Theo đó, ADB đã hạ thấp dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 5,1% trong năm 2012 và 5,7% trong năm 2013, trong bối cảnh thị trường nước ngoài và tín dụng trong nước yếu.
Lạm phát được dự báo ở mức khoảng 7% vào cuối năm 2012, đưa tỷ lệ trung bình của năm lên 9,1%, thấp hơn so với dự báo trước kia vì giá thực phẩm giảm mạnh và nhu cầu trong nước yếu hơn dự đoán. Dự báo đến cuối năm 2013, lạm phát tăng nhanh lên mức 9,4% do giá lương thực toàn cầu và lượng cầu trong nước tăng, trong khi chính sách tài khóa có thể được nới lỏng.
Theo đánh giá của ADB nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những khó khăn liên quan đến quy mô nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng. Về phương án giải quyết, đại diện ADB cho rằng có nhiều giải pháp khác nhau như việc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên trong môi trường hiện tại việc thu hút vốn từ trong và ngoài nước bằng cách phát hành trái phiếu là “vô cùng khó khăn”. Một cách khác là Chính phủ dùng vốn của mình để hỗ trợ qua các công ty quản lý nợ.
Ông Tomyuki Kimura, Giám đốc quốc gia của ADB khẳng định ADB ủng hộ các kế hoạch cải cách lĩnh vực tài chính và doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ VN đã phê duyệt, đồng thời đánh gia cao các bước đi quan trọng đã được tiến hành đến nay như việc sáp nhập một số ngân hàng yếu kém.
Cũng theo ADB, việc cải cách cũng cần có những lộ trình cụ thể, đồng thời cần cung cấp thông tin một cách minh bạch về tiến độ của tiến trình cải cách.
Theo chuyên gia kinh tế Dominic “kể cả nếu không thực hiện được đúng tiến độ cũng cần có sự truyền thông với thị trường để giải thích nguyên nhân. Đây là nền tảng cho việc phát triển tốt hơn trong tương lai”.
Trường Sơn
Bình luận (0)