Chưa kịp chúc mừng cho bộ phim, vừa gặp đã nghe Hoàng Mập than: “Mấy hôm rày tui đang trong trạng thái bất an đây. Phim mà không đạt rating 1.5 thì tôi... chết chắc!”.
Con số “1.5” nghiệt ngã
Giải đáp thắc mắc của chúng tôi, Hoàng Mập nói: bộ phim Chàng mập nghĩa tình được ký hợp đồng với SCTV không theo kiểu thông thường là trao đổi quảng cáo mà theo kiểu cam kết rating (chỉ số người xem truyền hình). Nếu bộ phim đạt rating là 1.5 trở lên thì SCTV mới trả tiền cho hãng phim theo hợp đồng (rating càng cao thì tiền càng tăng), còn nếu không đạt con số này thì coi như... mất trắng. Mà tiền đầu tư không phải ít: khoảng 3,6 tỉ đồng cho 33 tập phim.
Cách “đo phim bằng rating” như Hoàng Mập nói đã được SCTV áp dụng từ đầu năm 2012 và đang tạo cơn “địa chấn ngầm” trong giới làm phim truyền hình. Trong tổng số 12 phim phát sóng được ký kết theo cách làm mới này, có đến bốn phim rating không đạt mức 1.5, dù đề tài khai thác đa dạng. Nếu căn cứ theo hợp đồng, đơn vị sản xuất các phim này sẽ không thu được đồng nào từ SCTV.
|
Trên hệ thống cáp SCTV hiện nay có hai kênh là SCTV7 và SCTV14 có phát sóng phim truyện mới. Trong đó, giờ phim mới 20g trên SCTV14 đang ngày càng thu hút khán giả. Mỗi đêm SCTV14 phát sóng hai tập phim mới nên tốc độ “tiêu thụ” phim khá lớn. Tiêu chí chọn phim Việt phát sóng trên SCTV cũng khá thoải mái: đề tài gì cũng được, miễn không vi phạm luật pháp, không bạo lực... nên nhiều hãng phim cả mới lẫn cũ đều tham gia sản xuất phim để phát sóng trên kênh này.
|
Ông Nguyễn Tấn Khoa - trưởng phòng tổ chức, hành chính Công ty SCTV - cũng xác nhận rằng không chỉ với phim truyện, mà ngay cả chương trình hài mới, SCTV bắt đầu hợp tác với các hãng phim theo cách làm này từ tháng 1-2012. “Các hãng phim không còn lo lắng phải chạy quảng cáo nữa mà chỉ cần làm sao sản xuất ra những bộ phim thu hút khán giả mà thôi. Với những đối tác mạnh về quảng cáo thì SCTV cũng ký kết lượng quảng cáo hãng phim đó được thu về (số tiền cao hơn so với SCTV trả bằng tiền mặt) nhưng cũng phải cam kết tỉ lệ rating. Mục đích cuối cùng của chúng tôi chỉ đơn giản là tạo ra những sản phẩm tốt nhất để phát sóng” - ông Khoa nói.
Người hồ hởi, kẻ nghi ngại
Hỏi Hoàng Mập vì sao lại chọn cách hợp tác quá “phiêu” này, anh thẳng thắn: “Với những hãng phim nhỏ như chúng tôi, “cửa” hợp tác với những đài truyền hình lớn như VTV, HTV rất khó. Chạy quảng cáo thì rõ ràng chúng tôi không thuận. Chúng tôi chỉ biết chuyên tâm vào làm phim thôi. Điều quan trọng với hãng phim lúc này là làm sao có đề tài thu hút”. Sự hồ hởi ấy của Hoàng Mập còn mang yếu tố tâm lý của một “tân binh”. Rõ ràng cách làm này giúp cho những nhà sản xuất phim nhỏ có được cơ hội làm phim, không phải phập phồng vì sợ chạy quảng cáo không được.
