Không nên tháo biển số xe vi phạm

03/10/2012 03:15 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều người dân, chuyên gia và cả CSGT trước kiến nghị tháo biển số xe đối với các trường hợp cố tình dừng, đậu xe trái phép trên đường…

Không được làm nếu chưa được phép

Trước đề xuất của UBND Q.1, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cũng đã chỉ đạo Công an TP phối hợp Sở Tư pháp và các ngành liên quan tham mưu đề xuất để TP kiến nghị Chính phủ cho cơ chế đặc thù áp dụng trên địa bàn TP được tháo biển số xe vi phạm. Trong thời gian kiến nghị mà chưa có ý kiến của Chính phủ, các lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, ghi hình để xử lý các phương tiện vi phạm nhằm chống ùn tắc giao thông.

Như Thanh Niên đã đưa tin, trong cuộc họp về an toàn giao thông của UBND TP.HCM ngày 1.10, UBND Q.1 có văn bản kiến nghị TP cho phép thanh tra xây dựng phối hợp các lực lượng liên quan thí điểm hình thức xử lý vi phạm bằng cách tháo biển số xe đối với các trường hợp cố tình dừng, đậu trái quy định pháp luật.

Theo UBND Q.1, thời gian qua, UBND quận đã bãi bỏ 20 tuyến đường cho phép đậu xe ô tô có thu phí nhằm chống ùn tắc giao thông. Sở GTVT đã lắp đặt các biển báo cấm dừng, cấm đậu tại các tuyến đường này. Tuy nhiên, các phương tiện xe ô tô và taxi vẫn dừng, đậu trái phép gây cản trở giao thông. Mặc dù các lực lượng của TP, quận và phường thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử lý kiên quyết, nhưng người điều khiển phương tiện vẫn cố tình tránh né, đậu xe rồi bỏ đi nơi khác gây khó khăn cho việc xử lý. Do vậy, UBND Q.1 kiến nghị giải pháp tháo biển số xe nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Khó kiểm soát

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, trước đây biện pháp tháo biển số xe vi phạm từng được áp dụng ở nhiều nơi, nhưng thực tế nó đã gây ra không biết bao nhiêu phiền hà cho người dân. Khi tháo biển số, người vi phạm không có mặt, cơ quan chức năng nhiều lúc không để lại bất cứ thông tin nào nên họ không biết cơ quan, đơn vị nào tháo. Trong khi đó, có rất nhiều lực lượng có thẩm quyền làm việc này. “Có trường hợp, chủ phương tiện vi phạm bị tháo biển số dù đã đến nhiều đơn vị tìm nhưng không tìm được đành phải đi làm lại biển số mới”, một cán bộ Công an TP.HCM cho biết.

Luật sư Nguyễn Minh Thuận, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: “Xe cộ là nguồn nguy hiểm cao độ, do vậy nó được gắn biển số để kiểm soát trong lưu thông và đặc biệt là khi có tai nạn, mất cắp… xảy ra. Nếu như xe bị tháo biển số nhưng sau đó vẫn chạy trên đường rồi gây ra tai nạn thì sẽ rất khó kiểm soát. Trong trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng nhưng người điều khiển cho xe chạy trốn khỏi hiện trường thì làm sao xác minh để xử lý và trách nhiệm này sẽ thuộc về ai?”.

Không nên tháo biển số xe vi phạm
Công an xử lý xe ô tô vi phạm dừng, đậu trái phép trên đường Lê Lai (Q.1) - Ảnh: Minh Nam

Có nhiều biện pháp đơn giản hơn

Trung tá Nguyễn Ngọc Loan, Trưởng đội CSGT Bến Thành, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM (PC67), cho biết: “Theo Nghị định 34 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ô tô đậu trái quy định nếu trong nội đô sẽ bị phạt tiền và tước giấy phép lái xe 30 ngày. Đáng chú ý, trong tất cả hành vi vi phạm giao thông đều không cho phép tháo biển số ô tô, xe gắn máy… Trước đây thì cho tháo biển số nhưng từ khi nghị định này có hiệu lực (năm 2010) thì không còn chuyện tháo biển số nữa”.

Thượng tá Trần Thanh Trà, Phó trưởng PC67, cho biết thêm: “Trong thời gian qua, Công an TP cũng có tháo một số biển số xe vi phạm nhưng vì quy định chưa cho phép làm việc này nên đã tạm dừng lại”. Về thực trạng UBND Q.1 nêu, thượng tá Trà cho rằng nếu khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử phạt mà tài xế, chủ xe lẩn tránh, không hợp tác thì sẽ lập biên bản và cho nhân chứng hoặc chính quyền địa phương ký. Bên cạnh đó, sẽ ghi hình xe vi phạm, nếu có nguy cơ gây ùn tắc giao thông cao thì có thể sẽ cho xe cẩu đến giải tỏa…

Khóa bánh xe vi phạm

Trao đổi với PV Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia giao thông (Việt kiều Đức), tỏ ra băn khoăn trước đề xuất tháo biển số xe của UBND Q.1, khi dẫn ra một số hệ lụy có thể xảy ra. Đó là dễ bị kẻ xấu (trộm cắp) lợi dụng; biển số (khi bị cơ quan chức năng tháo) dễ bị hư hỏng, thất lạc... thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Ông Đồng cho biết, ở nhiều quốc gia, như: Mỹ, Đức, Nhật..., khi phát hiện xe vi phạm, nhưng không có mặt chủ xe hoặc tài xế, thì cảnh sát sẽ dùng biện pháp khóa bánh xe thông qua một chiếc khóa đặc biệt. Cảnh sát sẽ để lại một tờ giấy có ghi số điện thoại, trạm cảnh sát gần nhất để liên lạc. Khi người vi phạm thấy xe mình bị khóa thì sẽ tự đến đồn cảnh sát đóng tiền phạt... “Nên chăng chúng ta cần học tập cách làm hay như các nước trên thế giới, để đưa ra những giải pháp khoa học hơn và người vi phạm sẽ tâm phục, khẩu phục hơn”, ông Đồng nói.

Đình Mười

Đình Phú - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.