người phụ nữ nhỏ bé này. Công việc của cô giờ cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Chia sẻ với chúng tôi, cô nói: “Cô chỉ mong là sẽ không có em nhỏ nào phải đến đây nữa. Cứ mỗi ngày có hàng chục em nhỏ đến đây, mỗi lần thấy thế cô lại đau lòng lắm!”.
Thanh Huyền
Bình luận (0)