Mặt khác, theo hợp đồng của SCTV, nếu chỉ số rating càng tăng thì tiền SCTV trả cho mỗi tập phim cũng sẽ tăng (cụ thể như rating từ 1.8-2.0 thì tiền mà SCTV trả cho mỗi tập là 160 triệu đồng, rating 2.1-2.3 là 170 triệu đồng/tập...). Những con số cụ thể ấy có vẻ như dễ làm nhà sản xuất cảm thấy an tâm hơn.
Dù là hãng phim sản xuất khá nhiều phim thành công trên SCTV và các kênh khác, bà Nguyễn Thị Trúc Mai - giám đốc M&T Pictures - cũng bày tỏ mối lo ngại: “Theo tôi, cách làm phim này có mặt được lẫn không được. Mặt được thì giúp các nhà sản xuất phải chú ý hơn nữa đến chất lượng của những bộ phim do mình sản xuất. Còn mặt chưa được là nhiều rủi ro cho nhà sản xuất. Hãng phim nào có ý định làm phim theo kiểu này cần phải hiểu mình đứng ở đâu, có đủ sự tự tin và thật cẩn thận”.
Giám đốc một hãng phim khác không muốn nêu tên cho biết hãng phim của mình sẽ không làm phim kiểu này vì: “Cách làm này cũng hay nhưng đầy mạo hiểm bởi chẳng ai biết chắc được điều gì. Một kịch bản hay nhưng khi ra phim chưa chắc đã hay. Có lẽ cách làm này phù hợp với những công ty mới, cần tạo dựng một chỗ đứng”.
Thở phào nhẹ nhõm khi bộ phim Chuyện xứ dừa phát sóng vừa cán mức rating 1.6, đủ điều kiện để thu lại được tiền, đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo cho biết: “Chỉ số rating bị tác động bởi nhiều yếu tố. Ví dụ như phim Chuyện xứ dừa phát sóng ngay sau khi bộ phim có rating thấp, ít người xem nên cũng bị ảnh hưởng. Mặt khác, những ngày cuối tuần khi các đài truyền hình phát sóng chương trình truyền hình thực tế thì lượng người xem phim cũng giảm đáng kể. Mà bây giờ khán giả xem truyền hình có quá nhiều lựa chọn”.
HTV, VTV: Cam kết trên doanh số quảng cáo * Hiện nay, đài truyền hình HTV, VTV đều hợp tác với các hãng phim theo phương thức đặt hàng và cam kết doanh số quảng cáo. Ví dụ như một tập phim nhà đài sẽ trả cho nhà sản xuất khoảng 180 triệu đồng với điều kiện nhà sản xuất phải cam kết trong giờ phim này sẽ thu về được số quảng cáo gấp khoảng mấy lần so với số tiền nhà đài phải bỏ ra để trả các hãng phim. Mới đây, hai đài này cũng hợp tác với các hãng phim theo phương thức mua bản quyền. Các hãng phim tự chịu trách nhiệm với tác phẩm của mình. Sau khi hoàn tất gửi đến VTV hoặc HTV duyệt. Nếu phim tốt, phù hợp họ sẽ mua bản quyền và trả bằng tiền mặt. * Rating là từ chỉ tỉ suất người xem đài của một chương trình. Dựa vào rating này, nhà sản xuất có thể đo lường thị hiếu và sự yêu thích của khán giả. Cũng từ chỉ số rating mà các nhãn hàng quảng cáo mới đổ vào những chương trình có chỉ số rating cao. Hiện tại ở VN chỉ có duy nhất Công ty truyền thông VN TNS đang làm công việc khảo sát để đưa ra bảng rating cho các chương trình truyền hình. |
Theo Hoàng Lê / Tuổi Trẻ
>> Phim truyền hình Việt đang chết
>> Phim truyền hình “lép vế”
>> Phim truyền hình Trung Quốc bị tố "đạo" phim Mỹ
>> Phim truyền hình Việt đang chết: Từ “quan hệ” đến “chơi chiêu”
>> “Kim siêu vòng ba” mất ngôi nữ hoàng phim truyền hình
>> Phim truyền hình Việt đang chết: Cần những cái bắt tay nghiêm túc
Bình luận (0)