Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng C67, từ khi thực hiện Nghị định 34/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và mới đây là Nghị định 71 đã có nhiều băn khoăn của các địa phương, dư luận về việc áp dụng biện pháp tạm giữ giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm.
|
Theo điều 54 của Nghị định 71 quy định: “Để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định... Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ”.
“Trong thời gian qua, chúng tôi thấy có thực trạng là các tài xế khi vi phạm bị tạm giữ giấy tờ thì sử dụng biên bản xử phạt như là một “bảo bối” để đi qua các trạm khác. Dù họ có vi phạm tiếp thì CSGT cũng không xử phạt được nữa”, ông Tuyên nói.
“Theo quan điểm của tôi thì trong trường hợp tài xế bị CSGT thu giữ hết giấy tờ thì họ sẽ không được tiếp tục điều khiển phương tiện. Về nguyên tắc, anh không có giấy phép lái xe thì anh không được điều khiển xe”, ông Tuyên khẳng định.
Cũng theo ông Tuyên, trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến phản hồi rằng, trong trường hợp tài xế đang chạy xe khách, chạy hàng hóa quan trọng, nếu không được lái tiếp thì họ bị lỡ việc, phải để khách nằm giữa đường, hàng hóa bị đình trệ. “Tôi khẳng định rằng, nếu xảy ra tình huống trên thì người điều khiển phương tiện phải tự chịu trách nhiệm sang khách, hàng hóa vì chính họ đã không chấp hành luật lệ”, ông Tuyên nói.
Đang chờ hướng dẫn
Tuy nhiên, tướng Tuyên cũng lưu ý việc tạm giữ giấy tờ và không được điều khiển xe ô tô vào những thời điểm nào thì cần phải có những hướng dẫn cụ thể hơn. Hiện tại Nghị định 71 vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Công an.
Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông (C67) cho biết, theo quy trình xử lý của CSGT, khi kiểm tra phương tiện, nếu người điều khiển có lỗi theo mức độ bị tạm giữ giấy tờ xe thì lực lượng tuần tra kiểm soát sẽ ra biên bản tạm giữ giấy tờ xe. Các giấy tờ xe bị tạm giữ có thể là giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe hoặc đăng kiểm. Sau đó, biên bản này sẽ được chuyển về đội và tùy theo mức độ sẽ do đội trưởng hoặc cấp trưởng phòng ra quyết định tạm giữ giấy tờ xe. “Đối với việc tạm giữ giấy tờ xe, về nguyên tắc thì phải đến khi người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ giấy tờ xe thì mới coi là có hiệu lực”, ông Sơn nói.
“Từ thực tế khó khăn của anh em CSGT, chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan hữu quan có quy định rõ hơn, cụ thể hơn. Ví dụ người bị tạm giữ bằng lái thì không được điều khiển xe từ khi ra biên bản xử phạt hay là khi ra quyết định. Có những quy định cụ thể sẽ tạo thuận lợi cho người thi hành công vụ, khiến người dân đồng thuận và giữ được sự uy nghiêm của pháp luật”, thượng tá Sơn phân tích.
Bằng lái bị “treo”, không nên cho lưu thông Theo một lãnh đạo Đội tuyên truyền xử lý (Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai), hiện Nghị định 71 vẫn chưa được triển khai, tập huấn cho các đơn vị. "Tuy nhiên, việc cho phép người vi phạm luật giao thông đã bị tạm giữ giấy phép lái xe, tiếp tục lưu thông sẽ khiến cho khả năng chế tài không nghiêm. Ví dụ, tài xế vi phạm lỗi đến mức phải tước giấy phép lái xe, buộc học lại luật thì không thể cho phép điều khiển phương tiện. Bởi giấy phép lái xe đã bị “treo”, thì tài xế không đủ điều kiện (cần và đủ) để điều khiển phương tiện", vị cán bộ này nói. Kim Cương |
Thái Sơn
Bình luận (0)