Ca cao “cứu” cây điều

06/10/2012 09:24 GMT+7

Những năm gần đây, diện tích cây điều của tỉnh Bình Phước đang có xu hướng giảm mạnh. Chính vì thế, trồng ca cao được xem là giải pháp hiệu quả “cứu ” cây điều.

Vào tháng 8.2010, UBND tỉnh Bình Phước đã chấp thuận cho Tổ chức Roots of Peace – ROP (Mỹ) triển khai dự án trồng ca cao (1.500ha) xen dưới tán điều trên địa bàn Bù Đăng, Đồng Phú và Bù Gia Mập; trị giá giống cây 7,6 tỉ đồng. Đến nay, diện tích cây ca cao trồng  đã đạt 500 ha. Đánh giá bước đầu cho thấy, việc trồng xen giúp nâng giá trị kinh tế của 1 ha cây điều lên gấp đôi và khuyến khích người trồng điều bám vườn.

Cây điều lâm nguy

Ngay sau khi tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ hội quả điều vàng Việt Nam – Bình Phước năm 2010, cũng là thời điểm “thủ phủ điều của cả nước” bị liêu xiêu bởi sự “tẩy chay” loại cây trồng này. Từ diện tích hơn 150.000ha (chiếm 45% diện tích điều cả nước), đến nay Bình Phước chỉ còn khoảng 140.000 ha (giảm 10.000 ha trong gần 2 năm). Anh Đỗ Văn Trường (ngụ xã Long Hưng, H.Bù Gia Mập), cho biết: “Đi đâu người ta cũng bàn chặt cây điều để trồng cao su, vì 1ha điều chỉ cho thu hoạch 20-40 triệu đồng/năm, trong khi đó trồng cao su cho thu nhập gấp 2-2,5 lần. Thêm vào đó, giá điều trong những năm gần đây luôn bấp bênh, lên xuống thất thường. Niên vụ 2010-2011 nằm ở ngưỡng 22-35.000 đồng/kg, đến niên vụ 2011-2012 tụt mạnh xuống ngưỡng 17-22.000 đồng/kg điều thô”.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh này, thời tiết ngày càng diễn biến bất lợi (thời điểm cây điều ra hoa thường gặp mưa, khả năng thụ phấn kém, sâu bệnh hoành hành), nên dẫn đến năng suất những năm gần đây giảm. Năng suất bình quân năm nay chỉ đạt 10,7 tạ/ha (năm 2010 là 11 tạ/ha). Do đó, cây điều dần bị thay thế bằng các cây trồng cho thu nhập cao hơn: cao su, sắn, keo lai…

Ca cao vào cuộc…

 

Theo phân tích của Cục thuế tỉnh Bình Phước, giá cả bấp bênh cộng lãi suất vay vốn ngân hàng tăng cao đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất và chế biến hạt điều gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, làm ăn thua lỗ, chiếm dụng tiền thuế để bổ sung vốn kinh doanh và sau đó mất khả năng chi trả. Điều này đã làm ảnh hướng lớn đến tâm lý người trồng điều và kịch bản “tẩy chay” cây điều được cộng hưởng diễn ra.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án và các giải pháp phát triển chuyên sâu cho ngành điều. Một trong những giải pháp bền vững cho cây điều chính là việc trồng xen ca cao dưới tán điều.

Theo Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tỉnh Bình Phước, thời gian qua việc trồng xen cây ca cao dưới tán điều trên địa bàn đã đem lại hiệu quả cao hơn trồng thuần, tiết kiệm được diện tích đất canh tác và giải cứu cây điều. Anh Nguyễn Quang Ngân, Quản lý dự án phát triển ca cao bền vững tại Bình Phước (thuộc Tập đoàn ROP), cho biết: “Nếu trồng xen ca cao trong các vườn điều sẽ có lợi cho người trồng, cả 2 cây tương trợ nhau phát triển tốt. Ca cao ưa bóng râm nên trồng dưới tán điều là điều kiện thuận lợi để phát triển; ngược lại cây điều sẽ có thêm nguồn dinh dưỡng từ việc chăm sóc cho cây ca cao, năng suất của 2  loại cây vì thế được nhân đôi”.

Ông Lâm Bảo Trà (xã Đoàn Kết, H.Bù Đăng) trồng 1,5 ha ca cao trồng xen dưới tán điều, phấn khởi nói: “Nếu không trồng xen ca cao dưới tán điều thì có lẽ đến bây giờ kinh tế nhà tôi vẫn khó khăn. Sau 2 năm trồng, vườn ca cao đã cho thu hoạch, năng suất đạt 1,5-2 tấn/ha, tương đương 50-60 triệu đồng. Cộng thêm tiền thu hoạch điều khoảng 30 triệu đồng/năm, thì 1ha điều xen ca cao cho thu nhập bằng hoặc vượt 1ha cao su”.

Anh Nguyễn Quang Ngân cho biết thêm: “Nông dân hoàn toàn yên tâm với đầu ra của ca cao, vì hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có các công ty lớn như: Cargill, Ca cao A1, Phạm Minh…thu mua thông qua các hệ thống đại lý tại các tuyến huyện”.

Ca cao “cứu” cây điều
Nông dân cưa điều để trồng cao su - Ảnh: Nhật Văn

Ca cao “cứu” cây điều
Cây điều được cứu rỗi nhờ mô hình ca cao xen dưới tán điều - Ảnh: Nhật Văn

Nhật Văn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.