>> Bão số 7 gây mưa lớn tại miền Trung và Tây nguyên
>> Bão số 7 hướng thẳng vào miền Trung
>> Bão số 7 có khả năng mạnh thêm
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, tối qua 3.10, bão số 7 đã liên tục đổi hướng. Sau khi quặt về hướng tây, di chuyển được vài chục km, bão đã lại “trôi” ngược ra phía đông, rồi lại quay lại hướng tây.
|
“So với hôm qua, trưa nay, bão số 7 đã yếu đi 2 cấp, chỉ còn mạnh ở cuối cấp 8 - đầu cấp 9. Chiều và đêm nay bão tiếp tục đi theo hướng tây và tây tây nam với tốc độ khoảng 10 km/giờ. Ngày mai 5.10, bão đi nhanh hơn và dự kiến sẽ đổ bộ vào đất liền nước ta vào khoảng chiều ngày 6.10”, ông Tăng nói.
Ông Tăng lưu ý, khu vực đổ bộ của bão đã có sự thay đổi so với dự báo từ một ngày trước đó. Theo ông Tăng, trọng tâm bão đổ bộ là khu vực Quảng Ngãi - Bình Định, tuy nhiên cần đề phòng tâm bão có thể “trôi” xuống hoặc “ngược” lên một chút và ảnh hưởng trực tiếp đến cả Quảng Nam và Phú Yên vì dự báo 48 giờ sẽ có sai số 200-250 km
“Lúc đổ bộ vào đất liền, bão mạnh cấp 8, giật cấp 10 - cấp 11, gây mưa lớn trên diện rộng. Tâm mưa tính từ tâm bão đổ lên phía bắc, tức từ Bình Định đến Quảng Bình với lượng phổ biến 100-200 mm, một số nơi trên 300 mm. Các khu vực chịu ảnh hưởng của bão sẽ có mưa trên dưới 100 mm. Mưa lớn xảy ra khi bão áp sát bờ và trong khi đổ bộ, đến trưa hoặc chiều ngày 7.10 mới dứt”, ông Tăng nói.
Đại diện Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, bộ đội biên phòng và các địa phương đã thông báo và hướng dẫn cho trên 48.000 tàu thuyền với trên 238.000 người đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 5 tàu, trong đó có 4 của Quảng Ngãi đang ở khu vực đảo Đá Bắc và 1 tàu của Khánh Hòa đang ở khu vực đảo Chi Tôn đều thuộc quần đảo Hoàng Sa với 80 người.
Đây là khu vực nguy hiểm, dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 7, mặc dù lực lượng biên phòng đã đề nghị và phối hợp với địa phương thông báo, yêu cầu các tàu di chuyển phòng tránh bão từ tối ngày 3.10 nhưng đến nay các tàu cá vẫn chưa chịu vào bờ.
“Sóng gió cấp 9, cấp 10 thì các phương tiện cứu hộ cứu nạn của chúng ta không có khả năng ra cứu nạn được”, đại diện Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) nói.
Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát lưu ý, vấn đề trọng tâm, phải chỉ đạo gấp rút là yêu cầu và hướng dẫn số tàu thuyền và ngư dân nêu trên di chuyển đến nơi an toàn. “Tôi sẽ trực tiếp gọi điện yêu cầu lãnh đạo các tỉnh đôn đốc việc này”, ông Phát nói.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng, đến nay Bộ này đã huy động 31.177 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ, 588 phương tiện trong đó có 3 máy bay, 375 xuồng và ca nô, 202 ô tô các loại sàng đối phó với bão số 7.
Quân khu 4 và Quân khu 5 có kế hoạch thành lập sở chỉ huy tiền phương để chỉ đạo công tác phòng chống bão số 7
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão triển khai nghiêm các chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp đối phó với bão số 7 của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư diễn ra chiều qua 3.10.
Ông Cao Đức Phát quyết định cử đoàn công tác của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chiều mai 5.10 vào các tỉnh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão để chỉ đạo công tác ứng phó.
Quang Duẩn
Bình luận (0)